Thủ tướng: Cơ chế, chính sách linh hoạt là nguồn lực cho Vùng Đông Nam Bộ phát triển

Thủ tướng: Cơ chế, chính sách linh hoạt là nguồn lực cho Vùng Đông Nam Bộ phát triển

(PLO)- Thủ tướng nhấn mạnh, nguồn lực quan trọng nhất là việc xây dựng cơ chế chính sách linh hoạt, phù hợp để huy động được các nguồn lực phù hợp với vai trò của từng địa phương trong vùng Đông Nam bộ. 

Chiều 26-11, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì Hội nghị Hội đồng điều phối Vùng Đông Nam Bộ lần thứ hai với chủ đề Quy hoạch Vùng Đông Nam Bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Thủ tướng: Cần cơ chế, chính sách linh hoạt để vùng Đông Nam bộ trở thành hình mẫu phát triển- hoi-nghi-vung-dong-nam-bo (3)
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì hội nghị. Ảnh: NGUYỆT NHI

Hội nghị kéo dài hơn 4 tiếng đồng hồ với nhiều ý kiến góp ý từ các bộ, ngành tỉnh, thành và chuyên gia. Trong đó, nổi lên là vấn đề làm sao để xây dựng được quy hoạch phát triển vùng Đông Nam bộ tối ưu nhất, để đây là hình mẫu chung cho các vùng khác và cả nước.

Đặt mục tiêu quy hoạch vùng Đông Nam bộ là hình mẫu

Kết luận phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu, việc xây dựng quy hoạch trên tinh thần chung là kiến tạo phát triển và liên kết vùng.

Quy hoạch phải mở và vận dụng linh hoạt, không vướng mắc khi có biến động lớn. Có nguồn lực thực hiện, bám sát tình hình thực tiễn để thực hiện một cách khả thi, bài bản, khoa học, hiệu quả.

Thủ tướng nhấn mạnh, quy hoạch phải đi trước một bước với tư duy đổi mới, tầm nhìn chiến lược, giải quyết được những vướng mắc, khó khăn, thách thức, phát huy tốt nhất tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của vùng.

Trong quá trình xây dựng quy hoạch, cần nhận thức sâu sắc hơn về vị trí, vai trò, tầm quan trọng đặc biệt, làm rõ hơn tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh và cả những khó khăn, thách thức của Vùng.

Thủ tướng: Cần cơ chế, chính sách linh hoạt để vùng Đông Nam bộ trở thành hình mẫu phát triển-thu-tuong-hop-hoi-dong-vung-dong-nam-bo-2-2609-2255
Thủ tướng chính phủ phát biểu tại hội nghị. Ảnh: NGUYỆT NHI

Thủ tướng Chính phủ nhìn nhận vùng Đông Nam bộ là khu vực có vị trí địa lý, tiềm năng về đất đai, thiên nhiên, con người rất đặc biệt. Nơi đây đủ điều kiện cần để phát triển thành vùng trung tâm đầu tàu, một hình mẫu về phát triển đầu tàu kinh tế. Đây cũng là trung tâm phát triển lớn nhất về kinh tế- xã hội của cả nước.

Dù vậy, người đứng đầu Chính phủ cũng cho rằng, tiềm năng của cả vùng rất lớn nhưng cơ chế, chính sách vẫn còn hạn hẹp. Hạ tầng chiến lược chưa tương xứng với sự phát triển, sự cạnh tranh để phát huy tối đa được tiềm năng của cả vùng.

Thủ tướng khẳng định cần cách tiếp cận đột phá trong việc thực hiện quy hoạch, giải quyết các vấn đề của vùng Đông Nam bộ.

“Đột phá về tư duy, tầm nhìn về chiến lược lâu dài, bám sát thực tiễn và dựa vào ba trụ cột chính là con người - thiên nhiên - truyền thống văn hoá lịch sử”- Thủ tướng nêu định hướng và cho rằng, cần lấy con người là trung tâm của sự phát triển. Còn thiên nhiên là nền tảng, văn hoá - truyền thống lịch sử động lực.

Cơ chế chính sách linh hoạt là nguồn lực quan trọng

Thủ tướng cũng nhìn nhận, việc huy động hài hoà nguồn lực cả bên trong và bên ngoài là rất quan trọng, cần thực hiện đa dạng. Trong đó, nguồn lực bên trong là cơ bản, là lâu dài, mang tính quyết định. Nguồn lực bên ngoài tạo sự đột phá, giữ vai trò quan trọng như về tài chính, công nghệ, thể chế, quản trị và đào tạo nguồn nhân lực… Cùng đó là nguồn lực của Trung ương và địa phương, nguồn lực của nhà nước và tư nhân, đẩy mạnh hợp tác công-tư.

Đặc biệt, Thủ tướng nhấn mạnh đến nguồn lực quan trọng nhất là việc xây dựng cơ chế, chính sách linh hoạt. “Làm sao để sáng tạo ra những cơ chế chính sách đặc thù, phù hợp để huy động được các nguồn lực phù hợp với vai trò của từng địa phương trong vùng”- Thủ tướng nêu rõ và khẳng định cơ chế, chính sách là nguồn lực.

Từ đó, Thủ tướng yêu cầu cần đi vào các dự án lớn, mang tính chất xoay chuyển tình thế, chuyển đổi trạng thái. Quan trọng nhất, cần cắt giảm để thủ tục bớt rườm rà, mất thời gian.

Thủ tướng cũng xác định cần chọn mục tiêu cao là kịch bản phát triển cao.

“Đi cùng đó là lãnh đạo, chỉ đạo thế nào để đạt được mục tiêu này, đi theo đó là nguồn lực cơ chế chính sách, cơ chế thực hiện ra sao”- Thủ tướng Phạm Minh Chính nói.

Về cơ cấu kinh tế, việc phát triển nhanh và bền vững là mục tiêu chung, nhưng vùng Đông Nam bộ cần dựa vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo để phát triển, tạo sự đột phá, phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức, kinh tế chia sẻ…

Thủ tướng: Cần cơ chế, chính sách linh hoạt để vùng Đông Nam bộ trở thành hình mẫu phát triển-hoi-nghi-vung-dong-nam-bo
Các đại biểu tham dự hội nghị. Ảnh: NGUYỆT NHI

Song song đó, lấy phát triển công nghiệp - dịch vụ - du lịch là trọng tâm, phát triển kinh tế nông nghiệp xanh, nông nghiệp công nghệ cao, hướng tới nông thôn hiện đại, nông nghiệp sinh thái còn nông dân thì văn minh.

Trong đó, Thủ tướng cũng chỉ ra việc kết nối các nền kinh tế, kết nối giao thông, an ninh quốc phòng, kết nối tài nguyên cần được chú trọng. Việc kết nối giao thông cần được đẩy mạnh cả 5 phương thức, lấy giao thông hàng không và giao thông thuỷ là trung tâm của kết nối quốc tế và khu vực.

Về kết nối kinh tế, Thủ tướng yêu cầu phải tạo được mối dây liên kết giữa kinh tế vùng Đông Nam bộ với kinh tế Tây Nguyên, Tây Nam bộ và Nam Trung bộ và kinh tế của cả nước để bổ trợ, thúc đẩy cho nhau phát triển. Đồng thời, mở rộng kết nối quốc tế với Lào, Campuchia, khu vực ASEAN hay với các trung tâm kinh tế lớn như New York…

Đồng thời, cần có kết nối trong bảo đảm an ninh nguồn nước, ứng phó biến đổi khí hậu, nhất là tiểu vùng Mekong.

Trao đổi thêm về các ý kiến xoay quanh việc xây dựng cảng Trung chuyển quốc tế, bao gồm cả Cần giờ, Cái Mép, Thủ tướng cho rằng việc xây dựng cảng không phải là để phát triển riêng lẻ.

“Buôn có bạn, bán có phường, chúng ta thành lập trung tâm để cạnh tranh với quốc tế chứ không phải hai cảng này cạnh tranh với nhau”- Thủ tướng nhấn mạnh và nói thêm, khi đưa ra một chính sách đổi mới, có sự đột phá thì khó có sự đồng thuận cao ngay từ đầu.

Thủ tướng Chính phủ nói thêm, các chương trình, dự án lớn khác của vùng là phát triển trung tâm tài chính quốc tế; hệ thống tàu điện ngầm, đường sắt; các sân bay Long Thành, Tân Sơn Nhất, sân bay Biên Hòa… Các địa phương trong vùng, các bộ ngành, các vùng cần phối hợp chặt chẽ, đồng bộ, hiệu quả hơn.

Ngoài ra, cần tổ chức thực hiện quy hoạch bài bản, lớp lang, với các chế tài phù hợp, cơ chế, chính sách thông thoáng, hạ tầng thông suốt và quản lý thông minh.

Đọc thêm