Hàng rào quanh công viên: Giữ hay bỏ?

Vừa qua, TP Huế đã phá hàng rào bằng bê tông ở công viên bên bờ sông Hương nhằm mở rộng vỉa hè, tạo không gian thông thoáng cho người đi bộ. Nhìn nhận động thái này, nhiều chuyên gia cho rằng các đô thị lớn ở nước ta, đặc biệt là Hà Nội cũng nên có những động thái tương tự.

“Các vườn hoa, công viên trong TP nên thông thoáng để tạo ra sự thân thiện, gần gũi cho người dân” - GS-TS Nguyễn Văn Huy, nguyên Giám đốc Bảo tàng dân tộc học Việt Nam, bày tỏ.

Rào công viên, thu vé

Theo ghi nhận của chúng tôi, tại một số công viên ở Hà Nội như Bách Thảo, Nghĩa Đô, Cầu Giấy, Thống Nhất… đều được xây hàng rào sắt xung quanh, rất chắc chắn.

Các bức tường bằng rào sắt phân chia rõ ràng giữa phần không gian của công viên với phía bên ngoài. Thông thường, mỗi công viên sẽ bố trí 2-3 cổng để người dân có thể ra vào. Tại các cổng, nhân viên quản lý bố trí trạm gác để thu vé gửi xe.

Trong số trên, Công viên Bách Thảo hiện vẫn đang thu vé đối với người dân. Mức thu là 2.000 đồng/lượt.

Đáng chú ý, việc thu vé diễn ra khá “nhộn nhạo”. Khi PV hỏi mức giá vào cửa thì được nhân viên tại đây thông báo giá. Thế nhưng dù đã đưa 2.000 đồng phí ra vào, nhân viên này không xuất vé cho khách. Chỉ đến khi PV hỏi: “Không đưa vé hả chị?”, nhân viên này tỏ thái độ khó chịu rồi chỉ tay vào một tờ vé đã bị xé và nói cụt ngủn: “Cầm lấy!”.

Công viên Nghĩa Đô (Hà Nội) quây kín bằng rào sắt. Ảnh: TUYẾN PHAN

Nên bỏ rào để tạo sự thân thiện

Khảo sát về việc có nên bỏ hàng rào ở công viên, vườn hoa hay không, đa số người dân cho biết nếu bỏ được hàng rào sẽ tốt hơn bởi thay vì phải tìm đúng cổng, người dân có thể ra vào từ nhiều hướng.

GS-TS Nguyễn Văn Huy, nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, cho hay các vườn hoa, công viên ra đời nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất, dễ dàng nhất cho cư dân ở xung quanh đó nghỉ ngơi, thư giãn, trẻ em vui chơi. Trong đó, một phần vườn hoa công cộng khác còn mang ý nghĩa là nơi cư dân có thể đến tập thể dục, các vườn hoa khác ở trung tâm thành phố còn phục vụ du lịch… Vì vậy nên làm thế nào để nó thực sự văn minh, lịch sự, gần gũi với người dân.

Họa sĩ Nguyễn Thế Sơn, người đã từng thực hiện nhiều dự án nghệ thuật về Hà Nội, cũng cho rằng các vườn hoa, công viên không nên có rào chắn hay tường bao.

“Tôi thấy việc bỏ các hàng rào là đúng. Ở các nước châu Âu chẳng có vườn hoa nào có hàng rào cả. Hàng rào chỉ có ở những nơi riêng biệt như cung điện, còn lại những nơi mang tính chất sinh hoạt công cộng như vậy đều không có” - họa sĩ Nguyễn Thế Sơn nói.

Công viên Tao Đàn (TP.HCM) trước và sau khi được tháo dỡ hàng rào. Ảnh: TRÂM-DŨNG

Ủng hộ phá bỏ tường bao

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Trần Thế Cương, Trưởng ban VHXH - HĐND Hà Nội, bày tỏ quan điểm ủng hộ việc phá bỏ tường bao, rào sắt tại các công viên ở Hà Nội để người dân vào vui chơi, giải trí.

“Công viên là không gian công cộng, vì thế việc “mở” không gian ở nơi đây tạo điều kiện thuận lợi cho người dân vào thụ hưởng dịch vụ, hạ tầng của công viên. Quan điểm của tôi là ủng hộ việc này” - ông Cương nói.

Bà Tạ Thị Thanh Huyền, Chủ tịch UBND phường Lê Đại Hành (địa bàn có Công viên Thống Nhất), cho biết qua các kỳ tiếp xúc cử tri, lãnh đạo phường cũng đã nhận được ý kiến của người dân về việc nên phá bỏ tường bao, rào sắt quanh công viên Thống Nhất để tạo điều kiện cho người dân ra vào vui chơi, giải trí.

“Việc bỏ hàng rào công viên này thuộc thẩm quyền quyết định của cấp TP, chúng tôi cũng đã tiếp thu ý kiến này và báo cáo lên cấp trên từ năm 2016, tuy nhiên đến nay phường chưa nhận được phản hồi trở lại” - bà Huyền nói.

Phá hàng rào, kiểm soát công viên dễ hơn

Những năm trước đây, ở TP.HCM, các công viên như Tao Đàn, Lê Văn Tám, Hoàng Văn Thụ… đều có hàng rào bao quanh. Tuy nhiên, sau đó các hàng rào đều bị phá bỏ, công viên trở thành một không gian mở đối với người dân đô thị.

Ông Nguyễn Văn Quang (70 tuổi, ngụ quận 3) đang đi tập thể dục tại Công viên Tao Đàn cho biết: “Tôi cảm thấy việc tháo bỏ hàng rào quanh công viên là hợp lý. Bởi vì công viên không phải là nơi có gì quá đặc biệt hay quý hiếm mà phải làm hàng rào bảo vệ. Bên cạnh đó, việc tháo hàng rào tạo không gian thông thoáng, thoải mái cho mọi người. Những người lớn tuổi như chúng tôi, trẻ con và người khuyết tật có thể dễ dàng ra vào công viên”.

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Nguyễn Trịnh Kiểm, Chánh Văn phòng Hội Cây xanh và công viên Việt Nam, cho biết: “Sở dĩ TP.HCM có chủ trương phá tường rào là vì hiện tại TP có diện tích mảng xanh thấp hơn so với nhiều nơi trên cả nước (chưa đến
1 m2/đầu người). Theo tính toán, muốn tăng diện tích mảng xanh lên chỉ có cách là phá bỏ tường rào và trồng thêm cây. Bên cạnh đó, chúng ta đều biết mục đích của việc xây dựng công viên là tạo sân chơi công cộng. Bởi thế, đã là công cộng thì không cần rào chắn, kiểm soát vé để tạo không gian gần gũi với mọi người. Chủ trương này của TP.HCM là đúng”.

Chia sẻ về những khó khăn khi phá vỡ tường rào cũng như trong công tác quản lý an ninh trật tự, ông Kiểm cho biết: “Đương nhiên khi thực hiện việc phá vỡ tường rào thì cơ quan quản lý cần lường trước được những rủi ro có thể xảy ra. Tuy nhiên, thực tế, việc phá vỡ hàng rào đã giúp công tác quản lý an ninh trật tự tại công viên được thực hiện dễ dàng hơn. Ngày trước, các đối tượng xấu thường lợi dụng hàng rào hút chích thì nay công viên đã thông thoáng nên những kẻ này cũng không thể thực hiện được hành vi của mình”.

HỒNG TRÂM

Huế: Phá rào công viên, mở rộng vỉa hè

Những ngày qua TP Huế đã cho tháo hàng rào bê tông và chỉnh sửa lại mặt bằng ở xung quanh các công viên dọc tuyến đường Trần Hưng Đạo, Lê Duẩn. Người dân rất hài lòng trước việc này vì có thêm không gian thông thoáng. Đặc biệt là vỉa hè dành cho người đi bộ được mở rộng hơn.

Lãnh đạo TP Huế cho biết trước đây, các hàng rào này có chức năng bảo vệ công viên nhưng bây giờ không còn phù hợp nữa vì làm ngăn cách giữa người đi bộ với công viên và dòng sông Hương… 

NGUYỄN DO


Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm