Lãnh đạo quận đối thoại với bảo mẫu, cấp dưỡng

Đó là tâm sự ngậm ngùi của bà Thái Thị Hòa, nhân viên nuôi dưỡng (bảo mẫu) của Trường Tiểu học Trần Quốc Toản, tại hội nghị tiếp xúc, đối thoại giữa lãnh đạo quận Tân Bình với đội ngũ giáo viên, bảo mẫu, cấp dưỡng các trường tiểu học và mầm non trên địa bàn vào sáng 30-11.

Làm 21 năm, thu nhập 3 triệu đồng

Tại đây, vấn đề được thẳng thắn chia sẻ và góp ý nhiều nhất của đội ngũ công nhân viên và giáo viên mới ra trường là lương bổng, chế độ phụ cấp hiện nay quá thấp, không đủ trang trải đời sống.

Như câu chuyện của bà Thái Thị Hòa là một ví dụ. Bà Hòa cho biết bà đã làm việc tại trường hơn 21 năm. Mức lương đầu tiên hưởng ở trường là 300.000 đồng/tháng, rồi tăng dần lên theo thời gian là 380.000 đồng, 420.000 đồng, rồi 670.000 đồng và đến nay là hơn 3 triệu đồng (đã trừ bảo hiểm).

Theo bà, nguyên do khiến thu nhập của bảo mẫu thấp như vậy là do bảo mẫu là chức danh không nằm trong biên chế nên thu nhập được hưởng chủ yếu từ phụ huynh, còn trường cũng không có hỗ trợ gì thêm. Trong khi đó suốt mười mấy năm trời, quy định phí bán trú chỉ 30.000 đồng/tháng/học sinh nên chia về cho đội ngũ không đáng kể. Mãi sau này, phí này mới tăng lên 60.000 đồng và đến nay mới tăng lên 120.000 đồng nên lương mới lên được như vậy. “Làm 21 năm trong nghề, lương đã không bao nhiêu mà khi về hưu rồi cũng chẳng có tiền để sống vì một năm học đi làm và đóng bảo hiểm có chín tháng, kéo theo bảo hiểm y tế cũng không có. Tôi mong các cấp xem xét để quan tâm hơn đến đời sống của đội ngũ bảo mẫu để họ yên tâm làm việc, nhất là những người mới” - bà Hòa chia sẻ.

Các cô bảo mẫu, cấp dưỡng chia sẻ tâm tư tại buổi đối thoại.

Một bảo mẫu đại diện của Trường Mầm non Sơn Ca cho biết chị đã làm tại trường 14 năm nhưng thu nhập chỉ 2,8 triệu đồng/tháng và không có khoản thu nào khác nữa. “Làm thì vẫn cố gắng vì cũng thích công việc này nhưng cứ nghĩ đến thu nhập và chế độ này nọ là buồn lắm. Với mức lương này, rồi đến khi về hưu hoặc hết khả năng lao động thì không biết xoay xở thế nào nên rất mong lãnh đạo các cấp xem xét có chế độ hỗ trợ để chị em yên tâm làm việc” -chị này nói.

Tương tự, chị Nguyễn Thị Linh, nhân viên cấp dưỡng của Trường Mầm non 13, chia sẻ công việc của chị phải phục vụ cho các cháu nên 4 giờ đến 4 giờ 30 là đã có mặt ở trường, ra về thì thường là 16 giờ. Công việc thì rất nhiều và liên tục vì để đảm bảo an toàn cho trẻ nên áp lực không nhỏ. Trong khi đó, công việc đòi hỏi trình độ tốt nghiệp THPT và phải học thêm một khóa trung cấp nghề về thực phẩm nhưng lương như vậy nên nhiều người không gắn bó với nghề.

Một nhân viên bảo mẫu của Trường Tiểu học Cách Mạng Tháng Tám cũng tâm tư: “Thu nhập chỉ trên dưới 3 triệu đồng thì không trang trải được cuộc sống tại TP, từ ăn ở, đi lại, sinh hoạt... Mỗi ngày làm việc 9-10 tiếng. Chưa kể, để làm được công việc này đòi hỏi phải có kinh nghiệm nên hầu như ai cũng trên 35 tuổi, tức là đã có gia đình và con cái nhưng thu nhập như vậy thì rất khó khăn” - chị Linh thẳng thắn.

