Ủy ban nhân dân TP.HCM vừa đề nghị Công an Thành phố, Sở Xây dựng, Sở Giao thông vận tải, Sở Văn hóa và Thể thao, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Hội Liên hiệp Phụ nữ Thành phố và Ủy ban nhân dân 24 quận, huyện phải nhanh chóng xây dựng giải pháp phòng ngừa bạo lực, xâm hại và quấy rối tình dục với phụ nữ và trẻ em nơi công cộng.
18,5% phụ nữ cho biết bị quấy rối tình dục
Theo UBND TP, tình trạng bạo lực, quấy rối tình dục đối với phụ nữ và trẻ em ở nơi công cộng diễn biến theo chiều hướng phức tạp.
18,5% phụ nữ tham gia phỏng vấn khảo sát cho biết bị quấy rối tình dục. Ảnh minh họa internet
Kết quả khảo sát đầu vào xây dựng “Chương trình Thành phố an toàn với phụ nữ và trẻ em gái tại Thành phố Hồ Chí Minh” có 18,5% phụ nữ tham gia phỏng vấn cho biết họ đã bị quấy rối tình dục, 11,7% nam giới tham gia phỏng vấn thừa nhận đã có các hành vi quấy rối tình dục đối với phụ nữ và trẻ em gái ở nơi công cộng.
Theo khảo sát do Sở Lao động – Thương binh và Xã hội thực hiện năm 2017, các vụ bạo lực, xâm hại và quấy rối tình dục với phụ nữ và trẻ em xảy ra trong ngõ/hẻm khu dân cư, công viên, nhà vệ sinh công cộng, bến xe, trên các phương tiện vận tải hành khách, không gian công cộng trong các chung cư đã gây bức xúc dư luận và ảnh hưởng đến tính mạng, nhân phẩm và việc di chuyển không an toàn của phụ nữ và trẻ em.
Nhiều giải pháp trị nạn quấy rối tình dục
UBND TP đề nghị Công an thành phố chỉ đạo công an quận, huyện cung cấp thông tin và báo cáo tiến độ, kết quả giải quyết các vụ bạo lực, xâm hại, quấy rối tình dục đối với phụ nữ và trẻ em cho Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội để phối hợp tham mưu hỗ trợ nạn nhân, gia đình…
Ngoài ra, Công an thành phố phải phân công các đơn vị tổ chức tập huấn về “Bạo lực trên cơ sở giới và kỹ năng xử lý các vụ bạo lực, xâm hại, quấy rối tình dục với phụ nữ trẻ em gái” cho cán bộ, chiến sĩ trong lực lượng Công an.
Lực lượng công an phải bố trí điều tra viên lấy lời khai của nạn nhân là phụ nữ và trẻ em gái bị xâm hại, quấy rối tình dục đảm bảo thân thiện, giúp nạn nhân tránh được khủng hoảng tâm lý trong quá trình cung cấp lại sự việc.
Đối với Sở Xây dựng, phải rà soát cải tạo các công trình công cộng, chủ trì và phối hợp với thường trực Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ và Bình đẳng giới thành phố xây dựng và ban hành quy định các hành vi bị nghiêm cấm liên quan đến bạo lực, xâm hại, quấy rối tình dục đối với phụ nữ và trẻ em tại khu vực công cộng thuộc lĩnh vực quản lý.
Triển khai các hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức của Ban Quản trị Chung cư.
Riêng Sở Giao thông vận tải, phải xây dựng quy định phòng ngừa các hành vi bạo lực, xâm hại tình dục đối với phụ nữ và trẻ em đưa vào nội quy khai thác trên các phương tiện giao thông công cộng, khu vực các bến xe, nhà ga, trạm dừng.
Rà soát, bổ sung và xây dựng quy chế phối hợp với Công an Thành phố, UBND các quận, huyện và các đơn vị vận tải hành khách trên địa bàn Thành phố.
UBND TP cũng đề nghị Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố tổ chức các hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức và năng lực cho hội viên phụ nữ nhận diện đúng, đủ các hành vi bạo lực, xâm hại và quấy rối tình dục tại không gian công cộng là vi phạm quyền của phụ nữ và trẻ em gái.
Tiến hành rà soát và lập danh sách gia đình có hoàn cảnh đặc biệt để có giải pháp can thiệp, hỗ trợ kịp thời cho phụ nữ và trẻ em, hạn chế thấp nhất tình trạng phụ nữ và trẻ bị bạo lực, xâm hại, quấy rối tình dục trong gia đình và ở nơi công cộng.
Còn Ủy ban nhân dân 24 quận, huyện phải rà soát, lập danh sách các khu vực công cộng có nguy cơ xảy ra quấy rối tình dục đối với phụ nữ, trẻ em nhằm xác định những yếu tố không an toàn để cải đảm bảo an toàn cho phụ nữ và trẻ em…