Hàng loạt đại lý 'cửa đóng then cài' vì lỗ, hết xăng

Ông Huỳnh Ngọc Hồ, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh An Giang cho biết, tính đến chiều tối ngày 8-2 các đội QLTT đồng loạt ra quân kiểm tra 153/489 cửa hàng xăng dầu trên địa bàn tỉnh.

Kết quả cho thấy có nhiều cửa hàng xăng dầu trong tình trạng treo bảng hết xăng; xin nghỉ bán vì không có lãi; cửa hàng đang hoạt động nhưng hết xăng chờ giao hàng, DN xin tạm ngừng kinh doanh…. Tùy từng trường hợp Cục QLTT sẽ giám sát để xử lý, hoặc thực hiện các biện pháp nghiệp vụ.

Cụ thể, DNTN Ngọc Anh - Công ty TNHH MTV dầu khí TP.HCM và Công ty TNHH TM DV Mỹ Hòa, Chi nhánh DNTN Lê Thị Phụng - Công ty TNHH MTV dầu khí TP.HCM đều treo bảng hết xăng.

Cửa hàng bán lẻ xăng dầu- Công ty TNHH xăng dầu Trung Thắng nghỉ bán do từ ngày 25-1 đến nay chỉ được cung cấp 1.500 lít xăng, 500 lít diesel. Công ty có báo với cơ quan chức năng khi bắt đầu tạm ngưng hoạt động.

7 cửa hàng còn hoạt động nhưng hết xăng chỉ còn bán dầu DO gồm cửa hàng xăng dầu Lê Nam, cửa hàng Nguyễn Sơn Phi Hổ, Công ty TNHH xăng dầu Hưng Thạnh, Công ty TNHH xăng dầu Hưng Thạnh Võ Phạm Ngọc Hiền.

4 cửa hàng xăng dầu ngừng bán xăng do nơi cung cấp không có hàng, có thông báo với địa phương gồm CHXD Trần Thanh Cường, CHXD Thanh Liêm 2, CHXD Thạnh Lợi, CHXD Nguyễn Nguyễn.

3 cửa hàng ngừng bán  có thông báo với phòng Kinh tế Hạ tầng huyện An Phú và QLTT sẽ tiếp tục phối hợp kiểm tra giám sát trong ngày 9-2 gồm DNTN Hồng Lợi II, DNTN Võ Kim Lợi, DNTN Hai Khanh.

9 cửa hàng đang hoạt động nhưng hết xăng 95, còn bán xăng E5; dầu DO và nhà cung ứng đang giao hàng.

Cửa hàng đang hoạt động nhưng treo bảng hết xăng. ẢNH: N.HỒ

Theo ông Hồ, Cục QLTT tỉnh An Giang tiếp tục kiểm tra giám sát, xác minh, làm rõ và xử lý nghiêm các trường hợp có dấu hiệu đầu cơ găm hàng trong hoạt động kinh doanh xăng dầu như công văn gửi các Đội ngày 8-2 theo đúng tinh thần chỉ đạo tại công điện 517 của Bộ Công Thương.

Trong đó, xác minh làm rõ từng trường hợp đóng cửa, không hoạt động; trường hợp cần thiết QLTT chủ động phối hợp lực lượng chức năng kiểm tra thực tế hàng hóa tại cửa hàng…

Rà soát, xác minh lại thông tin các cửa hàng đóng cửa, tạm ngưng hoạt động trong thời gian qua. Nếu có vi phạm trong quá trình tạm ngưng cần phối hợp kiểm tra ngay và xử lý theo quy định.

Ông Nguyễn Tuấn Thanh, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Long An cho biết, nhằm chủ động có phương án bảo đảm nguồn cung xăng dầu, giám sát việc bán xăng dầu tại các cửa hàng bán lẻ thuộc hệ thống phân phối…, Sở phối hợp UBND các huyện, thị xã, thành phố và Cục QLTT kiểm tra, giám sát việc bán xăng dầu tại các cửa hàng bán lẻ thì hầu hết đều hoạt động, phục vụ đảm bảo nhu cầu của người dân, chấp hành quy định bán hàng.

Tuy nhiên, có 25/478 cửa hàng bán lẻ xăng dầu tạm ngừng hoạt động. Nguyên nhân do nhân viên bán hàng nghỉ Tết, nhân viên nhiễm COVID-19, do đã hết xăng dầu nhưng đơn vị đầu mối, phân phối không cung cấp hoặc chưa thể nhập xăng dầu để bán vì chiết khấu đại lý rất thấp (0 đồng).

Lực lượng chức năng chưa phát hiện hành vi tích trữ, đầu cơ tăng giá trái phép.

Cửa hàng xăng dầu tỉnh An Giang đang hoạt động và treo bảng hết xăng. ẢNH: N.HỒ

Trước tình hình trên, ngày 7-2 Sở và Cục QLTT tỉnh Long An họp cùng bốn DN đầu mối để nắm tình hình cung ứng xăng dầu, hoạt động của cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên địa bàn tỉnh

Theo đó 123 cửa hàng thuộc bốn DN đầu mối trên rải khắp các huyện, thị xã, thành phố vẫn đảm bảo nguồn xăng dầu cho người dân.

Theo báo cáo các DN đầu mối và phân phối hiện nguồn cung cho hệ thống đại lý bán lẻ vẫn đảm bảo nhưng mức chiết khấu cho đại lý rất thấp từ 0 đồng đến 330 đồng…các DN, đại lý bán lẻ càng bán càng lỗ; nguồn cung xăng dầu trong nước và nhập khẩu giảm.

Dự báo những ngày tới sẽ có tình trạng một số cửa hàng bán lẻ xăng dầu tạm dừng hoạt động.

Song song đó, đến ngày 7-2 đã có 23/25 cửa hàng bán lẻ xăng dầu tạm ngừng trước đây đã hoạt động trở lại bình thường (2 cửa hàng hết xăng dầu); không phát hiện hành vi găm hàng chờ tăng giá nên không có xử phạt vi phạm hành chính.

Sở tiếp tục phối hợp Cục QLTT và địa phương theo dõi tình hình thị trường. Đồng thời kiến nghị Bộ Công Thương, Bộ Tài chính xem xét việc điều chỉnh giá bán trong nước, sử dụng quỹ bình ổn xăng dầu khi cần thiết để đảm bảo giá bán bù được chi phí và có nguồn cung xăng dầu ổn định.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới