Ngày 15-9, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) phối hợp với UBND thành phố Cần Thơ và các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL) tổ chức Hội nghị đẩy mạnh tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp lĩnh vực lúa gạo, thủy sản của vùng nhằm tiếp tục đẩy mạnh tín dụng hỗ trợ sản xuất, kinh doanh, giúp người dân, doanh nghiệp tại khu vực này tiếp cận và sử dụng vốn vay hiệu quả hơn.
Không lo thiếu vốn cho lĩnh vực nông nghiệp
Ngành lúa gạo, thủy sản thuộc lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn là một trong những lĩnh vực luôn được ngân hàng ưu tiên đầu tư vốn tín dụng.
Về cơ chế, chính sách tín dụng, NHNN đã có chính sách trần lãi suất ngắn hạn VNĐ đối với lĩnh vực ưu tiên (hiện nay tối đa là 4%/năm), chính sách cho vay bằng ngoại tệ để đáp ứng các nhu cầu vốn trong nước nhằm thực hiện phương án sản xuất, kinh doanh hàng hóa xuất khẩu khi khách hàng có nguồn thu ngoại tệ.
NHNN luôn coi nông nghiệp, nông thôn là lĩnh vực ưu tiên để điều hành tập trung tín dụng, khuyến khích tổ chức tín dụng (TCTD) cho vay để đáp ứng vốn từ khâu sản xuất - chế biến - đến thu mua, tiêu thụ
Đồng thời chỉ đạo TCTD thường xuyên rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian xét duyệt cho vay, đa dạng hóa sản phẩm tín dụng, chủ động làm việc trực tiếp với khách hàng để có các giải pháp tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho doanh nghiệp, người dân tiếp cận vốn.
Ngay đầu năm 2023, NHNN đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng tập trung nguồn vốn đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh của thương nhân, doanh nghiệp trong lĩnh vực lúa gạo, thủy sản tiếp cận vốn tín dụng để phục vụ sản xuất kinh doanh như duy trì hạn mức tín dụng đã cấp, giảm lãi suất cho vay, miễn giảm các loại phí dịch vụ, linh hoạt trong việc áp dụng cơ chế bảo đảm tiền vay, đa dạng hóa các chương trình, sản phẩm tín dụng phù hợp.
Tính đến cuối tháng 8-2023, dư nợ toàn vùng ĐBSCL đạt trên 1 triệu tỉ đồng, tăng 5,35% so với cuối năm ngoái. Trong đó, tín dụng phát triển nông nghiệp, nông thôn đạt dư nợ đạt gần 535.000 tỉ đồng, tăng 6,04%, chiếm 51,76% tổng dư nợ của khu vực và 17,44% dư nợ nông nghiệp nông thôn toàn quốc.
Vì sao vẫn còn doanh nghiệp khó vay vốn ngân hàng?
Qua theo dõi thống kê các năm, dự kiến từ nay đến cuối năm tăng trưởng tín dụng đối với ngành thủy sản và lúa gạo sẽ tiếp tục tăng trưởng nhanh do yếu tố mùa vụ và nhu cầu xuất khẩu được cải thiện.
Mặc dù tín dụng chảy vảo nông nghiệp, thuỷ sản... vẫn tiếp tục tăng, song đâu đó vẫn còn doanh nghiệp kêu than về việc khó tiếp cận vốn.
Qua xem xét từ tình hình thực tế, bà Hà Thu Giang - Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) cho rằng: "Bên cạnh những kết quả đã đạt được, có một thực tế cần nhìn nhận rằng việc đầu tư tín dụng phục vụ phát triển các mặt hàng nông sản chủ lực của vùng ĐBSCL đang phải đối mặt với không ít khó khăn. Ngoài ra, nguy cơ đứt gẫy chuỗi giá trị sản xuất - thu mua - chế biến - xuất khẩu các mặt hàng nông sản luôn tiềm ẩn và gây rủi ro ách tắc, tồn ứ nông sản trong lưu thông.
Vấn đề xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam chưa được đầu tư thỏa đáng làm giảm sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Nhiều doanh nghiệp có quy mô sản xuất nhỏ, năng lực tài chính, năng lực quản trị còn hạn chế, thông tin tài chính thiếu minh bạch dẫn đến không đáp ứng đủ những điều kiện vay vốn tín dụng ngân hàng…”
Trong thời gian tới, NHNN yêu cầu các ngân hàng tiếp tục dành nguồn vốn để đáp ứng nhu cầu vốn của người dân, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh các mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực với thời hạn và lãi suất hợp lý…
Tiếp tục tiết giảm chi phí, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và các giải pháp khác để có điều kiện tiếp tục giảm lãi suất cho vay. Tiếp tục triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay vốn thuộc lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, trong đó có chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ theo quy định tại Thông tư 02/2023 của NHNN.