Mất tuổi thanh xuân vì công việc quá nhiều

Góp ý tại đây, bà Lâm Thị Mộng Trinh, Hiệu trưởng Trường Mầm non quận Tân Bình, cho rằng việc thu nhập thấp nhưng đòi hỏi trình độ cũng phải trung cấp nghề trở lên chính là nguyên nhân khiến các trường tuyển dụng đội ngũ gián tiếp như bảo mẫu, cấp dưỡng, bảo vệ rất khó khăn. Vì thế trường mong lãnh đạo các cấp quan tâm hơn chế độ chính sách và tổ chức học nâng chuẩn trình độ cho đội ngũ, vì có như thế mới góp phần nâng cao chất lượng giáo dục cho nhà trường.

Bà Trinh kiến nghị xem xét lại việc chuyển ngạch cho nhân viên. Vì trong quá trình làm việc, họ đã nâng chuẩn trình độ nhưng không được chuyển ngạch để có thu nhập cao hơn là rất thiệt thòi.

Chia sẻ với đội ngũ, ông Trần Khắc Huy, Trưởng phòng GD&ĐT quận Tân Bình, bày tỏ: “Trong nhà trường, công nhân viên là đội ngũ thiệt thòi nhất. Công việc thì rất nhiều, đòi hỏi bằng cấp cao. 5-6 giờ sáng phải có mặt mà cuối giờ chiều tối mới được về nhưng lương bổng thấp, nhiều người mất cả tuổi thanh xuân ở trường lớp. Nhiều giáo viên vẫn còn độc thân do không có điều kiện tiếp xúc với xã hội để tạo mối quan hệ... Vì thế, chúng tôi rất trân trọng các thầy cô vì phải rất yêu nghề, tâm huyết mới gắn bó công việc lâu dài như thế”.

Ông Huy mong rằng hiệu trưởng các trường cố gắng hỗ trợ, động viên tinh thần cho đội ngũ trong quá trình làm việc. Phòng cũng ghi nhận các ý kiến đóng góp, chia sẻ từ các thầy cô để từ đây ngành sẽ có cơ sở kiến nghị các cấp cao để làm sao tháo gỡ khó khăn, có cơ chế, chế độ chính sách chăm lo tốt hơn cho đội ngũ.

Linh động mức thu tiền bán trú để tăng thu nhập

Bà Trương Thị Việt Liên, Quyền Trưởng phòng Giáo dục mầm non của Sở GD&ĐT TP.HCM, cho biết thời gian qua, ngành cũng đã có những kiến nghị để có những chính sách hỗ trợ cho mầm non. Cụ thể như TP đã ban hành Nghị quyết 01 hỗ trợ cho giáo dục mầm non. Trong đó, có tăng phụ cấp 25% cho đội ngũ mầm non, kể cả giáo viên hay nhân viên và hỗ trợ 35% thu nhập cho giáo viên, nhân viên ở những trường nào có giữ trẻ 6-18 tháng tuổi. Tuy nhiên, vì quy định không có chức danh như bảo mẫu, cấp dưỡng trong khi thực tế rất cần nên nguồn thu nhập cho đội ngũ này chủ yếu từ tiền bán trú. Do đó theo bà Liên, vì Sở không khống chế khung cụ thể nên các quận/huyện có thể linh động, tính toán khung mức thu tiền bán trú. Các trường tùy theo điều kiện của mình để thỏa thuận lại các mức thu bán trú để có thêm nguồn thu trang trải cho đội ngũ và 100% phụ huynh đồng ý. Riêng tiền ăn, các trường phải chi hết 100% cho học sinh, không được cắt xén tiền ăn của trẻ để chi cho đội ngũ.

Trao 100 phần quà cho bảo mẫu, cấp dưỡng và giáo viên mới ra trường

Sáng 30-11, tại buổi đối thoại, lãnh đạo quận cũng đã trao 100 phần quà cho 100 người là giáo viên, công nhân viên đang công tác tại trường trên địa bàn quận. Mỗi phần quà trị giá 300.000 đồng. Bà Phạm Thị Út, Phó Bí thư Thường trực Quận ủy quận Tân Bình, rất chia sẻ với đội ngũ giáo viên, công nhân viên của các trường. Theo bà Út, quận muốn có những buổi tiếp xúc như thế này để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của giáo viên, nhân viên để hiểu được những khó khăn, thuận lợi của đội ngũ. Từ đó quận đề ra những giải pháp phù hợp sau này hoặc có những kiến nghị để tháo gỡ khó khăn, có chế độ chăm lo hơn cho đội ngũ. Có như thế mới nâng cao chất lượng giáo dục, đội ngũ yên tâm gắn bó với nghề hơn.

Lãnh đạo quận đối thoại với bảo mẫu, cấp dưỡng ảnh 2
Bà Phạm Thị Út trao quà tận tay cho các cô bảo mẫu, cấp dưỡng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm