Hành trình khó thể ngờ của “vua rùa” Lê Xuân Ái

(PLO)- Ông Lê Xuân Ái - nguyên Giám đốc Vườn quốc gia Côn Đảo vừa qua đời nhưng những đóng góp to lớn của ông cho loài rùa biển sẽ còn mãi…
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ông Lê Xuân Ái (sinh năm 1963, quê huyện Núi Thành, Quảng Nam), nguyên Giám đốc Vườn quốc gia Côn Đảo, được biết đến với tên gọi “vua rùa”, “người cứu hộ rùa biển số một thế giới”… Ông ra đi để lại niềm tiếc thương vô hạn cho người thân, người yêu mến động vật, đặc biệt là loài rùa biển.

“Người cứu hộ rùa biển số một thế giới” Lê Xuân Ái lúc sinh thời. Ảnh: TB

“Người cứu hộ rùa biển số một thế giới” Lê Xuân Ái lúc sinh thời. Ảnh: TB

Cứu rùa biển bên bờ tuyệt chủng

Năm 1985, ông Ái tốt nghiệp Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM. Chàng trai trẻ vừa rời giảng đường đại học chân ướt chân ráo đến Côn Đảo (tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu). Trong ký ức, ông dự định đến đây vài ba năm rồi về TP. Nhưng ông đã ở đây 1/3 đời người để thay đổi số phận loài rùa biển.

Những năm 1990, rùa ở Côn Đảo nhiều vô kể, người dân mang dao xẻ thịt, tìm trứng rùa để làm món ăn thường nhật. Từ sáng sớm đến tối muộn, ngư dân quần thảo khắp vùng biển ven bờ săn tìm rùa. Chứng kiến cảnh tượng ấy, ông Ái xót xa, nuôi quyết tâm bảo tồn loài động vật chậm chạp này.

Bước đầu tiên trên hành trình bảo vệ rùa biển, ông Ái đề xuất chính quyền huyện Côn Đảo ban hành lệnh cấm khai thác rùa. Năm 1995, đề xuất của ông được chấp nhận. Ngay tức khắc, ông Ái soạn thảo kế hoạch bảo tồn, gom nhặt rùa để nuôi trong bể. Nghiệt ngã, cách làm này không mang lại kết quả như kỳ vọng của ông.

Từ nơi rùa biển được bày lên bàn ăn, 21 năm cống hiến của “vua rùa” Lê Xuân Ái đã làm thay đổi mọi thứ.

Không chấp nhận thất bại, ông Ái tiếp tục đề xuất Quỹ quốc tế bảo vệ thiên nhiên (WWF) tài trợ dự án nhỏ về bảo tồn rùa biển. Năm 1996, WWF tài trợ ông Ái và đoàn cán bộ Vườn quốc gia Côn Đảo sang Philippines học cách bảo tồn rùa, san hô - đây là bước ngoặt cho hành trình cứu rùa biển thoát khỏi nguy cơ tuyệt chủng ở Côn Đảo.

Từ nơi rùa biển được bày lên bàn ăn, 21 năm cống hiến của “vua rùa” Lê Xuân Ái đã làm thay đổi mọi thứ. Côn Đảo trở thành thiên đường sinh sôi của loài rùa biển dù từng một thời đứng trước nguy cơ tuyệt chủng. Giờ đây Côn Đảo là địa chỉ tin cậy để các tỉnh, thành trên cả nước đến học tập kinh nghiệm bảo tồn loài rùa.

Người tiên phong bảo tồn rùa biển cho Côn Đảo

Gần 20 năm trước, anh Ái là người đầu tiên xắn tay áo vào chương trình bảo tồn rùa tại Côn Đảo.

Vườn quốc gia Côn Đảo được hình thành từ sự dẫn dắt của anh Ái và đến bây giờ vẫn giữ được giá trị nguyên vẹn. Đặc biệt là quần thể rùa.

Ông VĂN NGỌC THỊNH, Giám đốc Tổ chức quốc tế về bảo tồn thiên nhiên Việt Nam

Lần thứ hai gắn với
loài rùa

Năm 2016, ông Ái bàn giao công việc ở Côn Đảo, về hưu. Ông Ái trở về mảnh đất Quảng Nam “chưa mưa đã thấm”. Ở đây, tình yêu của ông dành cho biển vẫn còn nguyên vẹn. Ông mày mò nghiên cứu về Cù Lao Chàm để rồi trở lại với công việc bảo tồn biển, hồi sinh loài rùa.

