Đây từng là hang động lớn nhất thế giới được UNESCO công nhận trước khi hang Sơn Đoòng thuộc VQG Kẻ Bàng của Việt Nam được phát hiện.
Hang Nai được đặc trưng bởi giống nai nhỏ Bornean xuất hiện trong khu vực hang (do đó hang được đặt tên là hang Nai). Ngoài ra, đặc điểm tự nhiên khác làm nên sự nổi tiếng của hang Nai là sự có mặt của 12 chủng loài dơi với hàng triệu cá thể sống trong khu vực hang, nhiều hơn bất kỳ nơi nào trên thế giới.
Hang Nai được Malaysia chính thức mở cửa cho du khách vào năm 1984 và ước tính đón gần 25.000 khách du lịch mỗi năm từ khắp thế giới. Loại hình du lịch tại hoạch định khu vực này được xếp vào loại hình du lịch sinh thái-thám hiểm (Eco Tourism), đặc biệt phù hợp du khách yêu thiên nhiên, thích thám hiểm và khám phá.
Chỉ có 5% tổng diện tích các hang được khai thác du lịch. Ảnh: GETTY IMAGES (Ảnh minh họa)
Hang Nai gắn bó chặt chẽ với công tác khai thác và quản lý toàn bộ VQG Gunung Mulu. Du khách đến hang Nai phải men theo hơn ba cây số đường mòn dẫn từ VQG Gunung Mulu vào đến khu vực hang Nai. Bên trong hang Nai dù được chiếu sáng nhân tạo nhưng khá hạn chế để tránh ảnh hưởng đến môi trường sống của các sinh vật và cũng do diện tích quá lớn của hang. Vì vậy, du khách phải tự trang bị đèn pin và một số trang thiết bị cần thiết khác cho chuyến đi của mình vào trong hang.
Tuy nhiên, hang Nai không phải là địa danh duy nhất thu hút du khách. Nó là một trong bốn khu vực hang động mà Ban Quản lý VQG Gunung Mulu cho phép khách du lịch tiếp cận, cùng với một số địa điểm khác thuộc Gunung Mulu. Do đó, khám phá hang Nai chỉ là một phần của chuyến hành trình khám phá các địa danh của VQG Gunung Mulu.
Một thực tế ít ai ngờ tới là các địa danh được khai thác du lịch chỉ chiếm 10% diện tích Gunung Mulu, diện tích khai thác du lịch của các hang động cũng chỉ chiếm 5% tổng diện tích hang. Trong khi đó, 95% diện tích hang động và 90% diện tích VQG còn lại đã và đang được chính quyền Malaysia ra sức giữ gìn và bảo tồn tính chất hoang dã và tự nhiên vốn có.
Các biện pháp quản lý đảm bảo hạn chế sự can thiệp của con người vào tự nhiên và hỗ trợ kiểm soát các tác động gia tăng của dịch vụ du lịch. 90% công viên và 95% các hang động bị cấm chỉ được cho phép tiếp cận vì mục đích nghiên cứu. Các mô hình khai thác du lịch bên trong khu vực đòi hỏi phải tham khảo ý kiến của Ủy ban Đặc biệt (Special Parks Committee) bao gồm thành viên của các cộng đồng địa phương và các bên liên quan khác.
Chính sách bảo tồn hang Nai và VQG Gunung Mulu của chính quyền Malaysia được tổ chức UNESCO đánh giá là “đặc biệt hiệu quả”. Ban quản lý không cho xây dựng hệ thống đường công cộng vào khu bảo tồn, thay vào đó là các tuyến đường mòn, địa hình gồ ghề, đan xen cùng nhiều khu vực cấm du lịch. Tất cả điều này giữ được sự cách ly giữa thiên nhiên và các tác động của con người.