Ngày 5-11, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức diễn đàn “Bảo vệ bản quyền các tác phẩm báo chí” để các cơ quan quản lý, các cơ quan báo chí và các doanh nghiệp trao đổi, đề xuất tìm ra những giải pháp.
Diễn đàn cũng góp phần xây dựng và phát triển môi trường báo chí lành mạnh, trung thực, tôn trọng bản quyền.
Phát biểu tại tại diễn đàn, ông Đinh Đức Thọ (Tổng thư ký Tòa soạn báo Pháp Luật TP.HCM) chia sẻ, giống nhiều tờ báo khác, báo Pháp Luật TP.HCM hiện đang phải đối mặt với nạn xâm phạm bản quyền tác phẩm báo chí ngày càng nghiêm trọng.
Nhiều sản phẩm ngay sau khi xuất bản liền đã bị các trang web khác, các tài khoản mạng xã hội… tự ý lấy lại, khai thác sử dụng trái phép mà không trích dẫn nguồn, dẫn link.
Ông Đinh Đức Thọ, Tổng thư ký Tòa soạn báo Pháp Luật TP.HCM. Ảnh: NGÂN NGA
Thậm chí, có khi báo vừa xuất bản một phóng sự điều tra độc quyền thì ngay sau đó đã có những trang tin tức trên mạng lấy lại và xuất bản trái phép trên trang của họ để câu view. Chưa kể, trên mạng từng xuất hiện cả những trang web giả mạo, mạo danh logo của báo Pháp Luật TP.HCM, những fanpage trên mạng xã hội giả danh là fanpage của báo...
Ông Lê Xuân Trung (Phó Tổng biên tập Báo Tuổi Trẻ) cho biết, thống kê đến nay cho thấy báo Tuổi Trẻ bị lấy nguyên văn 16.641 tác phẩm báo chí. Ban đầu, báo gọi điện thoại nhắc nhở, nếu tiếp tục vi phạm thì phát công văn cảnh báo, sau đó kiến nghị cơ quan nhà nước quản lý xử lý. Thậm chí, báo Tuổi Trẻ từng đề nghị rút giấy phép hai trang mạo danh của báo.
Ngoài ra, ông Nguyễn Thanh Vân (Phó Trưởng ban kiểm tra Đài truyền hình Việt Nam), chia sẻ về tình hình xử lý vi phạm bản quyền tại cơ quan này. Theo đó, hai công ty phải bồi thường 500 triệu đồng vì tự ý khai thác phim “Bí thư tỉnh ủy”, “Chạy án” của VTV…
Ngay đầu năm 2020, Đài cũng xử lý một công ty truyền thông và đòi bồi thường thiệt hại gần 300 triệu đồng do tự ý khai thác một chương trình của VTV trên Youtube.
Thứ trưởng Bộ thông tin và Truyền thông Hoàng Vĩnh Bảo. Ảnh: NGÂN NGA
Trước tình hình xâm phạm bản quyền như trên, ông Nguyễn Thanh Lâm (Cục trưởng Cục Báo chí) đề ra giải pháp là truyền thông công khai các biểu hiện vi phạm pháp luật Việt Nam của các nền tảng xuyên biên giới, buộc tuân thủ luật pháp Việt Nam về quản lý nội dung, quản lý quảng cáo. Các báo kêu gọi hình thành các Liên minh bảo vệ bản quyền nội dung của báo chí…
Thứ trưởng Bộ thông tin và Truyền thông Hoàng Vĩnh Bảo đề nghị các cơ quan báo chí cần phải nâng cao nhận thức pháp luật cho đội ngũ cán bộ để bảo vệ quyền lợi của mình. Cạnh đó, Thứ trưởng đánh giá cao một số cơ quan báo chí như báo Pháp Luật TP.HCM, báo Tuổi Trẻ đã có biện pháp, phương án tự bảo vệ bản quyền tác phẩm báo chí của mình.