Hàng nghìn hecta rừng ở Đắk Nông bị tàn phá

(PLO)- Hàng nghìn hecta rừng đã được quy hoạch để triển khai dự án ở Đắk Nông tiếp tục bị lấn chiếm.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 3-8, tại Hội nghị giao ban báo chí tháng 7, ông Lê Quang Dần, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Đắk Nông, đã cung cấp thông tin liên quan kết quả triển khai 38 dự án đầu tư sản xuất nông, lâm nghiệp.

Ông Lê Quang Dần thông tin tại hội nghị. Ảnh: VŨ LONG

Ông Lê Quang Dần thông tin tại hội nghị. Ảnh: VŨ LONG

Theo ông Dần, đánh giá một cách tổng thể thì các dự án này triển khai chưa thực sự có hiệu quả, chưa đảm bảo tiến độ và mục tiêu ban đầu đã được thẩm định.

Một số dự án triển khai trồng các loài cây không đúng quy hoạch, một số chủ dự án còn để rừng bị phá, đất rừng bị lấn chiếm với diện tích lớn, diễn biến phức tạp. Điều này là nguyên nhân dẫn đến tranh chấp, khiếu kiện kéo dài, gây mất an ninh trật tự.

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh cho hay nguyên nhân dẫn đến tình trạng nêu trên do chủ ở một số dự án không đủ năng lực về tài chính, nhân lực...

Thậm chí, một số dự án hiện gần như không triển khai và đã bị thu hồi, như dự án của các công ty: Duy Hòa, Bảo Lâm, Thịnh An Khương, Thiên Sơn...

Thực tế cho thấy, một số chủ dự án buông lỏng công tác quản lý bảo vệ rừng, để rừng bị phá, đất rừng bị lấn, chiếm với diện tích lớn mà không có giải pháp xử lý dứt điểm là nguyên nhân ảnh hưởng tiến độ, hiệu quả triển khai dự án và phát sinh nhiều hệ lụy liên quan…

“Trong thời gian dài từ 2020 trở về trước, giá mủ cao su tương đối thấp dẫn tới các chủ doanh nghiệp không mặn mà trong việc triển khai dự án, chủ yếu cầm chừng.

Bên cạnh đó, các đơn vị còn phải thực hiện nhiệm vụ công ích quản lý bảo vệ rừng do thực hiện chính sách đóng cửa rừng, chính sách hỗ trợ của nhà nước đối với các doanh nghiệp tư nhân thuê đất, rừng để quản lý bảo vệ rừng còn nhiều bất cập” - ông Dần nói.

Ông Lê Quang Dần thông tin thêm có 38 dự án đầu tư sản xuất nông, lâm nghiệp với tổng diện tích đất, rừng cho thuê gần 29.000 hecta.

Tuy nhiên, công tác trồng rừng quy hoạch chỉ đạt hơn 43,6% (quy hoạch hơn 10.0330 hecta thực tế mới triển khai được hơn 4.381 hecta), trồng rừng cao su đạt hơn 58,5% (quy hoạch là 4.322 hecta thực tế mới chỉ trồng được hơn 2.529 hecta).

Hiện vẫn còn hơn 11.095 hecta rừng tự nhiên ở các dự án, trong đó diện tích khoanh nuôi, bảo vệ hơn 9.150 hecta, còn lại là diện tích rừng tự nhiên thuộc quy hoạch rừng cao su.

Theo thống kê từ Sở NN&PTNT tỉnh, còn hơn 4.018 hecta rừng bị tàn phá, lấn chiếm, trong đó phần lớn rừng bị giảm từ năm 2017 trở về trước với diện tích hơn 3.221 hecta.

Có hơn 6.458 hecta diện tích đất bị lấn chiếm, nằm trong quy hoạch sử dụng đất trồng rừng, đất trồng các loài cây khác và đất khoanh nuôi, bảo vệ rừng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm