Gia tăng đột ngột sợ hãi dễ dẫn đến di chứng hậu COVID-19

Mới đây, bé PNQ (nữ, 10 tuổi, ở Bình Dương) được đưa vào một bệnh viện (BV) ở TP.HCM trong tình trạng khó thở, sốt cao, ho, nôn, chảy nước mũi, mắt phù nề, viêm kết mạc, đừ người, ăn uống ít…

Trẻ lẫn người lớn có thể bị thần kinh hậu COVID-19

Người nhà cho biết bé Q mắc COVID-19 hồi tháng 12-2021. Ngay khi xác nhận được thông tin này, các bác sĩ (BS) nhanh chóng thực hiện một số xét nghiệm hậu COVID-19, kể cả chỉ số viêm và đông máu. Kết quả ghi nhận các chỉ số hậu COVID-19 của bé Q như D-Dimer, Ferritin, Pro-calcitonin… cao gấp 10 lần so với bình thường.

Căn cứ kết quả trên, các BS chẩn đoán bé Q bị hội chứng viêm đa hệ thống (MIS-C) sau khi mắc COVID-19. Hội chứng này gây tổn thương toàn bộ hệ thống gan, thận, phổi, não, huyết học…

Tương tự, ông TMH (48 tuổi, ở TP.HCM) cũng được người nhà đưa vào khám tại khoa nội thần kinh của một BV đa khoa ở TP.HCM trong tình trạng đánh trống ngực liên tục và nhịp tim tăng nhanh. Chưa hết, ông H còn khó thở, cảm giác nghẹt thở, đổ mồ hôi, run rẩy, chóng mặt, buồn nôn, đau bụng…

Người nhà cho biết ông H mắc COVID-19 vào đầu tháng 1. Những ngày gần đây, ông H luôn tỏ ra sợ hãi và tìm nơi lẩn trốn khi thấy người mặc đồ bảo hộ chống dịch COVID-19. Chưa hết, mỗi khi không vừa lòng điều gì, ông H tỏ ra khó chịu dữ dội, quát tháo ầm ĩ.

Nghi ngờ ông H bị di chứng hậu COVID-19, các BS thực hiện một số xét nghiệm. Sau khi có kết quả, các BS chẩn đoán ông H bị rối loạn hoảng sợ sau khi mắc COVID-19.

Bác sĩ đang khám hậu COVID-19 cho một bệnh nhân đã từng nhiễm virus SARS-CoV-2. Ảnh: TRẦN NGỌC

Tăng nguy cơ bệnh giảm trí nhớ và run tay chân

Tại hội thảo trực tuyến “Tiếp cận và xử trí các bệnh lý hậu COVID-19” với các tỉnh, TP trong cả nước do BV Bệnh nhiệt đới trung ương tổ chức mới đây, ThS-BS Trần Văn Bắc, Khoa hồi sức tích cực của BV, cho biết trẻ mắc hội chứng MIS-C có thể có nguy cơ di chứng thần kinh do hoạt hóa nội mô hệ thống, thường liên quan đến tế bào não.

“Hội chứng MIS-C là một trong những di chứng hậu COVID-19 có liên quan tới hệ thống thần kinh” - ThS-BS Bắc cho biết thêm.

Theo ThS-BS Bắc, di chứng hậu COVID-19 thường xuất hiện bốn tuần hoặc nhiều hơn sau khi đã nhiễm SARS-CoV-2. Các biểu hiện thần kinh hậu COVID-19 thường gặp như đau đầu, mệt, bất thường khứu giác, mất vị giác, chóng mặt, yếu cơ…

“Bên cạnh đó, một số rối loạn thần kinh hậu COVID-19 gồm rối loạn trí nhớ, giảm sự tập trung, đau đầu thường xuyên, thay đổi cảm giác da, mệt kéo dài… Không ít trường hợp bị các rối loạn thần kinh ở tuổi dưới 50 mà trước đó vốn khỏe mạnh và hoạt bát. Đa phần chỉ biểu hiện bệnh nhẹ trong giai đoạn cấp tính và không phải nhập viện” - ThS-BS Bắc nói.

ThS-BS Bắc còn cho biết sinh bệnh học dẫn đến các rối loạn thần kinh hậu COVID-19 hiện vẫn chưa được hiểu rõ. Một số suy đoán cho rằng nguyên nhân bị rối loạn thần kinh hậu COVID-19 có thể hoạt hóa miễn dịch kéo dài, hiện tượng rối loạn tự miễn dịch, hoạt hóa tế bào nội mô tiến triển gây ra các rối loạn mạch máu.

“Các tổn thương này có thể làm tăng nguy cơ hay kích hoạt các tiến triển của bệnh Alzheimer (giảm trí nhớ) hay bệnh Parkinson (run tay chân) trong tương lai” - ThS-BS Bắc bổ sung.

Bệnh nhân hậu COVID-19 lo lắng, hoảng sợ…

Đồng quan điểm trên, TS-BS Thân Mạnh Hùng, Phó Trưởng Khoa cấp cứu BV Bệnh nhiệt đới trung ương, cho biết thêm: Các rối loạn tâm thần thường gặp ở bệnh nhân hậu COVID-19 bao gồm rối loạn lo âu và stress, trầm cảm, rối loạn giấc ngủ, mệt mỏi kéo dài, hội chứng sương mù não hay suy giảm nhận thức.

“Liên quan đến rối loạn lo âu và stress, rối loạn này bao gồm rối loạn lo âu lan tỏa, rối loạn ám ảnh cưỡng chế, rối loạn stress sau sang chấn và rối loạn hoảng sợ” - TS-BS Hùng nói.

Rối loạn lo âu lan tỏa hình thành bởi những mối lo lắng dai dẳng, lan tỏa, tản mạn, không khu trú vào một sự kiện hoàn cảnh đặc biệt nào. Người rơi vào trường hợp này thường lo lắng, sợ hãi, bồn chồn, đứng ngồi không yên, đau căng đầu, run chân tay, không có khả năng thư giãn… Rối loạn ám ảnh cưỡng chế là những suy nghĩ hoặc hình ảnh lặp đi lặp lại và dai dẳng trong khoảng thời gian dài. Điều này gây ra đau khổ và lo lắng cho bệnh nhân. Rối loạn stress sau sang chấn là do tiếp xúc với cái chết, chấn thương nghiêm trọng qua biến cố, chứng kiến bệnh nhân mắc COVID-19 tử vong.

“Riêng với rối loạn hoảng sợ, tình trạng này xảy ra do sự gia tăng đột ngột của nỗi sợ hãi và khó chịu dữ dội, có thể đạt đến đỉnh điểm trong vòng vài phút” - TS-BS Hùng giải thích.

Khó xác định số lượng có các bệnh lý hậu COVID-19

Hậu COVID-19 là bệnh lý mới nổi chưa được hiểu biết đầy đủ nhưng có thể gây tình trạng sức khỏe nghiêm trọng (tàn tật). Điều đáng quan tâm, không ít người lớn lẫn trẻ em có các bệnh lý hậu COVID-19 nhưng khó xác định con số chính xác.

Việc đánh giá và quản lý các vấn đề hậu COVID-19 cần có sự đồng thuận và tiếp cận đa ngành. Bên cạnh đó, cần tổ chức đối phó với hậu COVID-19 một cách có hệ thống. Ngoài ra, những trường hợp hậu COVID-19 cần được tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe khác nhau. Cũng cần có thêm các nghiên cứu về hậu COVID-19 để làm rõ mọi khía cạnh của hiện tượng này.

TS-BS TRẦN VĂN GIANGPhó Trưởng Khoa virus - ký sinh trùng
BV Bệnh nhiệt đới trung ương

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm