VinaCapital và Ba Huân đã chính thức chia tay, đường ai nấy đi. Quỹ khẳng định không có ý định chiếm quyền điều hành hay thâu tóm Ba Huân mà chỉ mong muốn được hợp tác để cùng đưa công ty bước sang một giai đoạn phát triển cao hơn. Trong khi Ba Huân cho rằng, "thay vì mục tiêu hợp tác và phát triển, VinaCapital lại muốn chiếm quyền quản lý và điều hành toàn bộ công ty, chiếm đoạt thương hiệu Ba Huân".
Sau khi tuyên bố dừng đầu tư hơn 32 triệu USD vào Ba Huân, VinaCapital bắn tín hiệu vẫn để mở cơ hội hợp tác trở lại với doanh nghiệp này. Việc hai bên có bắt tay trở lại hay không hạ hồi sẽ rõ...
Để có thể hiểu được quyết định của VinaCapital có lẽ cần nhìn vào chiến lược đầu tư của quỹ này. Trong thời gian gần đây, VinaCapital đã bỏ ra nguồn lực cả trăm triệu USD để tập trung đầu tư mạnh vào các công ty tư nhân và Ba Huân là một trong các công ty tư nhân đó.
Các quỹ đầu tư luôn muốn tối đa lợi nhuận từ các khoản đầu tư của mình, tuy nhiên không phải khoản đầu tư nào cũng thành công.
VinaCapital đầu tư vào nhiều công ty tư nhân
Theo ông Andy Ho, Giám đốc điều hành Tập đoàn VinaCapital, từ năm 2016, VinaCapital đã đầu tư vào nhiều công ty tư nhân, gồm Bệnh viện quốc tế Thái Hòa và Công ty gỗ An Cường. Trước đó vào năm 2014 quỹ này đầu tư vào Công ty cổ phần sữa Quốc tế (IDP), với thương hiệu Sữa Ba Vì. Và Công ty Ba Huân là khoản đầu tư mới nhất trong năm 2018.
Theo ông Andy Ho lý do VinaCapital chuyển hướng đầu tư mạnh vào các công ty tư nhân vì cộng đồng doanh nghiệp tư nhân của Việt Nam có khá nhiều thế mạnh.
Thứ nhất, các công ty rất nhạy bén, nắm bắt thị hiếu nhanh chóng để tạo ra các sản phẩm, dịch vụ được ưa chuộng, giúp họ làm chủ một phân khúc nhất định để từ đó tạo dựng các nền tảng bước đầu trong kinh.
Thứ hai, ở quy mô nhỏ và vừa, nhiều công ty được quản lý rất chặt chẽ và chủ doanh nghiệp biết cách giảm chi phí sản xuất trong khi đảm bảo được chất lượng sản phẩm để cạnh tranh tốt hơn, nâng cao hiệu quả lợi nhuận.
Thứ ba, chủ doanh nghiệp hiểu biết về văn hóa kinh doanh cũng như pháp luật tại Việt Nam, đưa công ty vượt qua các rào cản ban đầu để hoạt động thuận lợi cũng như có vị thế nhất định trên thị trường.
“Phần lớn các công ty tư nhân của Việt Nam có quy mô nhỏ lẻ và khi họ muốn phát triển cao hơn thì sẽ gặp nhiều trở ngại, như các hạn chế về nguồn vốn và nhân lực quản lý cấp cao khiến doanh nghiệp khó mở rộng quy mô và tiếp cận phân khúc mới. Công ty càng mở rộng thì mô hình quản lý gia đình không còn phù hợp nữa, đòi hỏi người chủ doanh nghiệp phải mạnh dạn thay đổi”, ông Andy Ho cho biết.
Ba Huân cho rằng :"Thay vì mục tiêu hợp tác và phát triển, VinaCapital lại muốn chiếm quyền quản lý và điều hành toàn bộ công ty, chiếm đoạt thương hiệu Ba Huân"
Cách đầu tư của VinaCapital
Theo một chuyên gia, một khi các quỹ đầu tư bỏ vốn chắc chắn họ phải nghiên cứu rất kỹ các công ty đó về tiềm năng, tăng trưởng và các kỳ vọng lợi nhuận một khi thoái vốn trong tương lai.
“Do đó chắc chắn VinaCapital phải giúp các công ty đó xây dựng lại chiến lược quản trị, chiến lược kinh doanh, mà nhiều khi khá mạnh tay để đảm bảo đồng vốn của họ mang lại hiệu quả tốt nhất mà sẽ gây khá nhiều xung đột lợi ích giữa các bên”, vị chuyên gia này nói.
Còn theo ông Andy Ho, một khi đã bỏ vốn vào công ty nào thì “Các điều chỉnh, nếu có, thường là đưa đúng người về vị trí mà họ làm tốt nhất, cũng như hỗ trợ đào tạo, cập nhật kiến thức, nâng cao kỹ năng cho đội ngũ nhân viên, hay tìm kiếm thêm nhân tài nếu cần.
“Ngoài ra, chúng tôi và ban điều hành công ty sẽ dần dần triển khai các tiêu chuẩn quốc tế về quản lý rủi ro, minh bạch hóa và phát triển bền vững, bảo vệ môi trường và lợi ích của cộng đồng. Tất nhiên trong suốt thời gian đầu tư, chúng tôi phải cử chuyên gia của VinaCapital đồng hành và hỗ trợ công ty khi cần thiết”.
Nhìn vào trường hợp của Gỗ An Cường, mà VinaCapital đang đầu tư thì An Cường chấp nhận chia sẻ quyền sở hữu để đổi lấy các nguồn lực thay đổi toàn diện công ty. Ông Lê Đức Nghĩa, Tổng giám đốc Công ty An Cường, cho biết An Cường đã phải nhiều lần tái cấu trúc công ty, do quy mô đã lớn hơn tầm quản trị của một công ty gia đình.
Bản thân ông Nghĩa luôn phải trực tiếp giải quyết mọi việc lớn nhỏ, mặc dù ông đã cố gắng phân quyền, giao trách nhiệm cho các cấp quản lý, và cương quyết không chấp nhận vượt cấp.
Và An Cường đã nhìn thấy những nỗ lực đơn độc không thể thắng thị trường mà cần cộng hưởng sức mạnh của các bên. Do đó, An Cường chấp nhận chia sẻ quyền sở hữu với VinaCapital để nhận được nguồn vốn dồi dào để mua những công nghệ tiên tiến nhất nhằm cho ra những sản phẩm chất lượng cao, giá thành cạnh tranh.
Quỹ VinaCapital khẳng định không có ý định chiếm quyền điều hành hay thâu tóm Ba Huân
VinaCapital có thích thâu tóm Ba Huân?
Điều này là khó nói. Nhưng theo ông Andy Ho, với Gỗ An Cường, mục tiêu của VinaCapital là hỗ trợ công ty này lớn mạnh trên thị trường và sau đó đưa An Cường lên sàn chứng khoán trở thành một công ty đại chúng và khi đó VinaCapital sẽ thoái vốn.
Trường hợp duy nhất VinaCapital đang giữ vai trò chi phối Công ty cổ phần sữa Quốc tế (IDP), với 70% vốn điều lệ. Khi VinaCapital tham gia vào IDP thì công ty này đang bị lỗ nặng nề. Tuy nhiên đến thời điểm hiện nay, VinaCapital cũng đang rất vất vả đưa công ty này có vị thế trên thị trường. Hiện nay tình hình kinh doanh của IDP cũng chưa sáng sủa lắm.
“Rủi ro là yếu tố không thể tránh khỏi khi đầu tư. Khoảng 20% các công ty trong danh mục đầu tư doanh nghiệp tư nhân của chúng tôi không mang lại hiệu quả như kỳ vọng và phần này sẽ được bù đắp bởi các khoản đầu tư hiệu quả khác”, ông Andy Ho cho biết.
VinaCapital và câu chuyện Bệnh viện Hoàn Mỹ Trong cuốn hồi ký “Từ khởi nghiệp đến M&A” của bác sỹ Nguyễn Hữu Tùng, nhà sáng lập hệ thống viện viện Hoàn Mỹ cho hay: VinaCapital đã chọn hình thức mua trái phiếu 50% và đầu tư cổ phiếu 50% vào Bệnh viên Hoàn Mỹ. Hai cách này vừa trói buộc Hoàn Mỹ váo khoản vay, vừa đưa người vào HĐQT Bệnh viện Hoàn Mỹ. VinaCapital cũng nêu yêu cầu rất rõ là họ đầu tư vào Bệnh viện Hoàn Mỹ để sau đó làm tăng giá trị Hoàn Mỹ lên thì lên sàn để họ thoái vốn. VinaCapital cũng yêu cầu Hoàn Mỹ phải đạt được lợi nhuận năm đầu tiên là 60 tỉ đồng, năm thứ hai 90 tỉ đồng, và năm thứ ba là 150 tỉ đồng. Theo bác sỹ Nguyễn Hữu Tùng, họ đặt yêu cầu nếu lỗ thì Hoàn Mỹ phải bù lỗ hoặc chuyển nhượng cổ phần để bù vào khoản lỗ đó. Bác sỹ Nguyễn Hữu Tùng cũng rất chủ quan nghĩ rằng, VinaCapital cùng đầu tư vào lời ăn lỗ chịu nên dễ dàng chấp nhận nhiều điều kiện từ VinaCapital. Nhưng khi đi vào thực tế chịu quá nhiều ràng buộc đến mức ông yêu cầu tìm đối tác thay thế. Và ngay lập VinaCapital đồng ý và tìm đối tác để chào giá khoản đầu tư của họ tại Bệnh viện Hoàn Mỹ từ mức 20 triệu USD đầu tư ban đầu và bán thành công cho Fortis với giá 100 triệu USD. Bác sỹ Nguyễn Hữu Tùng kết luận, M&A là cái bẫy tài chính mà chỉ cần doanh nghiệp thiếu tỉnh táo sẽ dễ sa lầy. Nợ ngân hàng, tôi chịu áp lực lãi suất, còn làm việc với quỹ đầu tư, tôi chịu áp lực kinh doanh, tăng trưởng... Ngoài việc buộc Hoàn Mỹ phải tiến đến mô hình quản trị chuyên nghiệp với CEO, CFO... đầy đủ, ngay trong năm đầu tiên, họ muốn Hoàn Mỹ phải đạt lợi nhuận ròng 60 tỷ đồng. Đây là yêu cầu gần như không thể đạt được. Lúc ấy sẽ là cơ hội cho quỹ đầu tư thoát ra. Khi họ ra đi, giá trị cổ phiếu sẽ bị định giá thấp hơn, nghĩa là giá trị tài sản trước đó của Hoàn Mỹ sẽ bị mất. Mục tiêu của các nhà đầu tư tài chính là tạo ra giá trị lớn hơn nhiều lần giá trị nguồn vốn đầu tư để bán lại cổ phần. Khi ra đi, họ thu được lợi nhuận trong thời gian ngắn. Nếu không khéo léo, doanh nhân không thể giữ quyền kiểm soát của mình. |