Mới đây tại diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam (VBF) giữa kỳ 2018, ông Toru Kinoshita, Trưởng nhóm công tác ô tô và xe máy, tiếp tục cho rằng thị trường ô tô đang bất ổn. Sự bất ổn này không chỉ đối với xe nhập khẩu mà cả với xe lắp ráp, nguyên nhân xuất phát từ một vài quy định về thủ tục hành chính.
Theo ông Toru Kinoshita, một vài quy định về thủ tục hành chính trong Nghị định 116/2017/NĐ-CP (Nghị định 116) và việc thực thi Nghị định 140/2016/NĐ-CP về lệ phí trước bạ đang tác động làm cho thị trường ô tô Việt Nam bất ổn (như yêu cầu về chứng nhận kiểu loại ô tô, chứng chỉ ECE cho linh kiện, phụ tùng nhập khẩu…).
Tắc nhập ô tô
Vị trưởng nhóm công tác này dẫn chứng, Nghị định 116 gần như đã ngừng toàn bộ việc kinh doanh xe nhập khẩu (xe CBU) của các nước phát triển (ví dụ: Nhật Bản, châu Âu...) trong sáu tháng qua.
Hàng loạt đơn hàng xe ô tô nhập khẩu cho các tháng đầu năm 2018 đã bị hủy. Việc hủy các đơn hàng này đe dọa tới hàng ngàn việc làm trên khắp Việt Nam, cả lao động trực tiếp cũng như từ đại lý các hãng xe.
Ô tô nhập khẩu kêu khó vì thủ tục hành chính.
Do vậy Nhóm công tác Ô tô và Xe máy tiếp tục kiến nghị các vấn đề liên quan đến Giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại ô tô của nước ngoài (VTA) và yêu cầu kiểm nghiệm đối với từng lô xe nhập khẩu.
Nhóm này cho rằng, tính hồi tố của Thông tư 03 hướng dẫn thực hiện Nghị định 116 đã ảnh hưởng cả đến doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) và các công ty sản xuất xe của Việt Nam, khiến họ không có đủ thời gian để kịp chuẩn bị.
“Để tránh tình trạng tắc nghẽn lưu trữ, tình hình tài chính khó khăn của các nhà nhập khẩu và đại lý nhằm tránh các phát sinh về chi phí xã hội và tài chính, chúng tôi đề xuất tất cả các xe nguyên chiếc đã cập cảng Việt Nam từ 1-1-2018 đến 30-6-2018 được coi là “trên đường” và được miễn không áp dụng các quy định trong Nghị định 116 và Thông tư 03.
Chúng tôi đề nghị Chính phủ cân nhắc việc xóa bỏ yêu cầu về chứng chỉ kiểu loại ô tô của nước ngoài đối với xe nguyên chiếc”, ông Toru Kinoshita, Trưởng nhóm Công tác ô tô và xe máy cho hay.
Cần rút ngắn thời gian thử nghiệm khí thải
Theo thống kê của Nhóm công tác Ô tô và Xe máy, trong 3 tháng đầu năm 2018, đã có 1 lô hàng được nhập tại cảng TP. HCM và cảng Hải Phòng. Tuy nhiên, thời gian thử nghiệm khí thải và an toàn đã kéo dài tới 3 tuần.
Trong thời gian sắp tới, khi số lượng xe nhập khẩu tăng lên (từ Thái Lan và Indonesia), thời gian chờ thử nghiệm này có thể còn kéo dài hơn.
Riêng với xe nhập có nguồn gốc châu Âu, thống kê của nhóm này cho thấy, không có xe nào được nhập về Việt Nam từ tháng 1 đến tháng 4-2018.
Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) lo ngại Nghị định 116 và Thông tư 03, có yêu cầu về thử nghiệm với từng lô xe nhập khẩu trái ngược hoàn toàn cam kết giữa EU và Việt Nam trong Cam kết tự do thương mại Việt Nam - Châu ÂU (EVFTA) về việc chấp nhận chứng nhận ECE đối với xe nhập khẩu, phụ tùng và linh kiện mà không cần phải kiểm tra hay kiểm tra lại.
Thử nghiệm khí thải kéo dài khiến các công ty ô tô nhập mất thời gian, tốn chi phí.
Nhóm này cũng khẩn thiết đề nghị Bộ Giao thông vận tải và Cục Đăng kiểm Việt Nam cần bổ sung quy định chỉ thử nghiệm khí thải và an toàn cho lô hàng đầu tiên, chấp nhận báo cáo thử nghiệm cho các lô hàng tiếp theo như quy định của năm ngoái, mà không cần thử nghiệm lại.
Hiệp hội thương mại Châu Âu tại Việt Nam(EuroCham) đề xuất thử nghiệm đăng kiểm nên giới hạn thực hiện ở lô đầu tiên của các mẫu xe mới và không nên lặp lại cho các lô xe cùng chủng loại tiếp theo.
Hiệu lực thử nghiệm của các mẫu xe CBU phải tương đối với hiệu lực thử nghiệm của các xe CKD (18-36 tháng) nhằm tuân thủ Hiệp định chung về Thuế quan và Thương mại (GATTT).
Thay vào đó, chứng nhận nên có hiệu lực ít nhất 6 tháng. Yêu cầu thử nghiệm theo từng lô chỉ nên duy trì với các mẫu xe cơ sở nếu như có nghi ngờ nghiêm trọng về gian lận.