Hàng may mặc: “xả” nhiều đợt vẫn không bán hết

Hàng may mặc: “xả” nhiều đợt vẫn không bán hết ảnh 1

Nhiều doanh nghiệp lớn đang buông thị trường nội địa để tập trung cho xuất khẩu. Ảnh: Lê Quang Nhật

Hàng giá rẻ tràn ngập thị trường

Tại một số cửa hàng trên đường Nguyễn Trãi, Cách Mạng Tháng Tám, Quang Trung, Hoàng Văn Thụ, Lê Văn Sỹ… ngay trong những ngày đầu năm này, hàng “sale off” với mức giảm giá 50 – 80% đã được tung ra. Giá nhiều kiểu áo thun chỉ còn 25.000 – 40.000 đồng/chiếc, quần kaki 45.000 – 70.000 đồng/chiếc, quần short nam 35.000 đồng/2 chiếc, áo đầm nữ 65.000 đồng/chiếc… Hàng may mặc giảm giá nhiều là vậy, nhưng vẫn vắng khách mua. Một số nhãn hiệu thời trang lớn, nhân dịp 8.3 vừa qua cũng khuyến mãi mạnh tay với mức trên 49%, cũng không kéo được khách đến đông như ý. Nhiều doanh nghiệp cho biết, so với dịp đầu năm ngoái, sức mua hiện đang thấp hơn khoảng 15 – 20%. Hệ quả là nhiều shop thời trang ở các mặt tiền đường như Nguyễn Đình Chiểu, Cao Thắng, 3.2… đã treo bảng “thanh lý trả mặt bằng”, hoặc “ sang nhượng mặt bằng giá vốn”…

Bà Đặng Quỳnh Đoan, tổng giám đốc công ty thời trang Việt Thy nhận xét: “Hàng giá rẻ đang bán trên đường phố hiện nay là hàng tồn từ năm ngoái và hàng tồn dịp tết vừa qua. Do sức mua thị trường quá kém, nên nhiều đợt giảm giá vẫn chưa tiêu thụ hết”.

Bà Nguyễn Thị Hải, chủ xí nghiệp may có nhà máy tại quận 12 chuyên cung cấp hàng cho siêu thị và chợ đầu mối phân tích: “Do người tiêu dùng ngày càng siết chặt chi tiêu, nên hàng may mặc muốn bán được phải tìm mọi cách có giá thật rẻ. Mức giá trung bình bán sỉ tốt nhất hiện nay ở khoảng 90.000 – 120.000 đồng/món, tương ứng với mức giá bán lẻ đến tay người mua khoảng 110.000 – 150.000 đồng/món”. Bà Hải cũng nhận xét, các mặt hàng có chi tiết trang trí thủ công (thêu, đính hạt đá, đính cườm) sản xuất số ít cũng chỉ có mức giá tối đa khoảng 200.000 đồng, nếu giá cao hơn rất khó tiêu thụ. “So với hai năm trước, số tiền chi mua một sản phẩm may mặc đã giảm khoảng 30%”, bà Hải nói.

Dự đoán được mức chi tiêu của người tiêu dùng, các nhà sản xuất hàng thời trang Việt Nam như Nino Maxx, Foci, Blue-Exchange, Sea… đã thay đổi chiến lược giá, kéo mức bán hàng dịp tết vừa qua xuống thấp hơn 30% so với hai năm trước. Nhưng xem ra, các hộ gia đình, tiểu thương ở chợ lại nhanh chân hơn khi tiếp tục kéo giá bán lẻ hàng may mặc xuống thấp như hiện nay. Dường như một cuộc đua bán tháo hàng may mặc đang diễn ra.

Nhà xuất khẩu... buông tay

Với sức mua ngày càng thấp, mức giá giảm, mà các chi phí bán hàng lại tăng lên, trong khi thị trường xuất khẩu năm 2013 đang mở ra nhiều cơ hội khá tốt với các đơn hàng nước ngoài gia tăng liên tục, đơn giá xuất khẩu cũng tăng… nên nhiều doanh nghiệp may mặc lại đang buông lơi thị trường nội địa. Có vẻ như điệp khúc quen thuộc lặp lại: được mùa xuất khẩu bỏ nội địa hoặc mất mùa xuất khẩu đầu tư cho nội địa.

Các cửa hàng của Sanding, Gidini, Việt Thắng, Senna… chỉ trưng bày lèo tèo vài ba mặt hàng. Có nơi vắng khách, hàng hoá không được chăm sóc nên chiếc quần jean treo trên móc ố bụi đến ngả màu. Giám đốc phụ trách kinh doanh của một công ty giải thích: “Tại tập trung cho xuất khẩu, và tại vì nội địa làm ăn khó quá, cửa hàng nào cũng bị lỗ nên phải thu hẹp”. Những cửa hàng thời trang nội địa từng xuất hiện trên các tuyến đường đông xe qua lại như Nguyễn Đình Chiểu, Hai Bà Trưng, 3.2, Cách Mạng Tháng Tám… nay đã đóng cửa.

Theo Bích Thuỷ (SGTT.VN)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm