Hàng Việt 'đọ sức' với hàng Thái Lan, Trung Quốc ở Lào

(PLO)- Người Lào yêu thích hàng Việt, đánh giá cao sản phẩm đến từ Việt Nam, đặc biệt họ rất trung thành với sản phẩm đã chọn.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 21-6, Cục Xúc tiến thương mại phối hợp với Thương vụ Việt Nam tại Lào và Thương vụ Việt Nam tại Thái Lan tổ chức Phiên tư vấn xuất khẩu sang thị trường Lào và Thái Lan.

Bà Nguyễn Thị Thu Thủy, Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Xuất khẩu-Cục xúc tiến thương mại cho biết, phiên tư vấn nhằm giải đáp các vấn đề liên quan đến xuất, nhập khẩu sản phẩm chế biến từ nông sản, thực phẩm; yêu cầu đối với chất lượng và phẩm cấp hàng hóa, cách thức vận chuyển…

Bà Lê Thị Phương Hoa, Tham tán Thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Lào cho biết, Lào là thị trường khá dễ tính và là thị trường nhập khẩu hàng tiêu dùng mạnh.

Bên cạnh đó, do quan hệ gắn bó hai nước, người Lào yêu thích hàng Việt, đánh giá cao sản phẩm đến từ Việt Nam, đặc biệt khi đã tin dùng họ rất trung thành với sản phẩm đã chọn.

Đáng chú ý, trong hợp tác ngành giao thông vận tải 2021-2025 có đường sắt Hà Nội-Viêng Chăn. Đó là các yếu tố thuận lợi cho hàng Việt sang Lào với chi phí rẻ hơn, thời gian nhanh hơn.

Ngoài ra, vị trí địa lý từ khu vực đông bắc Thái Lan đến thủ đô Viên Chăn Lào chỉ trong ngày. DN Việt có thể nghiên cứu xuất khẩu một số mặt hàng Thái Lan có nhu cầu qua con đường này.

Bên cạnh những điều kiện thuận lợi, DN cần lưu ý khi xuất khẩu sang Lào đó là hàng hóa cần có tem nhãn bằng tiếng Lào để người dân đọc được tên, công dụng, hướng dẫn sử dụng…

Hàng Việt tại Hội chợ triễn lãm thương mại dịch vụ-dịch vụ-du lịch TP.HCM tỉnh Savanakhet 2019. ẢNH: C.NGỌC

Hàng Việt tại Hội chợ triễn lãm thương mại dịch vụ-dịch vụ-du lịch TP.HCM tỉnh Savanakhet 2019. ẢNH: C.NGỌC

Về văn hóa có sự tương đồng Việt Nam, người Lào ăn gạo nếp nhiều hơn gạo tẻ, họ ưa dùng bia. Tuy nhiên, bia Lào nổi tiếng, người Việt cũng thích bia Lào nên bia Việt Nam khó cạnh tranh. Đồng thời nếu bia Việt xuất khẩu sang Lào sẽ bị thuế tiêu thụ đặc biệt rất cao.

Theo bà Hoa, điều đặc biệt khó khăn đối với hàng Việt là sự cạnh tranh với hàng Trung Quốc giá rẻ, hàng giả, hàng nhái, chi phí vận chuyển cao.

Đặc biệt là vị trí địa lý, khu vực đông bắc Thái Lan và thủ đô Viêng Chăn (Lào) gần nhau nên hàng Thái sang Lào rất thuận lợi, chi phí vận chuyển rẻ, thời gian vận chuyển nhanh hơn so với hàng Việt.

Chiến lược bán hàng, marketing của Thái Lan rất linh hoạt, có kênh phân phối chuyên nghiệp có chuỗi siêu thị Big C như tại Việt Nam.

Trong khi đó, kênh phân phối hàng Việt tại Lào chưa được quan tâm, hàng Việt chỉ đang được bán tại các cửa hàng nhỏ lẻ.

Theo bà Hoa, hiện nay tại Lào có một doanh nghiệp (DN) đầu tư chuỗi siêu thị hàng Việt nhưng họ vẫn bán hàng Thái để tồn tại, phát triển. Điều này cho thấy sự cạnh tranh về giá với hàng Thái Lan là rào cản đối với hàng Việt.

Trước đây, người Việt kinh doanh tại Lào nhiều, là kênh để bán hàng Việt nhưng trong thời gian COVID-19, người dân về Việt Nam tránh dịch. Khi dịch ổn định bà con quay lại gặp khó khăn vì chi phí nhập cảnh cao, thời gian ở lại tốn chi phí.

Mặt khác, sau hai năm ảnh hưởng dịch bệnh cộng thêm cuộc xung đột Nga-Ukraine khiến cho giá nhiên liệu tại Lào tăng cao, khan hiếm, dẫn đến giá cả tiêu dùng tăng, lạm phát tăng. Điều này càng khó khăn hơn cho bà con đưa hàng Việt thâm nhập thị trường Lào trong thời gian tới.

Doanh nghiệp Lào muốn mua hành, tỏi... Việt Nam

Theo bà Hoa, hiện tại một DN có chợ bán buôn bán lẻ lớn ở Lào liên lạc với Thương vụ mong muốn tìm một số hàng Việt như hành khô, tỏi khô, nước cốt dừa, heo hơi, dầu ăn.

Họ có chia sẻ là người Việt đang bán những sản phẩm mình có còn chúng tôi tìm những sản có nhu cầu. Do đó, DN nào có thể cung cấp liên hệ với Thương vụ Việt Nam tại Lào để được hỗ trợ.

Giải thích nhu cầu mua nước cốt dừa, bà Hoa cho biết Lào trồng nhiều dừa nhưng hầu như nhập từ Thái Lan. Họ biết Việt Nam có trồng nhiều dừa nên thích và cho rằng sản phẩm Việt Nam chất lượng hơn, sản phẩm Thái Lan mang tính công nghiệp.

Theo thống kê của Bộ Công Thương, năm tháng đầu năm 2022, kim ngạch thương mại Việt Nam-Lào đạt 708,2 triệu USD. Trong đó, xuất khẩu của Việt Nam sang Lào đạt 247,2 triệu USD, giảm 11,7% so với cùng kỳ năm trước.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm