Ngày 31-3 vừa qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ban hành các quyết định điều chỉnh giảm thêm 0,3%-0,5%/năm các mức lãi suất điều hành.
Theo đó, từ ngày 3-4, trần lãi suất huy động đối với kỳ hạn từ một tháng đến dưới sáu tháng giảm từ 6,0%/năm xuống 5,5%/năm; giảm lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND của tổ chức tín dụng dành cho khách hàng vay để đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ một số lĩnh vực, ngành kinh tế từ 5,0%/năm xuống 4,5%/năm.
Trong hai tuần vừa qua, Ngân hàng Nhà nước liên tiếp điều chỉnh lãi suất. Ảnh: T.LINH |
Liên tục giảm lãi suất điều hành
Như vậy, chỉ trong hơn hai tuần gần đây, NHNN đã có hai lần giảm lãi suất điều hành.
Lý giải về động thái này, NHNN cho biết kinh tế toàn cầu phục hồi chậm, tiềm ẩn nguy cơ suy thoái, xung đột Nga - Ukraine tiếp tục kéo dài. Nhìn vào khu vực nội địa, kinh tế trong nước gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là hoạt động xuất khẩu do cầu thế giới chậm lại, các vấn đề tồn tại của thị trường trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản chưa thể sớm giải quyết. Trong khi đó, thị trường tiền tệ ổn định, thanh khoản hệ thống dồi dào, đáp ứng nhu cầu thanh toán, chi trả của nền kinh tế.
“Việc tiếp tục điều chỉnh giảm các mức lãi suất điều hành là giải pháp linh hoạt, phù hợp với điều kiện thị trường hiện nay và là bước đi quan trọng, định hướng cho xu hướng giảm lãi suất của thị trường trong thời gian tới” - NHNN nhấn mạnh.
Kết quả của việc giảm lãi suất sẽ kích thích một phần dòng tiền dịch chuyển sang thị trường chứng khoán, trong đó có các doanh nghiệp bất động sản.
Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích khối khách hàng cá nhân của Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam, nêu quan điểm: Có nhiều nguyên nhân để NHNN mạnh tay giảm lãi suất điều hành. Ví dụ, tăng trưởng GDP thực tế của Việt Nam trong quý I năm nay chỉ tăng 3,32% so với cùng kỳ năm ngoái và gần chạm đáy so với mức tăng trưởng kinh tế cùng kỳ năm 2008. Có nghĩa rằng chúng ta cần phải thúc đẩy tăng trưởng trở lại và muốn làm được điều này thì phải tăng cung tiền, giảm lãi suất cho vay. Hay nói cách khác là NHNN phải thực hiện nới lỏng chính sách tiền tệ trở lại.
Lãi suất huy động sẽ xuống khoảng 7%
Trong một báo cáo vừa phát hành, Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) nhận định mặt bằng lãi suất huy động có xu hướng giảm và có thể duy trì quanh ngưỡng 7%, tương ứng mặt bằng lãi suất cho vay bình quân quanh ngưỡng 10% đối với kỳ hạn 12 tháng bình quân nhóm ngân hàng quốc doanh vào thời điểm cuối năm.
Lãi suất sẽ giảm trên diện rộng
Theo ghi nhận, các ngân hàng thương mại sáng 3-4 đã công bố biểu lãi suất huy động mới. Theo đó, hiện lãi suất huy động tối đa đối với tiền gửi không kỳ hạn và kỳ hạn dưới một tháng đã giảm về mức quy định của NHNN là 0,5%/năm. Riêng nhóm ngân hàng thương mại lớn như Vietcombank, VietinBank, BIDV, Agribank công bố lãi suất tiền gửi không kỳ hạn giảm sâu xuống còn 0,1%-0,2%/năm.
Tương tự, mức lãi suất tiền gửi của kỳ hạn một tháng đến dưới sáu tháng cũng đồng loạt giảm về mức 5,5%/năm, thậm chí có ngân hàng niêm yết ở mức 4,7%/năm. Ngoài ra, lãi suất từ sáu tháng trở lên cũng rục rịch giảm.
Tổng giám đốc một ngân hàng thương mại cho rằng: Việc NHNN điều chỉnh giảm lãi suất điều hành, trong đó có giảm trần lãi suất huy động đối với kỳ hạn từ một tháng đến dưới sáu tháng xuống còn 5,5%/năm cho thấy xu hướng giảm lãi suất trên diện rộng trên hệ thống ngân hàng thương mại trong thời gian tới là điều chắc chắn sẽ xảy ra.
“Tuy nhiên, giảm lãi suất cho vay ở mức bao nhiêu, khi nào điều chỉnh giảm, đối tượng nào được hưởng lãi suất ưu đãi lại phụ thuộc vào sức khỏe tài chính của từng doanh nghiệp. Với những khách hàng vay vốn để phục vụ sản xuất, kinh doanh và lại thuộc nhóm ngành ưu tiên sẽ được hưởng vốn vay với chi phí thấp. Trong khi đó, với những lĩnh vực có mức độ rủi ro cao thì không thể được hưởng lãi suất thấp” - vị đại diện cho biết.
Ông Nguyễn Thế Minh cho biết: Kết quả của việc giảm lãi suất sẽ kích thích một phần dòng tiền dịch chuyển sang thị trường chứng khoán, trong đó có các doanh nghiệp bất động sản. Tuy nhiên, với kênh trái phiếu thì chưa chắc, bởi hiện nay niềm tin của nhà đầu tư đối với kênh trái phiếu vẫn còn ở mức thấp.
Lãi suất cao, doanh nghiệp ngại vay
Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA), đánh giá trong bối cảnh lãi suất trên 10% thì không có doanh nghiệp nào dám vay, chưa kể các điều kiện về tài sản thế chấp cũng đang làm khó các doanh nghiệp.
Qua khảo sát của HUBA cho thấy hầu hết ngành sản xuất chủ lực tại TP.HCM đều sụt giảm, trong đó nhiều ngành nghề giảm 40%-60%, thậm chí bất động sản gần như đóng băng. Do đó, doanh nghiệp cần dòng vốn lưu động và ngắn hạn để cầm cự.
Đại diện Hiệp hội Dệt may Thêu đan TP.HCM cũng thông tin nhiều công ty trong ngành đang đối diện với tình trạng thiếu dòng tiền trả nợ. Nếu không xử lý sẽ bị rơi vào nhóm nợ xấu, dẫn đến nhiều hệ lụy khác, vì vậy doanh nghiệp cần chính sách hỗ trợ, đặc biệt là giữ nguyên nhóm nợ.
Nghiên cứu các giải pháp khác hỗ trợ thị trường
Cũng theo ông Minh, việc giảm lãi suất điều hành này cũng chưa phải là giải pháp căn cơ, mạnh mẽ để đẩy dòng vốn chảy mạnh vào khối doanh nghiệp niêm yết bởi lẽ NHNN vẫn kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro. Còn các ngân hàng thương mại vẫn e ngại cho vay đối với lĩnh vực bất động sản trong bối cảnh thanh khoản thị trường đang rất kém.
Phát biểu tại một tọa đàm mới đây, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết trong ba tháng đầu năm 2023, tăng trưởng tín dụng đạt khoảng 1,74% , thấp hơn nhiều so với con số 3,49% năm ngoái. Vốn đang thừa nên cơ quan này khuyến khích ngân hàng thương mại cho vay. Cơ quan này cũng đã đề nghị các ngân hàng thương mại giảm lãi suất cho vay thêm trong thời gian sắp tới để hỗ trợ doanh nghiệp. Tuy nhiên, khả năng giảm như thế nào sẽ còn tùy thuộc vào năng lực tài chính của từng ngân hàng.
Cũng theo lãnh đạo NHNN, dù hiện nay nhiều nước trên thế giới vẫn tăng lãi suất nhưng mới đây cơ quan này vẫn giảm lãi suất điều hành. Đây là thông điệp tái khẳng định xu hướng giảm lãi suất cho thị trường trong thời gian tới của ngành ngân hàng.
Bên cạnh giảm lãi suất, lãnh đạo NHNN cũng cho hay hiện đang nghiên cứu các giải pháp hỗ trợ thị trường khác, trong đó có chính sách giãn, hoãn nợ cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, mức giãn, hoãn còn tùy thuộc nhiều vào đối tượng, ngành nghề, không thể có chính sách riêng cho từng doanh nghiệp, đồng thời phải đảm bảo sự ổn định an toàn hệ thống.•