Sáng 27-7, Tổ công tác 970 của Bộ NN&PTNT cung cấp một số thông tin về tình hình thị trường miền Nam.
Theo đó, tình hình chung là các tỉnh đang thiếu nhân công thu hoạch, việc thu mua nông thủy sản gặp khó khăn, giá cả nhiều mặt hàng giảm mạnh.
Đơn cử như tại An Giang, Bình Thuận đang xảy ra tình trạng thiếu nhân công và phương tiện trong thu hoạch thủy sản, hoạt động thu mua giảm so với bình thường do thương lái hoạt động cầm chừng vì dịch.
Người dân thu hoạch trái cây
Hiện An Giang đang tồn một số loại cá như cá nàng hai 100-200 tấn, cá điêu hồng 100 tấn/tuần, cá he và mè Vinh 100 tấn, cá hú 60 tấn, chạch lấu 4 tấn.
Còn Bình Thuận đang thiếu nhân công, phương tiện thu mua thủy sản. Các cơ sở thu mua thanh long đóng cửa, không xuất được hàng nên giá thanh long giảm mạnh còn 6.000 đồng/kg, nhãn còn 10.000 đồng/kg.
Vận chuyển tôm giống, tôm thương phẩm đi các tỉnh gặp khó nên một số khu vực trên địa bàn tỉnh khó khăn trong thả tôm giống và thu mua tôm thương phẩm.
Tại Bình Dương vẫn "kẹt" trong thu mua, vận chuyển, lưu thông rau do giấy thông hành, xét nghiệm. Sở Giao thông vận tải tỉnh đã ban hành công văn hướng dẫn lưu thông, không cần cấp mã QR khi qua trạm kiểm soát, tạm dừng và miễn thu phí dịch vụ đường bộ.
Tại Long An, quá trình lưu thông, vận chuyển nông sản cũng gặp khó khăn. Thương lái từ các tỉnh khác không được vào Long An dù cung cấp đủ giấy tờ cần thiết như kết quả xét nghiệm âm tính với COVID-19...
Tỉnh Đồng Nai cũng đang thiếu nhân công, phương tiện thu hoạch chôm chôm. Tỉnh có 10.147ha chôm chôm đang chín rộ. Cùng với chôm chôm, chăn nuôi, trứng cút, thủy sản... của tỉnh cũng đang trong tình trạng khó tiêu thụ và cần hỗ trợ.
Tại TP.HCM, tình hình thu mua rau, thịt heo, bò gà bình thường nhưng cá, tôm, hải sản khó tiêu thụ. Giá rau các loại giảm nhẹ, giá thịt heo, tôm, cá, hải sản ổn định.
Tổ công tác 970 cũng cho biết, Công ty Vissan do khó khăn về nhân công nên đề xuất hai phương án, trong đó có dừng sản xuất, giết mổ.
Công ty Vissan có sản lượng giết mổ chiếm 9,47% lúc bình thường và 26,55 - 28,6% khi thực hiện giãn cách nên TP. HCM sẽ điều tiết về các cơ sở giết mổ khác để bù đắp nguồn thịt cho thành phố. Hiện ở TP có một số cơ sở giết mổ đã hoạt động trở lại sau khi bị giãn cách.
Dự kiến vào ngày 30-7, Bộ NN&PTNT sẽ mở diễn đàn kết nối cung - cầu trứng, thịt gia cầm hai miền Nam - Bắc.