Ông Lương Hoài Nam, người vừa rời khỏi vị trí giám đốc điều hành AirMekong chia sẻ .
. Là một trong những người am hiểu nhiều câu chuyện nội tình ngành hàng không, theo ông vấn đề các hãng hàng không tư nhân đang gặp phải là gì?
Nghĩa là rất khó tìm người đầu tư vào hàng không?
Điều quan trọng đối với các nhà đầu tư hàng không không phải là lợi nhuận trước mắt mà là một mô hình kinh doanh tiềm năng thể hiện qua sự chấp nhận của thị trường, thương hiệu mạnh, bộ máy quản lý, điều hành chuyên nghiệp. Nếu có đủ ba yếu tố đó thì kể cả khi thua lỗ, anh vẫn tìm được nhà đầu tư. Nhưng nếu không có thì dù kinh doanh có lãi nhờ thị trường thuận lợi, anh cũng không có giá trị cao trên thị trường. Bởi các khoản lãi và vốn liếng đó có thể bị “thổi bay” trong vòng một năm. Đó là bài học từ hãng hàng không tư nhân Kingfisher Airlines ở Ấn Độ, phát triển nhanh chóng đến 70-80 máy bay rồi sụp đổ rất nhanh.
Nếu các hãng hàng không tư nhân Việt Nam đang khó khăn thì theo tôi, họ cần nhanh chóng rà soát, đánh giá lại thực trạng ba vấn đề căn bản trên.
. Liệu khó khăn hiện nay có phần nào bắt nguồn từ cơ chế không, thưa ông?
+ Các hãng hàng không, nếu gặp khó khăn cũng không nên đổ lỗi cho cơ chế, chính sách. Đó là những điều kiện kinh doanh có sẵn trước khi họ quyết định đầu tư. Họ phải xem chiến lược, kế hoạch kinh doanh là đầu vào để tính toán, cân nhắc, thấy khả thi, triển vọng, đủ sức theo thì làm, không thì thôi.
Kinh nghiệm của nhiều nước Đông Nam Á là tạo thói quen đi máy bay của người dân bằng vé giá rẻ. (Ảnh minh họa) Ảnh: MP
Công bằng mà nói, các chính sách về hàng không như giá trần, thương hiệu, thương quyền... đã thoáng hơn rất nhiều so với thời tôi điều hành Jetstar Pacific. Với lộ trình tự do hóa hàng không trong ASEAN từ nay đến năm 2015, tôi tin các chính sách về hàng không sẽ được điều chỉnh thoáng hơn nữa. Nhưng nếu Nhà nước thoáng với anh thì cũng phải thoáng với những người khác, như hãng hàng không nước ngoài. Do vậy, các hãng không còn cách nào khác là phải có năng lực tốt.
Tiềm năng thừa, khai thác khó
. Nói như vậy là ông đang lo ngại sức cạnh tranh của các hãng hàng không trong nước với khu vực ASEAN trong thời gian tới?
+ Tôi khá lo ngại về khả năng tăng trưởng của các hãng trong bối cảnh tự do hóa bầu trời ASEAN sắp tới. Điều này sẽ dẫn đến một thị trường hàng không có tính cạnh tranh rất cao, lợi cho người tiêu dùng. Tuy nhiên, các hãng hàng không Việt Nam phải cạnh tranh ngang ngửa với các hãng hàng không nước ngoài vốn hơn họ cả về thương hiệu, kinh nghiệm quản lý lẫn điều hành kinh doanh. Hiện mảng kinh doanh bay quốc tế có thể đang lãi để bù đắp mức lỗ ở phần nội địa nhưng khoản lãi này chưa bền vững.
Trong khối ASEAN, về hàng không chúng ta chỉ mạnh hơn Lào, Campuchia và Myanmar. Thời điểm mở cửa bầu trời ASEAN đã cận kề và các hãng hàng không Việt Nam còn rất ít thời gian để củng cố căn bản năng lực vốn, phát triển thương hiệu, hoàn thiện quản lý, điều hành kinh doanh... Những vấn đề này các hãng phải tự giải quyết, Nhà nước không làm thay được, càng không thể đóng cửa bầu trời để bảo hộ. Điều duy nhất Nhà nước có thể làm là tạo ra môi trường cạnh tranh bình đẳng cho tất cả các hãng hàng không.
. Với dân số gần 90 triệu người, hàng không Việt Nam vẫn được đánh giá là nhiều tiềm năng. Tuy nhiên, làm sao để khai thác hết tiềm năng lại là bài toán quá khó, quan điểm của ông thế nào?
+ Đối với đất nước có gần 90 triệu dân mà quy mô thị trường hàng không chỉ khoảng 12 triệu khách nội địa và ngần đó khách quốc tế mỗi năm là nhỏ khi so sánh với các nước trong ASEAN. Nếu so sánh với các thị trường Mỹ, châu Âu, Úc, Đông Bắc Á thì khoảng cách còn xa nữa. Vấn đề làm thế nào để ngành hàng không tăng trưởng cao phụ thuộc chủ yếu vào hai yếu tố: năng lực của các hãng và hạ tầng hàng không.
Theo tôi, sự phát triển của hàng không Việt Nam những năm tới phụ thuộc rất nhiều vào hàng không giá rẻ. Mà để hàng không giá rẻ phát triển tốt, cần sớm có các nhà ga hàng không giá rẻ. Trong điều kiện nguồn lực tài chính có hạn, Nhà nước chỉ nên tập trung đầu tư các cảng hàng không lớn, còn các nhà ga hàng không giá rẻ, sân bay địa phương nên thu hút đầu tư tư nhân. Nếu không làm vậy, hạ tầng sẽ sớm trở thành “nút cổ chai” trong phát triển hàng không Việt Nam.
. Xin cảm ơn ông.
2015: Mở cửa bầu trời ASEAN Tháng 11-2010 tại Brunei, các bộ trưởng bộ giao thông vận tải 10 nước ASEAN đã đạt được một thỏa thuận về chương trình rộng mở bầu trời vào năm 2015. Theo đó, hãng hàng không được lựa chọn của các nước thành viên có thể bay đến bất kỳ thành phố nào có sân bay quốc tế trong khu vực, được thực hiện các chuyến bay vận chuyển hàng hóa 250 tấn/tuần/chiều, không giới hạn tần suất và loại máy bay. |
MAI PHƯƠNG