Hãng lẩu Haidilao lại bị khách tố phục vụ món cá ươn

(PLO)-  Nhà hàng lẩu Haidilao bị khách tố phục vụ món cá mú bị ươn, có mùi hôi khó chịu.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sau khi bị tố phục vụ thịt dê tan thành súp trong nước lẩu, thì mới đây, chuỗi nhà hàng lẩu Haidilao lại bị một Beauty blogger (người hoạt động trên mạng xã hội chia sẻ bí quyết xu hướng làm đẹp thịnh hành- PV) nổi tiếng- Võ Hạ Linh, tố nhà hàng Haidilao chi nhánh P.N.T (Hà Nội) phục vụ món cá mú bị ươn, có mùi tanh hôi. Điều này đã khiến vị thực khách trên cùng bạn mình bị tiêu chảy nặng từ đêm tới sáng hôm sau.

Theo bài viết trên trang Facebook cá nhân của mình, Võ Hạ Linh chia sẻ, vì dĩa cá mú được đặt trên một khay đá to rất lạnh, do đó cô và bạn không ngửi được mùi hôi cho tới khi nhúng vào lẩu và ăn thử. Trước sự việc trên, nữ beauty blogger cho biết vì nghĩ không phải vấn đề gì to tát nên chỉ phản ánh lại với nhân viên và được miễn phí suất cá trên, tuy nhiên, tối về cô và bạn đã bị tiêu chảy.

Võ Hà Linh khẳng định sẵn sàng trích xuất camera để chứng minh những gì cô nói là sự thật. "Có thể cá ươn nhưng để làm khách bị tiêu chảy là em không vui lắm"- cô nàng nói trên trang cá nhân của mình.

Phần cá mú bị cho là ươn được nhà hàng lẩu Haidilao phục vụ. ẢNH: VÕ HẠ LINH

Phần cá mú bị cho là ươn được nhà hàng lẩu Haidilao phục vụ. ẢNH: VÕ HẠ LINH

Hiện phía Haidilao Phạm Ngọc Thạch chưa lên tiếng về sự việc này.

Trao đổi với PLO, PGS-TS Nguyễn Duy Thịnh, Nguyên giảng viên Viện Sinh học - Công nghệ Thực phẩm, ĐH Bách Khoa Hà Nội chia sẻ, khi cá bị ươn, thối thì thịt của chúng sẽ nhanh chóng bị phân hủy và sinh ra các độc tố gây ảnh hưởng đến sức khỏe của người tiêu dùng. Nếu người tiêu dùng ăn phải những loại cá này dễ mắc một số bệnh về đường tiêu hóa, đặc biệt là tiêu chảy…

"Luật Vệ sinh an toàn thực phẩm cũng đã quy định rất rõ việc cấm sử dụng các nguyên liệu đã bị ôi thiu bởi nó sinh ra rất nhiều độc tố. Thế nhưng thực tế, vì ham lợi nhuận mà không ít chủ quán ăn thường mua cả cá ươn, cá chết về để chế biến"- TS Thịnh nói.

Trước đó PGS-TS Đàm Sao Mai, Phó hiệu trưởng Đại học Công Nghiệp TP.HCM cho biết, khi cá chết, hệ thống miễn dịch bị suy yếu và vi khuẩn được tự do sinh sôi phát triển. Trong quá trình bị phân hủy sẽ tạo thành các axit hữu cơ gây mùi hôi và làm biến đổi màu sắc, thành phần đạm histidin. Chất đạm này chuyển hóa tạo thành axit amin độc có tên là histamin. Khi vi khuẩn sinh sôi nhiều, lượng histamin cũng tăng theo và tích lũy trong thịt hải sản. Histamin rất nguy hiểm vì chịu được nhiệt, vẫn có thể gây ngộ độc dù đã được nấu chín.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm