Hội nghị Xúc tiến đầu tư tỉnh Hậu Giang năm 2022 sẽ diễn ra trong ngày 16-7. Nhân dịp này, tỉnh tổ chức trưng bày các sản phẩm đặc trưng của các trụ cột và tổ chức năm hội thảo giới thiệu tiềm năng cơ hội đầu tư vào các lĩnh vực trụ cột. Đồng thời, nhiều dự án cũng được khởi công, khánh thành, khai trương.
Trước thềm hội nghị, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Đồng Văn Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, đã nhấn mạnh những quan điểm nhất quán của địa phương đối với các nhà đầu tư.
Đồng hành, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư
Theo chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, thông qua hội nghị lần này, tỉnh dự kiến sẽ kêu gọi thu hút đầu tư 79 dự án, với tổng diện tích gần 30 ha, tổng mức vốn trên 38.200 tỉ đồng. Trong đó, trọng tâm thu hút đầu tư vào bốn trụ cột mà Nghị quyết của Ban chấp hành đảng bộ tỉnh đã xác định. Đó là phát triển công nghiệp hiện đại, nông nghiệp sinh thái, đô thị thông minh và du lịch chất lượng.
Nói về giải pháp để tạo môi trường đầu tư thuận lợi cho doanh nghiệp (DN), người đứng đầu UBND tỉnh Hậu Giang khẳng định quan điểm của tỉnh rất rõ ràng qua việc thay đổi tư duy từ chính quyền “quản lý” sang “kiến tạo, phục vụ” người dân và DN.
Nông nghiệp sinh thái là một trong bốn trụ cột thu hút đầu tư của Hậu Giang. Ảnh: AĐ |
Theo đó, trên cơ sở xây dựng “Một văn hóa - một ngôn ngữ”, từ lãnh đạo tỉnh đến chính quyền cơ sở đều có chung văn hóa ứng xử với DN là cùng đồng hành, hỗ trợ DN trong suốt quá trình từ khi tiếp cận, thực hiện thủ tục kinh doanh, đầu tư và hoạt động tại địa phương.
“Với phương châm đó, tỉnh đề ra khẩu hiệu hành động là “hai nhanh”, “ba tốt”. Cụ thể là “Nhanh giải phóng mặt bằng và thủ tục đầu tư” và “Cơ hội tốt, chính sách tốt, hạ tầng tốt”. Trong nỗ lực cải cách thủ tục hành chính, các ngành, các cấp ở Hậu Giang đã rút ngắn thời gian giải quyết các thủ tục liên quan đến đầu tư, kinh doanh. Ngoài ra, UBND tỉnh đã ban hành quyết định thành lập Ban chỉ đạo xúc tiến và hỗ trợ đầu tư tỉnh. Trong đó, bí thư tỉnh ủy là trưởng ban và chủ tịch UBND tỉnh là phó trưởng ban thường trực, các thành viên là giám đốc các sở, ngành tỉnh” - ông Đồng Văn Thanh thông tin thêm.
Rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục đầu tư
Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang khẳng định việc thành lập Ban chỉ đạo xúc tiến và hỗ trợ đầu tư là một bước ngoặt quan trọng. Qua đó, giúp giảm thời gian giải quyết các thủ tục hành chính liên quan đến đầu tư xuống dưới 50% so với quy định.
Cụ thể, khi tiếp nhận thủ tục, đề xuất của các nhà đầu tư, Sở Kế hoạch và Đầu tư sẽ chủ trì và gửi hồ sơ đó đến các ngành có liên quan. Sau một tuần, ban này sẽ tiến hành họp để giải quyết và trả lời cụ thể cho nhà đầu tư dù được cấp chủ trương đầu tư hay không.
Hậu Giang quan tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Ảnh: AĐ |
Ngoài ra, Hậu Giang cũng đã thành lập Ban chỉ đạo giải phóng mặt bằng (GPMB) do lãnh đạo tỉnh đứng đầu. Đối với các dự án gặp khó khăn trong GPMB, ban này sẽ trực tiếp giải quyết và tháo gỡ vướng mắc nhằm sớm bàn giao mặt bằng kịp thời cho các nhà đầu tư thực hiện dự án.
Thời gian qua, Hậu Giang đã thực hiện tốt mô hình chính quyền điện tử, chuyển đổi số; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong mọi hoạt động kinh tế - xã hội, nhằm giải quyết thủ tục hành chính nhanh, gọn, phục vụ người dân và DN ngày càng tốt hơn.
“Với phương châm “Đổi mới, đột phá, quyết tâm và khát vọng”, chúng tôi cam kết sẽ luôn sát cánh, đồng hành và chia sẻ cùng nhà đầu tư trong suốt quá trình triển khai dự án. Đồng thời, tạo mọi điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư sản xuất, kinh doanh đạt hiệu quả cao nhất tại địa phương” - chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang nhấn mạnh.
Nhiều ưu đãi
Ông Đồng Văn Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, cho biết tỉnh Hậu Giang là địa phương được hưởng chính sách ưu đãi đầu tư cao nhất theo quy định của Chính phủ. Trong đó, có 7/8 đơn vị hành chính có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
Cụ thể các nhà đầu tư được hưởng các chính sách về thuế suất, thuế thu nhập DN, miễn giảm tiền thuê đất, miễn thuế nhập khẩu...
Nhiều thế mạnh để trở thành một trung tâm logistics
Chia sẻ về lợi thế, cơ sở hạ tầng của địa phương, người đứng đầu UBND tỉnh Hậu Giang xác định tỉnh có nhiều thế mạnh để trở thành một trung tâm logistics của toàn vùng ĐBSCL.
Trước hết, Hậu Giang nằm ở trung tâm vùng sản xuất ĐBSCL, do đó một trung tâm logistics tại đây sẽ có lợi thế về chi phí vận tải và tối đa hóa nguồn hàng. Cạnh đó, đảm bảo khoảng cách hợp lý đến các vùng nguyên liệu, từ đó giảm thiểu rủi ro vận chuyển và bảo quản sau thu hoạch. Đồng thời, Hậu Giang có khả năng kết nối giao thông đường bộ, đường thủy và đường hàng không để phát triển các loại hình vận tải đa phương thức.
Mặt khác, Hậu Giang nằm tiếp giáp với TP Cần Thơ, nơi có thể cung cấp các dịch vụ phụ trợ về tài chính và hạ tầng xã hội như y tế, giáo dục, lưu trú... cho cụm ngành logistics.
“Bên cạnh các tuyến quốc lộ kết nối liên vùng đi qua địa bàn tỉnh, Hậu Giang còn là điểm giao nhau của hai tuyến cao tốc đường bộ sắp hình thành, đó là cao tốc Cần Thơ - Cà Mau và cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng. Các tuyến giao thông này khi hoàn thành sẽ tạo sự kết nối thông suốt Hậu Giang với Cảng hàng không quốc tế Cần Thơ cùng với cảng biển nước sâu Trần Đề. Từ đó mở ra rất nhiều cơ hội phát triển kinh tế cho tỉnh, đặc biệt là các lĩnh vực công nghiệp, đô thị, thương mại, dịch vụ...” - ông Đồng Văn Thanh cho biết thêm.
Không chỉ vậy, các huyện, thị xã, TP của tỉnh Hậu Giang nằm trong số địa phương có chỉ số tối ưu trong vùng ĐBSCL về khoảng cách tới thị trường và khoảng cách tới vùng sản xuất; cách sân bay 20 km và cách cảng biển 60 km. Với vị trí này rất thuận lợi để các DN lựa chọn đặt các nhà máy sản xuất chế biến nông sản, thực phẩm hoặc các tổng kho phân phối phục vụ thị trường ĐBSCL.
Đào tạo nhân lực chất lượng cao
Bên cạnh các lợi thế về nguồn nguyên liệu, cơ sở hạ tầng giao thông, Hậu Giang còn quan tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Mới đây nhất, Ban chấp hành đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết về phát triển nguồn nhân lực tỉnh giai đoạn 2021-2025 tầm nhìn đến năm 2030. Tinh thần của nghị quyết là thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao cho khu vực tư và khu vực công.
Cùng với lợi thế cơ cấu dân số vàng và hệ thống cơ sở đào tạo hiện có, Hậu Giang cam kết đáp ứng nguồn nhân lực dồi dào theo yêu cầu của DN.