Ông Nguyễn Văn Vũ - Phó Giám đốc Ban quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm, ông Nguyễn Sự (lúc đó là bí thư Thành ủy Hội An, Quảng Nam) đề nghị ký hợp đồng với ông Ái về làm cố vấn cho BQL trong vai trò một chuyên gia. Dù vỏn vẹn bốn năm làm việc nhưng ông Ái đã để lại những dấu ấn đậm nét.

“Nổi trội nhất có thể kể đến là chuyện bảo tồn rùa. Sẵn có máu yêu sinh vật biển trong người, anh Ái tìm hiểu rùa biển ở Cù Lao Chàm. Tỉnh Quảng Nam và TP Hội An có kế hoạch bảo tồn rùa, đề tài này tôi và anh Ái được giao nghiên cứu. Từ đó, hai anh em đã đưa trứng rùa từ Côn Đảo về Cù Lao Chàm” - ông Vũ nói.

Ông Vũ được giao nhiệm vụ chủ nhiệm đề tài, ông Ái đứng phía sau tư vấn, hỗ trợ mọi thứ. Chuyện mang trứng rùa vượt ngàn cây số từ Côn Đảo về Cù Lao Chàm đã tạo ra dấu ấn rất lớn cả ở Việt Nam và trên thế giới. “Trước đây, chuyện chuyển trứng rùa đi xa không ai làm vì không nghĩ sẽ thành công. Hai anh em đã bắt tay vào làm, kết quả ban đầu khá khả quan” - ông Vũ nói tiếp.

Cũng trong bốn năm làm việc, ông Ái đã đóng góp, làm thay đổi nhận thức của người dân về loài rùa biển. Ông cũng là người đã nhìn ra mối liên hệ giữa rừng và biển, tư vấn cách quản lý hiệu quả. Bây giờ rừng đặc dụng Cù Lao Chàm có vai trò vô cùng quan trọng.

Bốn năm làm việc ở Cù Lao Chàm, ông Ái gắn bó với sáu lứa trứng rùa được mang về từ Côn Đảo. Hơn 1.800 con rùa thả xuống biển Cù Lao Chàm được nở ra từ 1.900 quả trứng là kết quả trước đây chưa ai làm được.

Phó giám đốc BQL Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm chia sẻ: Trước khi mất, ông Ái từng có ý định hồi sinh vùng biển xã Tam Tiến và Tam Hải (huyện Núi Thành). Ông ra đi, ước nguyện còn dang dở. Những “học trò” của ông ở BQL Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm sẽ là người viết tiếp…•

Rất tiếc một người hiếm hoi hiểu biết và tâm huyết về biển

Ông Nguyễn Sự - nguyên Bí thư Thành ủy Hội An kể: “Năm 2014, anh Ái về Hội An làm việc với tư cách là một chuyên gia. Suốt một thời gian dài làm việc, anh ấy đã giải quyết được nhiều thứ cho Cù Lao Chàm. Thứ nhất là đạt được vấn đề nghiên cứu, phát hiện ra những loài san hô mới, những loài cá mới, cách bảo tồn ra sao, giữ gìn như thế nào... Tất cả đã trở thành kinh nghiệm rất lớn cho anh em…

Và điều lớn hơn nữa, vì anh Ái là giám đốc Vườn quốc gia Côn Đảo - trung tâm của rùa biển, anh Ái kết nối Hội An với Vườn quốc gia Côn Đảo, di chuyển trứng rùa từ Côn Đảo về đây và ấp nở, mấy đợt như vậy”.

Ông Sự đánh giá ông Ái có tầm hiểu biết về bảo tồn biển rất sâu. Ông cũng là người rất có trách nhiệm, rất yêu nghề, yêu công việc bảo tồn biển. Nhìn thấy cái gì dưới biển, ông Ái cũng phát hiện ra giá trị riêng của nó, tạo nên sự đa dạng sinh học cho biển.

“Bây giờ anh Ái mất, tôi không chỉ thương mà còn rất tiếc một người hiếm hoi hiểu biết về biển và các loài động thực vật dưới biển. Tiếc tâm huyết của anh ấy dành cho bảo tồn biển và cả bảo tồn rừng ở Cù Lao Chàm, hiểu được mối liên quan giữa bảo tồn biển và rừng” - ông Sự nói tiếp.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm