Dự kiến đến sau năm 2009 phải giải tỏa trắng toàn bộ nhà, công trình nằm trong phạm vi mỗi bên đường sắt 15 m tính từ mép ray ngoài cùng. Tại 19 phường, năm quận ở TP.HCM, nơi có 14 km đường sắt đi qua đang có nhiều thông tin trái chiều về việc giải tỏa hay không giải tỏa hành lang đường sắt.
6.000 nhà bị giải tỏa?
Theo nguồn tin từ Công ty Quản lý đường sắt Sài Gòn, năm 2003, TP.HCM đã di dời hơn 3.000 hộ dân theo quy chuẩn đảm bảo phạm vi 5,6 m hai bên đường sắt tính từ mép ray ngoài cùng. Nay muốn lấy đủ 15 m ra mỗi bên thì có ít nhất là 6.000 hộ dân bị giải tỏa.
Ông Nguyễn Vũ Khuê - ủy viên thường trực Ban An toàn giao thông TP.HCM cho rằng các quận cần phối hợp với ngành đường sắt thống nhất tiêu chí giải tỏa nhà (hộ dân) và xác định lộ trình, kinh phí, chính sách bồi thường, tái định cư... Từ đó, trong năm 2008 và 2009, các quận, ngành đường sắt, Sở Tài nguyên và Môi trường mới rà soát, thống kê lại diện tích đất, số nhà (hoặc hộ dân), công trình nằm trong phạm vi 15 m hai bên đường sắt.
Ông Khuê cũng lưu ý, dọc hai bên đường sắt qua các phường 9, 10, 11 và 12 (quận 3), hàng rào đường sắt hiện hữu có nơi chỉ cách mép ray chưa tới hai mét, phía ngoài là đường dân sinh. Nếu đến năm 2009, ngành đường sắt đòi lấy đủ 5,6 m thì sẽ phải giải tỏa cả đường dân sinh hiện hữu và hàng ngàn nhà dân để sau khi thiết lập hàng rào mới thì cũng phải làm lại cả đường dân sinh mới cho dân đi.
Sau 2020 mới giải tỏa hành lang 15 m
Theo ông Mai Thanh Lê Vũ - Trưởng ban Thanh tra đường sắt III, từ nay đến hết năm 2008, các ngành chức năng sẽ tập trung tuyên truyền, vận động các hộ dân có nhà trong phạm vi bảo vệ đường sắt 5,6 m tính từ mép ray ngoài cùng ra mỗi bên. Sang năm 2009 sẽ bắt đầu giải tỏa những nhà, đất nằm trong phạm vi trên mà trước đây đã được bồi thường. Đến sau năm 2020 mới có thể giải tỏa, lấy đủ 15 m để lập hành lang an toàn đường sắt.
Ông Vũ cho biết tốc độ chạy tàu quy chuẩn hiện nay là 70 km/giờ nên phải xây dựng phạm vi bảo vệ đường sắt là 5,6 m. Tuy nhiên, tốc độ chạy tàu ra vào ga Hòa Hưng và trên đoạn đường khoảng hai km ngang quận 3 khoảng dưới 10 km/giờ. “Với nhiều đường ngang có gác chắn và không gác chắn nên tàu phải chạy chậm như thế thì có cần lấy đủ 5,6 m cho phạm vi bảo vệ đường sắt không?” - ông Hữu hỏi. Tại các quận Thủ Đức, Bình Thạnh, Gò Vấp, nơi tốc độ tàu chạy cao hơn, đạt 20-30 km/giờ, một số ý kiến cho rằng cũng không cần lấy đủ 5,6 m cho hành lang đường sắt.
Đường dân sinh sát bên đường sắt ở phường 5 (quận Phú Nhuận) sắp tới sẽ được xây dựng hàng rào bảo vệ đường sắt. Ảnh: L.ĐỨC |
Xây cầu vượt, hầm chui: Không khả thi
Theo kế hoạch, đến hết năm 2010, ngân sách trung ương sẽ chi khoảng 160 tỷ đồng làm đường ngang mới, cầu vượt hoặc hầm chui cho toàn bộ hệ thống đường sắt cả nước. Thống kê sơ bộ tại TP.HCM có 30 đường ngang cần phải xây cầu vượt hoặc hầm chui. Tuy nhiên, do các đường ngang này cách nhau trung bình chưa tới nửa cây số trong khi muốn xây một cầu vượt hoặc hầm chui phải có độ dài trung bình trước và sau cầu vượt từ ba đến bốn km để đủ vuốt dốc cho tàu chạy. Theo một chuyên gia tư vấn thiết kế đường sắt, một cầu vượt như vậy tốn không dưới 20 tỷ đồng, chưa kể kinh phí bồi thường giải tỏa. Như vậy, xem ra phương án cầu vượt, hầm chui cho tuyến đường sắt ở TP.HCM không khả thi.
Theo ông Vũ, 14 km đường sắt qua TP.HCM sau này sẽ thành đường sắt trên cao để chạy tàu địa phương (ví dụ đoàn tàu TP.HCM-Biên Hòa, TP.HCM-Vũng Tàu) nên vẫn cần đến hành lang an toàn đường sắt là 15 m. Trong khi đó, các chuyên gia đô thị lại đang nghiên cứu chuyển đoạn đường sắt này thành đường sắt đô thị trên cao với tốc độ chạy tàu trung bình 40 km/giờ. “Với tốc độ chạy tàu như thế thì chỉ cần hành lang an toàn đường sắt đô thị 5,6 m là đủ và an toàn” - một chuyên gia nói.
Ông Phạm Ngọc Hữu - Phó Chủ tịch UBND quận 3 nhận định do kế hoạch chưa hình thành, phạm vi giải tỏa chưa thống nhất, ý đồ chuyển đổi công năng đoạn đường sắt chưa xác định... nên việc giải tỏa nhà dân là rất khó.
Luật thay đổi, quản lý khó - Nghị định 120/CP năm 1963: Phạm vi giới hạn đường sắt và trật tự, an toàn giao thông vận tải đường sắt tính từ mép chân nền đường đắp của đường sắt ra hai bên là 5 m. - Nghị định 39/CP năm 1996: Hành lang đường sắt từ mép ray ngoài cùng ra mỗi bên là 5,6 m. - Luật Đường sắt có hiệu lực từ 1-1-2006: Hành lang đường sắt là 15 m, trong hành lang đường sắt có phạm vi bảo vệ đường sắt rộng 5,3 m, theo khổ đường ray một mét. |
LƯU ĐỨC - HOÀNG TUYÊN