Hàng loạt doanh nghiệp kêu khó vì lãi suất quá cao

(PLO)- Trong hơn một trăm doanh nghiệp được hỏi thì có tới 43% phản ánh lãi suất vay cao và 38,2% cho biết "khốn khổ" vì thủ tục vay vốn phức tạp, tốn nhiều thời gian.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Đó là một trong những thông tin đáng lưu ý được Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA) đưa ra trong báo cáo về tình hình doanh nghiệp, doanh nhân tháng 2 mà tổ chức này vừa gửi lên UBND TP.HCM.

Doanh nghiệp khó đủ đường

Ghi nhận về khó khăn của các doanh nghiệp trên địa bàn TP, ông Nguyễn Phước Hưng, Phó chủ tịch HUBA cho biết: Hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp dệt may khó khăn do ảnh hưởng lãi suất tăng cao và tỉ giá USD/VND đang biến động, ảnh hưởng trực tiếp đến việc nhập khẩu nguyên vật liệu để gia công xuất khẩu, dẫn đến sức ép giảm lợi nhuận đầu năm 2023.

Mặt khác do lãi suất ngân hàng quá cao nên doanh nghiệp hoạt động cầm chừng, cố gắng vượt qua giai đoạn này và hạn chế đầu tư trong năm nay.

Đơn hàng đầu năm của ngành mỹ nghệ và chế biến gỗ vẫn tiếp tục giảm mạnh, dự kiến còn giảm đến hết quý II năm nay với mức giảm khoảng 50-60%. Nguyên nhân do thị trường châu Âu, Mỹ sụt giảm tiêu thụ, người dân, doanh nghiệp trong nước hạn chế mua sắm, xây dựng công trình hoặc hoạt động sữa chữa.

Các doanh nghiệp ngành lương thực thực phẩm hoạt động cần ứng trước chi phí trả trước mùa vụ, nguồn cung dự trữ trong khi áp lực đầu vào tăng cao. Doanh nghiệp cần vay vốn với mức lãi suất phù hợp hỗ trợ doanh nghiệp để giữ chân khách hàng, giữ thị trường và góp phần thúc đẩy nền kinh tế phục hồi tốt hơn.

Bất động sản hiện rất khó khăn và đi vào suy thoái. Thị trường đang thu hẹp quy mô kinh doanh, dừng đầu tư, ngưng thi công các dự án mới, thị trường gần như đóng băng, một số lượng trái phiếu của doanh nghiệp bất động sản đáo hạn gây áp lực lên thị trường.

Kim ngạch xuất khẩu của ngành vật liệu xây dựng sụt giảm nghiêm trọng, đặc biệt tại các thị trường trọng điểm như Mỹ, Nhật Bản, châu Âu. Giá thép giảm 60% do lượng cung quá lớn trong khi nhu cầu giảm, thị trường trong nước cũng sụt giảm do đầu tư công và dự án bất động sản ngừng trệ, doanh nghiệp nợ đọng lẫn nhau. Người lao động bị sa thải, ảnh hưởng nghiêm trọng đời sống an sinh xã hội.

Do biến động trái phiếu và việc kiểm soát tín dụng chặt chẽ cho thấy nền kinh tế thiếu tính thanh khoản, nhà đầu tư có dấu hiệu bị sụt giảm niềm tin vào một số ngân hàng nên khả năng huy động vốn sụt giảm, nguồn vốn bị thu hẹp. Chính sách hỗ trợ lãi vay 2% ít khả thi, khó thực hiện vì một số doanh nghiệp lo ngại về thủ tục giấy tờ và thanh kiểm tra.

Giảm lãi suất cho vay là điều mà doanh nghiệp cần nhất trong giai đoạn này.

Giảm lãi suất cho vay là điều mà doanh nghiệp cần nhất trong giai đoạn này.

Lãi vay giảm nhưng không thể giảm kiểu cào bằng

Trước thực trạng đó, để giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn, HUBA kiến nghị Nhà nước cần tiếp tục thực hiện chính sách gia hạn nợ vay một năm 2023 đối với các khoản trung dài hạn.

Đặc biệt cần áp dụng chính sách ân hạn một năm thay vì gộp trả nợ ngay trong năm sau như lần hỗ trợ 2021, càng làm doanh nghiệp khó khăn thêm. Theo đó, thời gian của hợp đồng vay cũng cần được kéo dài thêm tương ứng với thời gian ân hạn mà không làm thay đổi số tiền phải trả theo từng kỳ như lịch trả nợ trước đó.

Kiến nghị ngân hàng thương mại đẩy mạnh thực hiện gói hỗ trợ 2% cho doanh nghiệp, quan tâm cơ cấu nợ, giữ nhóm nợ giúp doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn.

Kiến nghị Ngân hàng Nhà nước sớm có hướng dẫn doanh nghiệp kinh doanh nhà ở xã hội thủ tục vay vốn từ gói hỗ trợ 120.000 tỉ đồng.

Đồng thời, HUBA cũng kiến nghị NHNN có kế hoạch giảm lãi vay hỗ trợ tín dụng cho các lĩnh vực ưu tiên đối với doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu.

Bên cạnh đó các doanh nghiệp kiến nghị ngân hàng có biện pháp giảm lãi suất và cần khống chế trần lãi suất để kiểm soát lãi suất cho vay khoảng 8-8,5%/năm.

Phát biểu tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) Nguyễn Thị Hồng cho biết, lãi suất trên thị trường đã có xu hướng giảm.

Lãi suất cho vay bình quân phát sinh mới đã giảm 0,43%/năm. Hiện đã có 22 ngân hàng thương mại thông báo giảm lãi suất cho vay bình quân. Trong thời gian tới, NHNN sẽ tiếp tục điều hành hợp lý theo hướng phấn đấu giảm lãi suất hơn nữa.

Lãnh đạo một ngân hàng thương mại cho biết: "Xu hướng giảm lãi suất huy động, qua đó tạo dư địa giảm lãi suất cho vay đã và đang diễn ra. Nếu để lãi suất cho vay quá cao, khiến doanh nghiệp chịu sức ép lãi vay lớn dẫn đến không có khả năng trả nợ sẽ là điều vô cùng rủi ro đối với ngành ngân hàng. Tuy nhiên, mức giảm lãi suất cho vay sẽ không thể diễn ra theo kiểu cào bằng được mà phải “kê đơn bốc thuốc” đối với từng đối tượng khách hàng".

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm