Hành trình vượt khó và bứt phá của metro số 1

Dù tiến độ tàu metro số 1 về Việt Nam bị trễ so với kế hoạch bởi ảnh hưởng của dịch COVID-19 nhưng đến nay đoàn tàu ba toa đầu tiên của tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) cũng chính thức cập cảng Khánh Hội (quận 4, TP.HCM).

Đây là bước ngoặt rất quan trọng đối với dự án metro số 1 và có ý nghĩa sâu sắc đối với ngành giao thông cũng như người dân TP.HCM.

Tỉ mỉ bốc xếp tàu metro 1

Chỉ nhìn tàu biển Bayani xếp tàu metro 1 gọn gàng trong khoang và bốc xếp tỉ mỉ ra ngoài cảng Khánh Hội đủ thấy mọi quy trình về dự án metro số 1 đều rất kỹ càng, cẩn thận.

Các kỹ sư bốc dỡ tàu metro 1 chia sẻ: Để đoàn tàu tiếp giáp xe an toàn thì cần đến sự tỉ mỉ của cả một đội ngũ, từ khâu vận chuyển, bó cáp đến đưa tàu xuống rơmoóc của xe siêu trường, siêu trọng. Tất cả nhân sự của khâu vận chuyển và bốc xếp, kể cả thuyền viên, chuyên gia có đến khoảng 100 người.

Ông Nguyễn Quốc Hưng, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Cảng Sài Gòn, thông tin: Đây không phải lần đầu cảng đón các thiết bị lớn như vậy, song đây là một món hàng đặc biệt, một công trình lớn của TP nên mọi công đoạn phải chuẩn bị cẩn thận. Để tránh xảy ra trầy xước trong quá trình xếp dỡ, đã có sáu chuyên gia thuộc tổng thầu Hitachi (Nhật Bản) theo sát công tác này.

Ông Huỳnh Hồng Thanh, Phó Ban quản lý đường sắt đô thị TP, cho biết: Công tác vận chuyển tàu metro 1 do nhà thầu chính Hitachi thực hiện vận chuyển. Đoàn tàu đầu tiên được đưa về TP đúng như thời gian dự kiến dù quá trình vận chuyển cũng gặp khó khăn như bị ảnh hưởng bởi áp thấp nhiệt đới.

“Tất cả khó khăn đã vượt qua, kể cả dịch COVID-19, tàu metro 1 đã về tới Việt Nam, đó là sự nỗ lực rất lớn của MAUR, nhà thầu và chỉ đạo của UBND TP” - ông Thanh chia sẻ.

Quá trình bốc dỡ tàu metro 1 xuống cảng Khánh Hội được các kỹ sư tiến hành tỉ mỉ, cẩn thận. Ảnh: NGUYỆT NHI

Sơ đồ lộ trình vận chuyển tàu metro 1 từ cảng Khánh Hội về depot Long Bình. Đồ họa: VÕ NGUYÊN

Hành trình đưa tàu metro về depot

Ông Đoàn Văn Tuyến, Giám đốc dự án phụ trách gói thầu vận chuyển, thuộc Công ty CP Gemadept, cho biết: Đơn vị vận chuyển đã chuẩn bị thiết bị gần một tháng nay, tất cả đã sẵn sàng để đưa tàu metro 1 về depot Long Bình (quận 9) một cách cẩn trọng nhất. Trong đó, lộ trình di chuyển về depot đã được Bộ GTVT và Tổng cục Đường bộ thông qua.

Ngoài ra, đơn vị vận chuyển và Sở GTVT đã phối hợp lựa chọn lộ trình nhanh và an toàn nhất vì nhiều vị trí không được đảm bảo trong quá trình di chuyển.

MAUR cho biết hiện công tác vận chuyển tàu từ cảng Khánh Hội về depot Long Bình đã được đơn vị và nhà thầu vận chuyển báo cáo với UBND TP. Hiện UBND TP đã chỉ đạo MAUR phối hợp với Công an TP, UBND các quận để tiến hành phân luồng, đảm bảo quá trình vận chuyển tàu về depot được an toàn nhất.

Ông Hoàng Mai Tùng, điều phối viên Ban quản lý đường sắt đô thị TP.HCM (MAUR), thông tin: Sau khi tàu về đến depot Long Bình, các chuyên gia và kỹ sư sẽ tiến hành nâng hạ đoàn tàu để đưa vào đường ray đoàn tàu và lắp ráp. Đây sẽ là khu vực chạy thử của đoàn tàu trong khu vực depot trong thời gian tới.

Dự kiến việc vận chuyển tàu metro 1 bằng xe siêu trọng, siêu trường từ cảng Khánh Hội về depot Long Bình sẽ diễn ra khoảng 11 giờ đêm nay (9-10).

Lộ trình di chuyển như sau: Đường Nguyễn Tất Thành - Tôn Đức Thắng - Nguyễn Hữu Cảnh - Nguyễn Cơ Thạch - Mai Chí Thọ - xa lộ Hà Nội - quốc lộ 1 - đường số 400 - Hoàng Hữu Nam - đường số 11 - depot Long Bình. Tổng chiều dài lộ trình di chuyển của xe chở tàu metro 1 là 26 km và dự kiến tới depot Long Bình khoảng 3 giờ sáng 10-10. 

Cuối năm 2020 sẽ vận hành thử tàu metro 1

Ông Hoàng Mai Tùng cho biết: Để chuẩn bị cho quá trình chạy thử tàu, hiện nay MAUR đang phối hợp với Công ty TNHH MTV Đường sắt đô thị số 1, đơn vị tư vấn chung NJP và Trường CĐ Đường sắt tiến hành đào tạo kỹ thuật viên lái tàu. Lực lượng này sẽ là nhân sự vận hành và chạy thử tàu trong thời gian tới.

Theo ông Tùng, công tác vận hành thử tàu metro sẽ do nhà thầu chính Hitachi thực hiện, nhân sự của MAUR cũng tham gia. Dự kiến từ nay đến cuối năm 2020 sẽ vận hành thử đoàn tàu trong khu vực depot Long Bình.

Trong thời gian này, MAUR sẽ tiến hành kiểm tra 11 hệ thống hỗ trợ trong việc vận hành chạy tàu như hệ thống thông tin tín hiệu, các thiết bị ven đường, hệ thống cúp điện, bảo vệ đoàn tàu, hệ thống điều khiển tàu từ xa…

Sau khi vận hành chạy thử tàu, MAUR cùng nhà thầu Hitachi sẽ xem xét kết quả thử nghiệm, nghiệm thu, đánh giá. Khi có kết quả đánh giá, các đơn vị sẽ tiến hành chạy thử tàu trên chính tuyến rồi tới đường hầm và tiến tới vận hành chính trong năm 2021.

PGS-TS Phạm Xuân Mai, nguyên Trưởng Khoa kỹ thuật giao thông Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, cho rằng: Để tuyến metro số 1 vận hành hiệu quả thì việc trước mắt chúng ta cần là xây dựng mạng lưới xe buýt kết nối với tuyến này. Làm sao để trong vòng bán kính 5 km trở lại, người dân quanh metro có thể tiếp cận với loại hình giao thông này. Khi làm tốt những vấn đề trên, metro số 1 sẽ là tuyến giao thông kết nối TP Thủ Đức trong tương lai với trung tâm TP.

“Ngay từ bây giờ, TP cần xây dựng giá vé metro sao cho hợp lý, tiện lợi và người dân có thể sử dụng vé xe buýt liên thông với vé tàu metro, đồng thời việc quản lý hệ thống metro và xe buýt cũng cần có sự đồng bộ, tạo sự kết nối giữa các phương tiện giao thông và sự thuận tiện của người dân” - TS Mai chia sẻ.

Năm 2020, tuyến metro số 1 có nhiều cột mốc đáng nhớ

Ngày 17-2, metro số 1 được thông toàn tuyến. Đó là ngày bức tường ngăn gói thầu CP1a và CP1b chính thức được phá dỡ. Theo đó, ba ga ngầm gồm Bến Thành, Nhà hát TP và Ba Son được kết nối thông suốt với hơn 17 km đoạn trên cao và depot.

Ngày 15-7, MAUR chính thức khai giảng lớp đào tạo kỹ thuật viên lái tàu metro 1. Đây là thời điểm chuyển sang một giai đoạn quan trọng trong việc chuẩn bị vận hành, khai thác tuyến metro số 1. Lớp kỹ thuật viên lái tàu này là những người tiên phong, nguồn nhân lực cốt lõi trong vận hành tuyến metro số 1 nói riêng và hệ thống metro TP nói chung.

Ngày 8-10, đoàn tàu metro đầu tiên của tuyến metro số 1 chính thức về Việt Nam.

Sắp tới sẽ là hàng loạt sự kiện như đưa đoàn tàu từ cảng Khánh Hội về depot Long Bình, lắp ráp tàu vào depot, vận hành thử nghiệm tàu... 

Lý do không nhập khẩu đoàn tàu metro cùng một lần

Ông Hoàng Mai Tùng, điều phối viên Ban quản lý đường sắt đô thị TP.HCM, cho biết: Việc nhập tàu phụ thuộc vào tiến độ thi công của dự án và tiến độ kiểm tra, sản xuất tại nhà máy phía Nhật Bản.

Theo hợp đồng, việc quan trọng nhất là phải sản xuất mẫu và kiểm tra đoàn tàu đầu tiên ở Nhật Bản. Sau tất cả thử nghiệm về mặt kỹ thuật và tiêu chuẩn đoàn tàu thì tới công đoạn tiến hành nghiệm thu tàu tại nhà máy (bên Nhật Bản). Tất cả bước kiểm tra được hoàn thành mới tiến hành vận chuyển đoàn tàu đầu tiên về TP.HCM.

Đoàn tàu đầu tiên về TP.HCM được kiểm tra và phê duyệt mới tiếp tục vận chuyển các đoàn tàu khác về TP.

“Theo đơn vị sản xuất, hiện nay, các đoàn tàu đã được sản xuất và nghiệm thu xong nhưng nhà thầu chính phải tiến hành thử nghiệm nội bộ trước khi đưa về Việt Nam” - ông Tùng cho hay.

Quá trình nghiệm thu tàu sẽ song song với tiến độ của dự án và khi tàu về Việt Nam sẽ tiếp tục kiểm tra thực tế tại hiện trường.

Đối với việc nhập khẩu các đoàn tàu tiếp theo vẫn phụ thuộc vào lịch nhập khẩu của nhà thầu chính Hitachi. Tuy nhiên, theo dự kiến, đầu năm 2021 sẽ nhập về rất nhiều đoàn tàu để phục vụ chạy thử tàu trên toàn tuyến.

“Trong bối cảnh dịch COVID-19 như hiện nay thì không có gì nói trước được, bởi đáng lý đoàn tàu metro về từ đầu năm 2020, song đến nay mới có thể về tới TP” - ông Tùng đánh giá.

Do đó, MAUR đang nỗ lực tối đa để bắt kịp tiến độ đã mất. Cụ thể, hằng ngày có hơn 2.600 công nhân thi công cả ngày lẫn đêm, cao điểm có hơn 3.000 công nhân. Tất cả đều nỗ lực để kiểm soát toàn bộ tiến độ dự án, phục vụ vận hành tuyến metro số 1 vào cuối năm 2021.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm