Theo báo Los Angeles Times, sau khi tốt nghiệp đại học, cô gái có bí danh Tào Dự, 21 tuổi, vào cuộc tìm việc làm để trả khoản nợ cô đã vay trang trải học hành. Vào các trang tìm việc trên mạng, cô tìm thấy một vị trí phù hợp với mình: Trợ lý hành chính tại trường dạy thêm Juren Academy ở Bắc Kinh. Cô gửi hồ sơ đến và không được phản hồi. Đọc kỹ lại dòng quảng cáo cô mới thấy ghi vị trí này chỉ dành cho ứng viên nam.
Cô gọi điện thoại đến văn phòng Trường Juren Academy thương lượng rằng cô đáp ứng đủ yêu cầu chuyên môn, chỉ có điều không phải là nam thì liệu hồ sơ của cô có được xem xét không. Bên kia khăng khăng không.
Bức xúc, cô đâm đơn kiện Trường Juren Academy cùng sự hỗ trợ của một tổ chức tư pháp và y tế xã hội phi lợi nhuận. Cuộc chiến pháp lý kéo dài một năm rưỡi và cuối cùng cô chiến thắng.
Trong một phiên tòa tháng 12 vừa rồi, hiệu trưởng Trường Juren Academy đã phải công khai xin lỗi vì đã ghi chỉ tuyển nam cho vị trí này và đồng ý bồi thường cho cô Tào Dự 5.000 USD.
Cô Tào Dự (trái, che mặt) và luật sư bảo vệ mình. Ảnh: LOS ANGELES TIMES
Hiến pháp Trung Quốc (TQ) ghi rõ mọi công dân đều có quyền bình đẳng như nhau, luật TQ cấm các chủ lao động phân biệt giới tính khi tuyển dụng. Tuy nhiên, thực tế luật này không được tuân thủ nghiêm túc, việc trừng phạt khi có chủ lao động vi phạm cũng không được thực hiện triệt để và cả ngành tư pháp cũng không mặn mà nhận các đơn kiện phân biệt đối xử trong công việc vì thành kiến giới tính. Như trường hợp đơn kiện của cô Tào Dự cũng phải trải qua rất nhiều cản trở mới được một tòa án Bắc Kinh chấp nhận.
Một báo cáo năm 2011 của Ủy ban Làm việc vì phụ nữ và trẻ em TQ cho biết hơn 61% phụ nữ nói họ phải đối mặt với sự phân biệt đối xử vì thành kiến giới tính trong quá trình tìm việc làm.
Các ứng viên nữ thường xuyên gặp phải các câu hỏi dạng thế này từ chủ lao động: Có bạn trai chưa, có kế hoạch con cái gì chưa. Thậm chí các ứng viên nữ khi tham gia thi công chức còn bị hỏi những điều chẳng liên quan gì chuyên môn, chẳng hạn về chu kỳ kinh nguyệt như thấy kinh lần đầu vào năm bao nhiêu tuổi. Báo China Youth Daily (TQ) từng đưa bức xúc của một nữ ứng viên: “Điều đó liên quan gì đến công việc? Họ nghĩ người thấy kinh sớm sẽ làm việc tốt hơn người thấy kinh muộn chắc?”.
Một nghiên cứu năm 2012 của ĐH Hạ Môn về phân biệt giới tính trong các quảng cáo tìm việc ở TQ cho thấy hơn 10% bên tuyển dụng lao động thích tuyển nam hơn nữ. Trong khi các quảng cáo dành cho ứng viên nam thì yêu cầu phải ở độ tuổi chững chạc, có kinh nghiệm làm việc thì các quảng cáo dành cho ứng viên nữ lại yêu cầu bắt buộc ứng viên nữ không được quá 25 tuổi, có chiều cao, ngoại hình thu hút.
Tuy nhiên, hiện nhiều phụ nữ trẻ TQ quyết định thay đổi thực tế này và chiến thắng của cô Tào Dự đã mang lại hy vọng cho họ. Họ đã biết nhờ đến sự hỗ trợ của các tổ chức phi lợi nhuận, các hiệp hội nghề nghiệp, các mạng lưới giáo dục, mạng xã hội cũng như các kênh thông tin truyền thống trong đấu tranh.
Cuối năm 2013, trang việc làm Zhaopin (TQ) đã phải gỡ bỏ toàn bộ quảng cáo việc làm của 267 nhà tuyển dụng sau khi một nhóm phụ nữ ở tám TP cùng chỉ trích các quảng cáo này phân biệt giới tính.
Tuy nhiên, số phụ nữ biết cách đấu tranh cho quyền lợi của mình chưa nhiều, vẫn còn rất nhiều phụ nữ không dám lên tiếng nói riêng lẻ về vấn đề này và cũng không biết tìm hỗ trợ từ đâu. Một khảo sát mới đây của tổ chức phi lợi nhuận Lean In Beijing - mới được thành lập tháng 8-2013 hoạt động vì quyền lợi phụ nữ trong cơ hội việc làm cho thấy số phụ nữ này chiếm đến 91%.
Một khảo sát năm 2013 của Trung tâm Hỗ trợ nữ công nhân Hướng Dương (Quảng Châu) cho thấy 70% nữ công nhân được hỏi cho biết từng bị quấy rối tình dục ở chỗ làm, hơn 15% phải bỏ việc vì điều đó và không có ai biết tìm đến các tổ chức bảo vệ quyền phụ nữ.
Về cô Tào Dự, hiện cô đã có việc làm ở một công ty tư vấn giáo dục. Dù chiến thắng về pháp lý nhưng cô Tào Dự vẫn quyết định không công khai tên thật, không cho báo chí chụp rõ mặt, chủ yếu vì không muốn các nhà tuyển dụng xem cô là một kẻ gây rắc rối, ảnh hưởng đến đường việc làm tương lai.
THIÊN ÂN