Bộ LĐ-TB&XH cho biết thời gian qua đơn vị nhận được nhiều thư, đơn của người lao động cũng như văn bản của Bảo hiểm Xã hội (BHXH) Việt Nam và Sở LĐ-TB&XH các tỉnh, TP phản ánh vướng mắc trong việc tính thời gian công tác trước 1-1-1995 để hưởng bảo hiểm xã hội đối với GVMN.
Theo đó, Bộ LĐ-TB&XH hướng dẫn các địa phương khi xem xét, giải quyết tính thời gian công tác trước 1-1-1995 để hưởng BHXH đối với GVMN, hồ sơ làm căn cứ xác định thời gian công tác được thực hiện theo quy định tại các văn bản trước đây về tính thời gian công tác trước 1-1-1995.
Đối với trường hợp không còn hồ sơ gốc thể hiện quá trình công tác trước 1-1-1995, cơ quan quản lý người lao động giải trình lý do bị mất, xác nhận về quá trình công tác, diễn biến tiền lương, việc chưa nhận trợ cấp thôi việc, trợ cấp một lần báo cáo bộ, ngành chủ quản ở trung ương hoặc UBND các tỉnh, TP trực thuộc trung ương xác nhận và có văn bản gửi Bộ LĐ-TB&XH để xem xét, quyết định.
Hàng loạt GVMN sẽ được hưởng chế độ sau 22 năm. Ảnh minh họa
Để thống nhất trong tổ chức thực hiện, Bộ LĐ-TB&XH nêu rõ đối với GVMN dạy học ở TP, thị xã sau đó được tuyển dụng vào biên chế nhà nước thì thời gian công tác hưởng BHXH tính từ khi làm GVMN. Trường hợp là GVMN ở nông thôn, thị trấn thì thời gian công tác được tính hưởng BHXH kể từ ngày được tuyển dụng vào biên chế chính thức.
Đối với trường hợp được tính bổ sung thời gian làm GV, hiệu trưởng trường MN trước 1-1-1995 để hưởng BHXH thì mức hưởng mới được tính từ khi người lao động nghỉ việc hưởng BHXH.
Việc hoàn trả phần chênh lệch hoặc tiền lương hưu, trợ cấp của những tháng chưa nhận được thực hiện theo hướng dẫn tại khoản 2 Điều 23 Thông tư số 59/2015/TT-BLĐTBXH ngày 29-12-2015 của Bộ LĐ-TB&XH về quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật BHXH về BHXH bắt buộc.