Hành lang đường sắt Lobito ở châu Phi - dấu ấn của Mỹ cạnh tranh Sáng kiến Vành đai con đường của Trung Quốc

(PLO)- Hành lang đường sắt Lobito do Mỹ và châu Âu tài trợ được xem là sự cạnh tranh của phương Tây với Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường (BRI) của Trung Quốc, nhằm thu hút "các khoáng sản hiện được chuyển sang châu Á" chuyển hướng đến Mỹ và châu Âu.. 

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Vào cuối tháng 8, trên một tàu container rời cảng Lobito của Angola, một lô hàng đồng từ Cộng hòa Dân chủ Congo đã được chuyển đến Mỹ.

Đây là một cột mốc quan trọng đối với hành lang Lobito – sáng kiến ​​được Mỹ và châu Âu hậu thuẫn nhằm mục đích tạo ra một tuyến vận chuyển hiệu quả từ vùng nội địa giàu khoáng sản của châu Phi đến cảng ở bờ biển phía tây của châu lục này. Hành lang này được tạo ra bằng cách trẻ hóa và mở rộng các tuyến đường sắt cũ.

Hành lang đường sắt giúp nhiều nước châu Phi tiếp cận thị trường toàn cầu
Một tàu hỏa trên tuyến đường sắt Lobito tại Angola vào tháng 8. Ảnh: CNN

Để vận chuyển đồng từ TP Kolwezi (Cộng hòa Dân chủ Congo) – nơi có trữ lượng đồng và coban lớn nhất thế giới – đến cảng Lobito bằng đường sắt, các nhà vận chuyển mất 6 ngày, qua hơn 1.300 km.

Theo ông Francisco Franca – tổng giám đốc điều hành của tập đoàn đường sắt Lobito Atlantic (LAR), thời gian trên nhanh hơn khoảng 30 ngày so với hành trình trên đường bộ. Ông Franca cho biết LAR đang đầu tư 250 triệu USD để cải thiện các tuyến đường sắt và cơ sở hạ tầng viễn thông ở Angola, đồng thời bổ sung thêm 1.500 toa xe vào đội tàu của họ.

Tài trợ từ Mỹ

Trong những thập niên gần đây, Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường (BRI) của Trung Quốc (TQ) đã tài trợ cho hoạt động xây dựng đường sắt, đường cao tốc, cơ sở hạ tầng thông tin liên lạc, cảng và mỏ tại nhiều nước đang phát triển. Sáng kiến BRI cũng hỗ trợ tân trang đường sắt Benguela 100 năm tuổi ở Angola.

TQ cũng đã đầu tư rất nhiều vào Cộng hòa Dân chủ Congo. Đổi lại, theo các nhà phân tích, việc tiếp cận các nguồn khoáng sản ở châu Phi đã giúp TQ dẫn đầu trong các ngành công nghiệp công nghệ cao như sản xuất pin xe điện.

Mỹ cũng nỗ lực tìm cách hợp tác với các nước châu Phi. Năm 2022, Mỹ và các đồng minh G7 chính thức ra mắt Đối tác về Cơ sở hạ tầng và Đầu tư Toàn cầu (PGII), với mục tiêu huy động 600 tỉ USD tiền tài trợ cho cơ sở hạ tầng toàn cầu đến năm 2027.

Mỹ cũng đang cung cấp hàng trăm triệu USD tài trợ cho hành lang đường sắt Lobito – một dự án chủ lực của PGII, được xây dựng trên nền tảng sẵn có của đường sắt Benguela.

"Dự án này là khoản đầu tư đường sắt lớn nhất từ ​​trước đến nay của Mỹ vào châu Phi. Quan hệ đối tác giữa Angola và Mỹ quan trọng và có tác động hơn bao giờ hết" – Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu trong chuyến thăm của tổng thống Angola đến Mỹ vào cuối năm 2023.

Theo ông David Reekmans – giám đốc điều hành của AGL Lobito Terminal (đơn vị đã tiếp quản hoạt động của cảng Lobito từ tháng 3), ngày nay, hầu hết khoáng sản rời khỏi cảng Lobito đều được chuyển đến châu Á. AGL đang đầu tư hơn 100 triệu USD để nâng cấp cảng.

Ông Reekmans hy vọng hoạt động này sẽ dẫn đến việc tăng khối lượng hàng hóa đi qua cảng Lobito, từ đó giúp cảng này đóng vai trò là kênh quan trọng cho các luồng thương mại mới. Ông Reekmans cũng kỳ vọng trong tương lai, "các khoáng sản hiện được chuyển sang châu Á" sẽ được chuyển đến Mỹ và châu Âu.

Giai đoạn 2 của dự án hành lang Lobito cũng đang được tiến hành. Trong giai đoạn 2, các nhà đầu tư dự kiến mở rộng tuyến đường sắt thêm 800 km đến Zambia.

visa8040.webp
Tàu chở lô hàng đồng của tập đoàn đường sắt Lobito Atlantic (LAR) đậu tại cảng Lobito. Ảnh: LAR

Phía Mỹ cũng hy vọng một ngày nào đó sẽ mở rộng tuyến đường sắt này qua Tanzania để kết nối đến Ấn Độ Dương, từ đó kết nối phía đông và phía tây châu Phi. Tuy nhiên, CNN dự đoán, kế hoạch này có thể thay đổi khi ông Donald Trump bắt đầu nhậm chức vào đầu năm 2025.

"Phát triển kinh tế dọc theo hành lang"

Theo CNN, khoảng 30% trong số 37 triệu người dân Angola sống dưới mức nghèo và tình trạng thất nghiệp ở thanh niên hiện rất phổ biến. Bên kia biên giới, tại Zambia và Cộng hòa Dân chủ Congo, tỉ lệ dân số sống trong cảnh nghèo là gần 60%.

Nhiều nhà phân tích cho rằng việc hành lang Lobito tập trung vào khai thác và xuất khẩu nguyên liệu thô sẽ không mang lại nhiều lợi ích cho các quốc gia dọc theo hành lang. Họ lập luận rằng các nước cần tập trung nhiều hơn vào việc phát triển chế biến giá trị gia tăng cho các khoáng sản ngay tại những nơi hành lang đi qua.

Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, những người ủng hộ dự án cho rằng hành lang Lobito sẽ tạo ra hàng ngàn việc làm và thúc đẩy sự phát triển của nhiều lĩnh vực.

"Hành lang Lobito không chỉ là tuyến đường sắt mà còn là sự phát triển kinh tế dọc theo hành lang" – ông Franca nói.

Trả lời CNN, ông Wamkele Mene – tổng thư ký Khu vực Thương mại Tự do lục địa châu Phi cho rằng sáng kiến này sẽ “cực kỳ quan trọng” đối với nền kinh tế của Cộng hòa Dân chủ Congo và Zambia.

"Nó cho phép các nước này tiếp cận một cảng biển được điều hành hiệu quả. Nó giúp họ tiếp cận các thị trường toàn cầu và cả các thị trường khu vực" – ông nói.

gettyimages-1265765804.webp
Một mỏ đồng và coban ở Cộng hòa Dân chủ Congo. Ảnh: AFP

Trên thực tế, hành lang này đã bắt đầu có tác động đối với những nơi nó đi qua.

Ông Décio Catarro – tổng giám đốc một công ty sản xuất thực phẩm ở Angola – cho biết đường sá và cơ sở hạ tầng viễn thông kém phát triển khiến công ty sản xuất thực phẩm của ông gặp khó khăn, gặp tốn kém trong việc vận chuyển ngũ cốc từ các trang trại đến các nhà máy và vận chuyển sản phẩm từ các nhà máy đến những nơi tiêu thụ.

Đối với các công ty như công ty của ông Catarro, những lợi ích của hành lang Lobito là rất rõ ràng.

“Điều này rất quan trọng về mặt hiệu quả, chi phí. Nếu chúng ta không lắp đặt cơ sở hạ tầng hậu cần này thì [chúng ta] không thể phát triển trong tương lai” – ông nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm