Hậu COVID-19: 3 vấn đề cần lưu ý

Theo các nghiên cứu, các dấu hiệu của hội chứng hậu COVID-19 rất đa dạng, phổ biến nhất là mệt mỏi, tức ngực, khó thở, ho…

Y bác sĩ BV Phục hồi chức năng quận 8, TP.HCM hỗ trợ bệnh nhân vận động nhằm giảm các bệnh hậu COVID-19. Ảnh: NGUYỆT NHI

Sau mắc COVID-19 thường xuyên hay quên là bị làm sao?

Ông Trịnh Đức Huy (quận Đống Đa, Hà Nội) cho biết mình nhiễm virus SARS-CoV-2 và đã khỏi cách đây một tháng, các triệu chứng lâm sàng mắc phải gần như hết hoàn toàn nhưng ông thường xuyên hay quên, khó tập trung, cảm giác tốc độ tư duy bị kém đi. “Nhiều người nói tôi bị “sương mù não” sau mắc COVID-19, vậy tôi phải làm gì để khắc phục tình trạng này?” - ông thắc mắc.

Về vấn đề này, Thượng tá - BS Nguyễn Huy Hoàng, Trung tâm ôxy cao áp - Trung tâm nhiệt đới Việt Nga, Bộ Quốc phòng, trả lời: “Sương mù não” là thuật ngữ chỉ các triệu chứng liên quan đến tình trạng thiếu máu não và rối loạn hệ thần kinh thực vật, ảnh hưởng đến suy nghĩ và trí nhớ. Người mắc có thể cảm thấy thiếu minh mẫn, khó tập trung, mất nhiều thời gian hơn khi nhớ tên một ai đó hoặc thường bất chợt quên việc mình định làm.

“Đây vẫn là một hiện tượng bí ẩn đối với giới y khoa vì các triệu chứng rất đa dạng. Tình trạng “sương mù não” hậu COVID-19 thường gặp trên các bệnh nhân tuổi trung niên có bệnh lý nền là đái tháo đường, tăng huyết áp… Người trẻ ít gặp tình trạng này hơn” - BS Hoàng nói.

Theo BS Hoàng, ngoài các biểu hiện hay gặp như giảm tập trung, giảm độ minh mẫn khi làm việc, suy giảm trí nhớ... thì bệnh liên quan đến nhiều triệu chứng toàn thân chứ không riêng một bộ phận cơ thể nào. Ví dụ tim đập nhanh, hồi hộp, phổi đôi lúc khó thở, co thắt… Một số triệu chứng của “sương mù não” như nặng đầu, váng đầu, chóng mặt, mất ngủ, rối loạn tâm lý, rối loạn cảm giác, rối loạn vận động…

Nguyên nhân của “sương mù não” có thể liên quan đến việc các tổ chức, tế bào thần kinh bị virus xâm nhập và tình trạng viêm lan tỏa (bao gồm cả hệ thống thần kinh) do hậu quả của COVID-19.

“Sương mù não” cũng được cho là do người bệnh bị lo lắng, căng thẳng dẫn đến ăn ngủ kém, suy nghĩ nhiều, ảnh hưởng đến tâm trạng, hành vi.

Ngoài ra, khi nhiễm bệnh, các mạch máu, nhất là các mạch máu nhỏ, bị tổn thương hậu COVID-19, khiến khả năng lưu thông máu lên não kém đi, từ đó dẫn đến tình trạng rối loạn thần kinh thực vật, thiểu năng tuần hoàn não, làm nặng nề hơn tình trạng “sương mù não”.

Ở những bệnh nhân nặng, tình trạng thiếu hụt ôxy sẽ gây ảnh hưởng đến các mô não, để lại di chứng “sương mù não”. Bên cạnh đó, nguyên nhân khác có thể do tác dụng phụ của các loại thuốc an thần, thuốc trong điều trị hồi sức cấp cứu cho bệnh nhân nặng.

Trường hợp gặp tình trạng “sương mù não” kéo dài với nhiều dấu hiệu phức tạp cần đi khám sớm để loại trừ bệnh lý khác và điều trị các vấn đề về thần kinh.

Khi nào cần đi khám hậu COVID-19?

Một vấn đề khiến nhiều người thắc mắc là việc đi khám hậu COVID-19 có cần thiết hay không. Chị Hà Anh (TP Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa) băn khoăn: “Nhà tôi có bốn thành viên, ba người còn lại nhiễm virus SARS-CoV-2 đều có dấu hiệu nhưng riêng tôi test nhanh tại nhà cho hai vạch nhưng không có dấu hiệu, tôi cũng không uống thuốc, chỉ theo dõi sức khỏe, năm ngày sau test lại thì đã âm tính. Trường hợp mắc COVID-19 nhưng không có triệu chứng như tôi liệu sau này có gặp di chứng hậu COVID-19 và cần đi khám sức khỏe không?”.

ThS-BS CK2 Lê Xuân Trung, Trưởng Khoa hồi sức tích cực - sơ sinh BV Nhi Thanh Hóa, trả lời: “Theo báo cáo của WHO thì tỉ lệ di chứng gặp phải của bệnh là khoảng 20%-60% (tùy nghiên cứu, chưa đồng bộ). Nhưng chủ yếu là các di chứng nhẹ như rối loạn giấc ngủ, hồi hộp đánh trống ngực, ho khan, tức ngực... Biến chứng nặng nhất hay được nhắc tới là MIS (hội chứng suy giảm đa cơ quan) gặp với tỉ lệ rất thấp.

Vậy sau COVID-19 người bệnh cần kiểm tra gì?

Trường hợp không có dấu hiệu gì bất thường: Có thể cân nhắc đi kiểm tra sức khỏe thông thường như một kiểm tra định kỳ. Thời gian tùy sắp xếp nhưng không muộn hơn sáu tháng từ khi phơi nhiễm (kiểm tra sức khỏe định kỳ không phải là khám bắt buộc).

Trường hợp có dấu hiệu bất thường: Sau nhiễm bệnh thấy có những dấu hiệu bất thường như ho khan/tức ngực kéo dài vài tuần, đau đầu liên tục kéo dài, đau bụng/ngực.

Đặc biệt, khi có các dấu hiệu sau cần đi khám ngay lập tức: Nôn/ho ra máu, đi ngoài phân đen; sốt cao liên tục (sốt cao liên tục sau mắc bệnh trên năm ngày cũng cần phải đi khám).

Với trẻ em, cần phải đưa trẻ đi khám ngay khi có các triệu chứng: Trẻ sốt cao liên tục >38,5 độ C, kèm theo các dấu hiệu như rối loạn tiêu hóa (nôn, tiêu chảy, đau bụng), phát ban trên da, mắt đỏ, môi đỏ khô nứt, họng đỏ.

Trẻ có các dấu hiệu bệnh nặng như thay đổi ý thức (vật vã, kích thích, ngủ gà, li bì), mạch nhanh, tay chân lạnh, khó thở, mệt mỏi.

Kể cả với di chứng nặng như hội chứng MIS nếu được phát hiện sớm, kịp thời vẫn điều trị và cứu chữa được.

Hậu COVID-19 cũng như các bệnh khác, gặp phổ biến nhưng không phải là không điều trị được và hầu hết thể nhẹ tự khỏi được với các phương pháp luyện tập thông thường như vận động thể thao, tập thở, ăn, ngủ đủ và lành mạnh, đúng giờ (tập thiền cũng là một gợi ý), lắng nghe cơ thể, nếu thấy có bất ổn thì đi khám kiểm tra, tìm hiểu bệnh tật trên các kênh/trang thông tin chính thống, tin cậy.•

Sốt kéo dài khi mắc COVID-19 phải làm sao?

Vấn đề nhiều người quan tâm là tại sao sốt kéo dài tới ngày thứ sáu, thứ bảy, thậm chí tới ngày thứ 10, cứ hết thuốc hạ sốt là sốt trở lại. Cần xử lý tình huống này thế nào. Chúng ta biết rằng ở đây, sốt có thể do virus hoặc vi khuẩn. Có ba trường hợp xảy ra:

1. Sốt do virus SARS-CoV-2:

Cần làm test PCR hoặc test nhanh, trường hợp chỉ số CT thấp hoặc vạch test (T) đậm, có nghĩa là virus vẫn còn nhiều, có thể phải tiếp tục dùng thuốc kháng virus.

2. Sốt do nhiễm vi khuẩn:

Những người bình thường dễ viêm họng, viêm amidan, viêm phế quản… thì khi mắc COVID-19 cũng dễ nhiễm vi khuẩn. Tuy nhiên, việc xác định nhiễm khuẩn hay chưa cũng không dễ dàng.

Nếu bệnh nhân vẫn sốt kéo dài không dứt, test nhanh vạch T mờ, không bị đau nhức cơ khớp thì nhiều khả năng là sốt do vi khuẩn. Lúc này cần tham khảo ý kiến bác sĩ để sử dụng kháng sinh.

3. Sốt do nhiễm virus khác

Test nhanh vạch T mờ hoặc không lên, xét nghiệm không thấy nhiễm khuẩn. Trường hợp này là do nhiễm virus khác, không phải virus SARS-CoV-2. Đây là tình huống khá bình thường, không hiếm gặp. Bệnh nhân thường có chảy nước mũi, đau cơ khớp, ớn lạnh...

Lúc này bệnh nhân sốt như cảm cúm thông thường và đành phải điều trị triệu chứng, đợi khi hết sốt. Có thể dùng Tamiflu hoặc Arbidol trong các trường hợp này, tuy nhiên hiệu quả không thực sự chắc chắn.

Thượng tá - BS NGUYỄN HUY HOÀNG, Trung tâm ôxy cao áp - Trung tâm nhiệt đới Việt Nga, Bộ Quốc phòng

 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm