Pháp luật TP.HCM vừa có bài viết: “Hàng loạt cây xanh “thoi thóp”, chờ giải cứu trên đường Nguyễn Thái Sơn” ghi nhận có khoảng hơn 40 cây xanh cao từ 4-5m, đang bị biến dạng bởi lớp bê tông vỉa hè bám chặt vào gốc, ngăn cản sự phát triển của cây và có khả năng gây chết cây.
Đáng chú ý hơn, nhiều người dân còn trưng dụng không gian quanh các gốc cây xanh để vật dụng, bao rác khiến cho môi trường xung quanh cây bị ảnh hưởng. Nhiều cây xanh không có không gian để thở, dẫn đến chết dần theo thời gian.
Trước tình trạng này, nhiều bạn đọc đã đặt ra vấn đề trách nhiệm của cơ quan chức năng trong việc quản lý cây xanh.
“Tình trạng này không hiếm. Theo ghi nhận trong bài viết thì mới chỉ có ở một đường thôi. Trên khắp địa bàn TP.HCM còn rất nhiều con đường như vậy, cản trở phát triển của cây cũng như gây mất thẩm mỹ. Đơn cử như tại một số con đường như đường 3/2, đường Cao Thắng,... cũng đổ bê tông lên cây xanh. Nhìn mà thấy tội nghiệp!”, bạn đọc Mai Phương bày tỏ.
“Cứ để như vậy, rồi đến lúc cây chết, vừa mất kinh phí xử lý cây chết, vừa mất gỗ, lại mất kinh phí mua giống cây thay thế rồi lại mất thời gian chăm sóc. Thế có tốn thời gian không? Chưa kể, thời gian các cây che bóng mát cho các con đường tại TP.HCM tính theo đơn vị chục năm, đâu phải ngày một ngày hai mà lại để cho cây chết hết như vậy, còn đâu là bảo vệ môi trường?”, bạn đọc Võ Minh thắc mắc.
"Đây là một trong những cách "sát hại" cây cũng như làm môi trường thêm tệ hơn. Tôi nhìn cái cây mà chỉ biết đặt câu hỏi cho đơn vị quản lý cây xanh: “Cọc cây xanh” hay là cây xanh? Cảm ơn bài viết đã đưa đến loạt ảnh cây xanh bị bóp chết để cho các cơ quan quản lý “dễ phát hiện” để mà xử lý”, bạn đọc Anh Vũ bức xúc.
Trong khi đó, bạn đọc Hoàng Võ đặt câu hỏi cho vấn đề quản lý cây của các đơn vị chức năng: “Thật không biết cách thức chăm sóc cây đô thị của thành phố như thế nào? Các vị bít hết gốc cây bằng bê tông, còn đâu đất để nước thẩm thấu xuống nuôi cây? Quản lý như thế không khác gì giết chết cây xanh! Con người bóp nghẹt cây khiến cây không thể phát triển thân và rễ để chống đỡ tán cây, đến lúc mưa bão cây gãy đổ thì lỗi tại cây? Thật trớ trêu!”.
“Thật không thể tưởng tượng họ bức tử cây trồng một cách vô ý thức như thế. Thế nhưng, vấn đề cần đặt ra là trách nhiệm của cơ quản lý cây xanh ở đâu. Các cây xanh bị bê tông hóa giữa ban ngày ban mặt chứ có núp lùm đâu mà không thấy để xử lý, để bây giờ báo chí phản ánh thì mới ra quân để xử lý?", bạn đọc Việt Quang gay gắt.
Bạn đọc Minh Trang đề nghị: "Trách nhiệm của công ty là được giao chăm sóc và bảo vệ cây xanh. Chăm sóc kiểu nào mà để giàn giáo chống đỡ bóp nghẹt cây sắp chết, bảo vệ kiểu nào mà để gốc cây bịt kín bao năm mà không xử lý (bằng chứng lâu ngày là gốc cây ôm luôn mấy cục đá). Trách nhiệm chính của việc này thuộc về ai? Phải có người chịu trách nhiệm thì tình trạng này mới chấm dứt".
Theo điều 54 nghị định 16/2022/NĐ-CP ngày 28-1-2022, quy định xử phạt vi phạm hành chính về xây dựng, các hành vi vi phạm quy định về bảo vệ cây xanh, công viên và vườn hoa sẽ bị xử phạt, cụ thể:
- Phạt cảnh cáo đối với một trong các hành vi:
Đục khoét, đóng đinh vào cây xanh, cắt cành cây, lột vỏ thân cây, phóng uế quanh gốc cây; chăm sóc, cắt tỉa cây không tuân thủ quy trình kỹ thuật.
- Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi:
Đổ chất độc hại, vật liệu xây dựng vào gốc cây xanh; đun nấu, đốt gốc, xây bục, bệ quanh gốc cây.
Trồng các loại cây trong danh mục cây cấm trồng hoặc cây trong danh mục cây trồng hạn chế khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép.
Ngăn cản việc trồng cây xanh theo quy định.
Trồng cây xanh đô thị không đảm bảo đúng quy trình kỹ thuật, không đúng chủng loại, tiêu chuẩn cây và bảo đảm an toàn.
- Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi tự ý chặt hạ, dịch chuyển, đào gốc cây xanh đô thị hoặc chặt rễ cây xanh khi chưa được cấp phép.