Phải gỡ vướng cho doanh nghiệp tiếp cận vốn vay

(PLO)- Các doanh nghiệp cho biết họ không chỉ gặp vướng với bài toán lãi suất cho vay giảm nhỏ giọt mà còn gặp khó với thực trạng ép mua bảo hiểm khi vay vốn.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 30-6, Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư (ITPC) phối hợp với Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh TP.HCM tổ chức hội nghị “Đối thoại giữa doanh nghiệp (DN) và chính quyền TP”. Tại đây, nhiều DN đưa ra những bất cập khó khăn liên quan đến tiếp cận vốn vay, nhất là với những DN vừa và nhỏ.

Kiến nghị có cơ chế cho vay tín chấp

Bà Nguyễn Thị Thu Thủy, đại diện Công ty CP Lữ hành Vietluxtour, cho biết: “Hiện nay, các công ty lữ hành là những DN cung cấp dịch vụ cho khách hàng. Tuy nhiên, để vay vốn mở rộng kinh doanh thì ngân hàng luôn yêu cầu có tài sản thế chấp. Chúng tôi mong muốn ngân hàng có cơ chế cho vay tín chấp đối với các DN lữ hành hoạt động kinh doanh uy tín và có lãi. Để hạn chế rủi ro cho ngân hàng khi cho vay tín chấp, DN sẵn sàng điều chuyển dòng tiền về cho ngân hàng”.

Tương tự, ông Lương Ngọc Trung, Giám đốc Công ty CP Giải pháp công nghệ Con Voi, thông tin: Trong lúc cần vốn đầu tư, đi gõ cửa các ngân hàng thì đâu đâu cũng yêu cầu phải có tài sản thế chấp. Thế nhưng mọi tài sản thế chấp của công ty đều đã nằm trong ngân hàng. “Trong hoàn cảnh hiện tại, chúng tôi chỉ có thể chịu được mức lãi suất 10%-12%/năm nhưng đó là lãi suất cho vay thế chấp. Nếu vay tín chấp thì e rằng không gánh nổi chi phí lãi vay” - ông Trung cho hay.

Các doanh nghiệp kiến nghị các ngân hàng có cơ chế cho vay tín chấp để giúp doanh nghiệp vượt khó. Ảnh: T.LINH
Các doanh nghiệp kiến nghị các ngân hàng có cơ chế cho vay tín chấp để giúp doanh nghiệp vượt khó. Ảnh: T.LINH

Trước những tâm tư của DN, ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc NHNN Chi nhánh TP.HCM, cho biết: Hiện nay, NHNN giao tính chủ động về quy chế cho vay tín chấp hoặc thế chấp cho các ngân hàng thương mại (NHTM) tự quyết định. Thực tế, điều kiện cho vay tín chấp khó khăn hơn rất nhiều so với điều kiện cho vay thế chấp. Bởi lẽ khi cho vay tín chấp tức là ngân hàng phải có niềm tin tuyệt đối với DN. Ngân hàng phải xác định được đó là DN hoạt động hiệu quả, xếp hạng tín dụng tốt, báo cáo tài chính minh bạch.

Theo ông Lệnh, nhiều DN phản ánh đều mong muốn được vay tín chấp mà không có gì cả (không có tài sản thế chấp, không có báo cáo hoạt động kinh doanh). Điều này đòi hỏi phải có giải pháp từ Chính phủ. Trước mắt, để tạo điều kiện cho DN khởi nghiệp tiếp cận vốn vay, NHNN đã và đang triển khai chương trình Quỹ bảo lãnh DN nhỏ và vừa, hay NHNN và UBND TP cũng đang có cơ chế cho vay đối với DN khởi nghiệp.

“Còn về phía DN, để được vay tín chấp, DN cũng cần không ngừng nâng cao trình độ quản lý, công khai, minh bạch sổ sách kế toán. Dựa trên cơ sở đó, NHTM mới có thể thẩm định, đánh giá xem DN hoạt động hiệu quả ra sao, kết quả kinh doanh thế nào để kiểm soát dòng tiền và quyết định cho vay” - ông Lệnh nhấn mạnh.

Cần sự đồng hành của ngân hàng thương mại

Đối với gói lãi suất 2%/năm, đại diện DN hoạt động trong lĩnh vực logistics đặt câu hỏi: “Tôi đã hỏi một số ngân hàng để tìm hiểu về gói lãi suất ưu đãi 2%/năm. Tuy nhiên, nhân viên ở một số ngân hàng thông báo rằng gói tín dụng ưu đãi này đã hết. Còn một số ngân hàng khác lại cho biết bản thân họ không nhận được thông tin gì về gói này. Vậy tôi xin hỏi làm thế nào để DN tiếp cận được gói tín dụng này?”.

Lý giải, ông Nguyễn Đức Lệnh cho biết: Với gói lãi suất ưu đãi 2% từ ngân sách, ngành ngân hàng nói chung và các NHTM đã tập huấn toàn hệ thống trên 63 tỉnh, thành để nắm về chủ trương này. Ngoài ra, các NHTM cũng đã xây dựng quy trình nghiệp vụ, hướng dẫn toàn bộ cán bộ tín dụng. Tuy nhiên, thực tế gói tín dụng này giải ngân chậm do chính bản thân DN e ngại khâu thanh tra, kiểm tra sau này nên đã chủ động từ chối tham gia gói vay.

Quang cảnh buổi đối thoại. Ảnh: T.LINH
Quang cảnh buổi đối thoại. Ảnh: T.LINH

“Đối với trường hợp của DN bị cán bộ tín dụng trả lời như trên, chúng tôi sẽ gặp DN để biết cán bộ tín dụng của ngân hàng nào đã làm việc tắc trách như vậy, qua đó có biện pháp xử lý” - ông Lệnh nhấn mạnh.

Ông Đinh Công Khương, Chủ nhiệm CLB Các DN thép tại TP.HCM, Chủ tịch HĐTV Công ty Thép Khương Mai, cho biết: Dù NHNN đã giảm bốn lần lãi suất điều hành nhưng các NHTM mới chỉ điều chỉnh hạ lãi suất cho vay hai lần, với biên độ điều chỉnh giảm mỗi lần chỉ khoảng 0,2% hoặc 0,3%/năm. Mức giảm như vậy là vô cùng thấp.

“Lúc này các DN rất cần sự đồng hành từ phía NHTM, nếu lãi suất không giảm mạnh, DN không có khả năng trả nợ, nguy cơ nợ xấu của ngân hàng cũng phình to” - ông Khương kiến nghị.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Đức Lệnh cho hay: Một chính sách đưa ra bao giờ cũng có độ trễ. Tuy vậy, hiện nay NHNN đã và đang định hướng chính sách lãi suất cho vay trên thị trường theo xu hướng giảm để hỗ trợ DN. Và thực tế cho thấy là các ngân hàng đã chủ động giảm lãi suất huy động, tạo dư địa để giảm lãi suất cho vay.

Sẽ xử lý ngân hàng ép doanh nghiệp mua bảo hiểm

Một DN cho biết dù NHNN cấm các NHTM không được ép khách hàng mua bảo hiểm mới được vay vốn. Tuy nhiên, một số ngân hàng lại lách bằng cách đưa ra lựa chọn nếu mua bảo hiểm thì được vay với lãi suất thấp, không mua thì phải vay lãi suất cao, giải ngân chậm trễ. Trong khi đó, khách hàng lại cần vay vốn gấp để duy trì hoạt động. Cách làm như vậy thì dù họ không ép, DN vẫn phải chấp nhận mua bảo hiểm.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Đức Lệnh nhấn mạnh: “NHNN đã có nhiều văn bản yêu cầu các NHTM phải nghiêm túc thực thi, đó là tuyệt đối không được ép khách hàng mua bảo hiểm mới được vay vốn. Do đó, khi DN bị ép mua bảo hiểm, cần thông báo cụ thể tên nhân viên, phòng giao dịch hay chi nhánh ngân hàng nào. Khi có thông tin cụ thể, chúng tôi sẽ mạnh tay xử lý”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm