Hàng ngàn người lầm lỡ được vay vốn làm lại cuộc đời

(PLO)- Trung bình mỗi năm cả nước có trên 50.000 người chấp hành xong án phạt tù trở về với cộng đồng, được tạo điều kiện vay vốn, giúp đỡ về việc làm.

Ngày 26-11, Bộ Công an tổ chức chương trình truyền thông về công tác tái hòa nhập cộng đồng khu vực phía Nam với chủ đề “Ánh sáng và niềm tin hòa nhập cuộc sống” tại tỉnh Đồng Nai. Chương trình nhằm biểu dương, nhân rộng những cách làm hay, sáng tạo của các tập thể, cá nhân, các mô hình điển hình tiêu biểu về tái hòa nhập cộng đồng của 35 tỉnh, TP khu vực phía Nam.

Giúp người lầm lỗi sẽ giảm nguyên nhân tái phạm tội

Trung tướng Nguyễn Văn Phục, Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự tại cộng đồng (C11 - Bộ Công an), cho biết tái hòa nhập cộng đồng đối với người từng bị phạt tù là chính sách nhân văn, nhân đạo. Những năm qua, Bộ Công an rất quan tâm đến công tác tái hòa nhập cộng đồng. Công tác này có vị trí, vai trò rất quan trọng trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, giữ gìn trật tự an ninh xã hội.

Công an các địa phương đã tích cực, chủ động phát huy vai trò chủ công, nòng cốt cùng sự tham gia, phối hợp tích cực, hiệu quả của các cơ quan, ban ngành, đoàn thể và sự chung tay của cộng đồng xã hội. Nhờ vậy, những người chấp hành xong án phạt tù có điều kiện thuận lợi để tái hòa nhập cộng đồng. Từ đó giảm nguy cơ tái phạm tội, góp phần quan trọng vào công tác đảm bảo an ninh trật tự (ANTT), phát triển kinh tế - xã hội của cả nước.

Ông Nguyễn Văn Minh (huyện Trảng Bom) chia sẻ những thành quả lao động sau khi được Quỹ Doanh nhân với an ninh trật tự tỉnh Đồng Nai cho vay vốn. Ảnh: VH

Đại tá Nguyễn Văn Long, Phó Thủ trưởng Cơ quan Quản lý thi hành án hình sự, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự tại cộng đồng (Bộ Công an), cho biết nhằm hỗ trợ người lầm lỗi tạo sinh kế để tái hòa nhập cộng đồng, bộ đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 22/2023 về tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù.

“Đây là chính sách hết sức nhân văn đối với người từng có quá khứ lầm lỗi. Chỉ sau hơn 1,5 tháng, cả nước đã có gần 1.200 người vừa chấp hành xong án phạt tù được tiếp cận nguồn vốn vay” - Đại tá Long nói.

Đại tá Long cho biết hiện trên cả nước đã xây dựng được 250 mô hình điển hình và nhân lên được hàng ngàn mô hình. Trung bình mỗi năm cả nước có trên 50.000 người chấp hành xong án phạt tù trở về với cộng đồng, được tạo điều kiện giúp đỡ về việc làm. Những năm qua, tỉ lệ tái phạm tội trong đối tượng này chỉ ở mức dưới 3%.

Người lầm lỗi làm lại cuộc đời

Đại diện Bộ Công an đánh giá Đồng Nai là địa phương có nhiều thành tích, kết quả nổi bật trong công tác tái hòa nhập cộng đồng. Từ năm 2010, Đồng Nai là địa phương đầu tiên trong cả nước xây dựng thành công mô hình “Quỹ doanh nhân với ANTT” đã huy động được gần 750 doanh nhân, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh tham gia.

Tổng số vốn xoay vòng gần 36 tỉ đồng hỗ trợ cho gần 1.300 người chấp hành xong án phạt tù có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn luân phiên. Qua đó, tạo bước chuyển biến đột phá về công tác cảm hóa, giáo dục, giúp đỡ người lầm lỡ tái hòa nhập cộng đồng.

Tại buổi giao lưu, nhiều gương tái hòa nhập cộng đồng điển hình tại các địa phương đã bày tỏ sự cảm kích về sự hỗ trợ, chia sẻ, giúp đỡ, động viên kịp thời của lực lượng công an và các cấp chính quyền, đoàn thể địa phương. Đây là động lực giúp họ tự tin, vượt qua mặc cảm để làm lại cuộc đời, phấn đấu vươn lên làm giàu, trở thành người có ích cho xã hội.

Ông Nguyễn Văn Minh (60 tuổi, ngụ xã Sông Trầu, huyện Trảng Bom) người từng có quá khứ lầm lỗi nhưng đã biết vượt qua mặc cảm của bản thân, chí thú làm ăn, được Quỹ Doanh nhân với ANTT tỉnh Đồng Nai hỗ trợ cho vay vốn sản xuất, kinh doanh làm ăn phát triển, trở thành công dân có ích cho xã hội.

Ông Minh từng gây trọng án, năm 2008 bị TAND tỉnh Đồng Nai tuyên phạt 12 năm tù giam. Nhờ quá trình lao động cải tạo tốt nên chấp hành án phạt tù đến năm 2015, ông Minh được đặc xá tha tù trước thời hạn.

Trở về địa phương với hai bàn tay trắng, ông Minh được gia đình, chính quyền địa phương dang rộng vòng tay đón nhận, che chở, động viên, giúp đỡ. Ngay từ khi mới được về đoàn tụ bên gia đình, ông Minh đã trăn trở với 2 mẫu vườn do thiếu bàn tay chăm sóc của mình đã bị bỏ hoang từ nhiều năm nay.

“Khi tôi nghĩ không biết xoay đâu ra tiền để lấy vốn đầu tư canh tác vườn thì được công an và chính quyền địa phương hỗ trợ tư vấn, hướng dẫn làm thủ tục vay vốn từ Quỹ Doanh nhân với ANTT tỉnh Đồng Nai để đầu tư sản xuất, kinh doanh” - ông Minh chia sẻ.

Theo ông Minh, lần đầu quỹ cho vay 30 triệu đồng. Sau thời gian tu chí làm ăn đã trả đúng hạn. Sau đó ông tiếp tục vay thêm hai lần nữa, mỗi lần 50 triệu đồng để cải tạo lại vườn, ao, chuồng, cây giống và chăn nuôi nhằm mang lại nguồn thu nhập lớn hơn cho gia đình. Hiện nguồn thu nhập của gia đình ông Minh ổn định hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Đại tá Trần Anh Sơn, Phó Giám đốc Công an tỉnh Đồng Nai, cho biết việc cho những người có một thời lầm lỗi, đang gặp khó khăn, cần vay vốn là chủ trương đúng đắn, nhân văn, mang lại hiệu quả cao trong việc giữ vững ANTT.

Từ nguồn vốn vay đã tạo cho họ điều kiện sản xuất, kinh doanh, giúp đỡ họ có công ăn việc làm ổn định, sớm hòa nhập cộng đồng, tạo tinh thần phấn khởi và động lực giúp họ làm lại cuộc đời và trở thành những công dân lương thiện, góp phần thực hiện tốt công tác tái hòa nhập cộng đồng xã hội.

Đồng Nai có hơn 1.000 người chấp hành xong án phạt tù mỗi năm

Ông Võ Văn Phi, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, cho biết bên cạnh những điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh Đồng Nai cũng phải đối mặt với tình hình tội phạm diễn biến hết sức phức tạp. Hằng năm, Đồng Nai đều quản lý trên 1.000 người chấp hành xong án phạt tù, trở về địa phương nơi cư trú. Do đó, công tác tái hòa nhập cộng đồng cho người đã từng lầm lỗi để ngăn ngừa tái phạm, tội phạm mới hết sức quan trọng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới