Phải gỡ nút thắt lưu thông để hỗ trợ nông dân, doanh nghiệp

TP.HCM và nhiều tỉnh, thành vùng ĐBSCL đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 khiến việc thu hoạch, vận chuyển gặp nhiều khó khăn và chuỗi cung ứng nông sản cũng bị đứt gãy. Báo Pháp Luật TP.HCMđã trao đổi với ông Lê Viết Bình, Phó Chánh văn phòng, Trưởng đại diện Văn phòng Bộ NN&PTNT tại TP.HCM, về vấn đề này.

Nông sản được mùa nhưng đầu ra khó khăn

. Phóng viên: Thưa ông, ông đánh giá thế nào về nguồn cung cũng như tình hình tiêu thụ lương thực, thực phẩm, rau củ quả hiện nay?

+ Ông Lê Viết Bình: Ghi nhận của tổ công tác phía Nam thuộc Bộ NN&PTNT cho thấy sản xuất lúa và các sản phẩm trồng trọt đều được mùa trên bình diện cả nước. Lúa gạo, rau củ quả, thực phẩm đủ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

Chẳng hạn, sản lượng rau màu toàn miền Nam dự kiến từ nay đến cuối năm đạt 5,7 triệu tấn, đủ nhu cầu tiêu dùng. Riêng 19 tỉnh, thành phía Nam mỗi tháng cung cấp bình quân cho thị trường 560.000-600.000 tấn rau. Chăn nuôi của các địa phương ổn định, nguồn cung lớn. Ví dụ, riêng thủ phủ heo Đồng Nai mỗi ngày xuất ra thị trường gần 9.000 con. Lượng gà thịt của Đồng Nai xuất ra thị trường mỗi ngày trên 85.000 con…

Tóm lại, lương thực, thực phẩm, rau củ quả không thiếu. Nhưng việc vận chuyển, lưu thông hàng hóa, vật tư phục vụ sản xuất vẫn còn bị thắt chặt ở một số địa phương. Cục bộ có nơi thương lái rất khó khăn trong đi lại thu mua nông sản. Khâu vận chuyển, phân phối sản phẩm hay vận chuyển cây giống, con giống, thức ăn chăn nuôi, thủy sản… cũng gặp khó khăn do hoạt động kiểm soát tại các chốt kiểm dịch.

. Vậy giải pháp của Bộ NN&PTNT như thế nào để tháo gỡ những khó khăn trên, thưa ông?

+ Theo tôi, các địa phương, nhất là TP.HCM cần nghiên cứu cho mở các điểm tập kết hàng để trung chuyển về các chợ đầu mối và truyền thống. Đồng thời tạo điều kiện để các phương tiện vận chuyển động vật, sản phẩm động vật, các loại vật tư nông nghiệp xuất nhập được lưu thông thuận tiện.

Bên cạnh đó kịp thời cập nhật thông tin về cung cầu để điều tiết kịp thời, hạn chế thấp nhất tình trạng nơi thừa, nơi lại thiếu hàng. Về lâu dài, cần tập trung tổ chức lại sản xuất, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi.

Hiện nguồn cung rau củ quả tại các siêu thị ở TP.HCM đã bắt đầu ổn định. Ảnh: TÚ UYÊN

Đã kết nối gần 390 đầu mối cung cấp nông sản, thực phẩm

Hiện đã có tổng cộng 388 đầu mối cung cấp nông sản và thực phẩm đăng ký với tổ công tác của Bộ NN&PTNT. Song song đó, hiện tổ công tác trực tiếp tìm nguồn hàng và kết nối thành công cho 16 hệ thống siêu thị, bếp ăn công nghiệp và doanh nghiệp thu mua. Số đơn hàng giao dịch thành công được ghi nhận ban đầu là 24 đơn hàng được báo cáo qua tổ.

“Tuy nhiên, vẫn có dấu hiệu thiếu hàng hóa cục bộ trong hệ thống các chuỗi siêu thị tại một số tỉnh do đứt gãy vận chuyển từ các kho tổng; một số siêu thị như ở Bến Tre tăng rất lớn lượng rau mua từ các tỉnh khác” - đại diện tổ công tác thông tin thêm.

Tại 19 tỉnh đã có một số nhà máy, cơ sở chế biến và giết mổ đang tạm dừng sản xuất do không đáp ứng yêu cầu “ba tại chỗ” hoặc không đủ công nhân do phong tỏa. QUANG HUY 

Phải sâu sát mới giải quyết được khó khăn

. Vừa qua, Bộ Công Thương và Bộ NN&PTNT đã đề xuất TP.HCM cho vận hành lại một phần các chợ đầu mối an toàn. Vậy cụ thể việc vận hành lại các chợ này sẽ diễn ra như thế nào?

+ Tổ công tác đặc biệt của hai bộ NN&PTNT và Công Thương đã có buổi làm việc với UBND TP.HCM về vấn đề này. Theo đó, chúng tôi đề nghị TP.HCM xem xét tìm các điểm tập kết trung chuyển hàng hóa và nếu có thể thì mở lại một phần chợ đầu mối Bình Điền, Thủ Đức và Hóc Môn để tiêu thụ nông sản, thực phẩm cho TP.HCM cũng như lưu thông nông sản, thực phẩm giữa các tỉnh trong vùng.

. Nhiều ý kiến cho rằng các tỉnh phía Nam có thể học tập kinh nghiệm trong việc giải quyết khó khăn của vải thiều Bắc Giang. Ông nghĩ sao về điều này?

+ Phải nói rằng kinh nghiệm của Bắc Giang trong phòng chống dịch COVID-19 và lưu thông tiêu thụ vải thiều mà không cần phải giải cứu là vấn đề cần được các địa phương nghiên cứu. Nó cho thấy nếu có sự chủ động từ các địa phương, sự phối hợp đồng bộ của các bộ, ngành thì điểm nghẽn sẽ được tháo gỡ.

Miền Tây là vựa lúa gạo, trái cây, thủy sản lớn nhất cả nước. Để giải quyết các tồn tại, các địa phương nên linh hoạt trong xử lý các tình huống, mà muốn xử lý tình huống tốt thì phải sâu sát. Bởi nói như Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan, không có văn bản nào của Chính phủ có thể bao trùm được hết. Vì vậy khi có các tình huống phát sinh thì địa phương phải chủ động, trong đó câu chuyện nông dân phải đổ sữa mới đây là điều rất đáng tiếc.

. Các phương án hỗ trợ nông dân, doanh nghiệp đẩy nhanh tiêu thụ nông sản trong thời gian tới của Bộ NN&PTNT là gì?

+ Tổ công tác của Bộ NN&PTNT đề nghị các địa phương đang trong thời gian giãn cách kiểm tra, rà soát các nguồn cung, kết nối tiêu thụ nông sản. Ưu tiên tiêm vaccine và tổ chức test nhanh cho các cơ sở chế biến, giết mổ, tạo thuận lợi cho lưu thông hàng hóa…

Bản thân tổ công tác của Bộ NN&PTNT cũng đang cố gắng tổ chức kết nối cung cầu sản phẩm.

. Xin cám ơn ông.

              Giải phóng nông sản của nông dân

Đợt bùng phát dịch COVID-19 lần thứ tư với mức độ nghiêm trọng và rơi vào tình huống chưa từng có tiền lệ với hàng loạt các tỉnh phía Nam.

TP.HCM, miền Đông và miền Tây Nam bộ với khoảng 36 triệu dân là vùng nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ lớn nhất cả nước. Chỉ tính riêng TP.HCM, hằng năm đóng góp khoảng 25% ngân sách, vì vậy làn sóng thứ tư của dịch COVID-19 ảnh hưởng kinh tế - xã hội là rất lớn.

19 tỉnh, TP đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 để phòng chống dịch COVID-19, tuy mức độ căng thẳng ở mỗi địa phương khác nhau. Phải xác định rằng so với trước, tình hình dịch bệnh đang nặng nề hơn thì biện pháp phòng chống cứng hơn là đúng.

Nhưng phải đặt trong tình huống nếu tất cả đều căng hết, như với lý do chống dịch mà tài xế vận chuyển hàng hóa thiết yếu đi lại khó khăn như thời gian qua thì càng làm áp lực lớn hơn cho công tác chống dịch. Điều đáng mừng là mấy ngày qua, việc lưu thông cũng đã được các ngành chức năng tháo gỡ, tuy rằng vẫn còn vướng, như quy định tại các địa phương chưa thống nhất với nhau...

Tất nhiên, phòng chống dịch bệnh thì phải đặt lên hàng đầu nhưng không vì đó mà mỗi nơi một quy định sẽ gây khó cho lưu thông hàng hóa. Ví dụ như tại một số vùng nguyên liệu, vùng nông thôn thì tình hình, đặc điểm dịch bệnh sẽ khác ở đô thị. Nếu các địa phương làm căng như nhau sẽ xuất hiện tình trạng nông sản không bán được, không ai vận chuyển nông sản để bán.

Hiện giờ cần một giải pháp để thúc đẩy việc này. Cụ thể, bên cạnh ưu tiên cho các mặt hàng thiết yếu thì các mặt hàng nông sản có tính thời vụ cũng cần được ưu tiên, tính toán để tiêu thụ cho nông dân, vì nếu không thì nông sản sẽ bị ùn ứ và hư hỏng hết.

Từ đó, gánh nặng nông dân cho vụ mùa sau càng lớn hơn, tình hình dịch bệnh khiến kinh tế vốn đã khó khăn, nếu không bán được nông sản sẽ tạo hiệu ứng domino làm người nông dân và doanh nghiệp càng khó khăn hơn. Bởi vì nguyên liệu không thông thì nhà máy thiếu nguyên liệu sản xuất, kéo theo kinh tế sẽ ngưng trệ, thiếu nguồn lực tài chính để góp phần chống dịch bệnh.

Có thể nói bên cạnh lây lan dịch bệnh, đang có sự lây lan về khó khăn, nghĩa là cái khó về đời sống của người dân ngày càng lan ra. Vì vậy, đứng ở góc nhìn kinh tế, theo tôi thì bên cạnh ưu tiên hàng đầu là chống dịch, kiểm soát đảm bảo cho khu vực đô thị thì cần phải tính toán giải phóng lượng hàng nông sản mùa vụ cho bà con nông dân. Vì hiện nay một số nhà máy vẫn được phép hoạt động nhưng không có nguyên liệu thì lấy gì sản xuất.

Cạnh đó, ngành chức năng nên tính toán phương án chống dịch để cho phép các chợ đầu mối ở TP.HCM hoạt động an toàn, góp phần tiêu thụ nông sản cho người nông dân, bởi chợ đầu mối chính là “trái tim” để thúc đẩy sự tuần hoàn “máu”...

Đây chính là tạo điều kiện để người nông dân, doanh nghiệp, khu vực nông nghiệp phục hồi lại. TS TRẦN HỮU HIỆP          

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm