Em Ngô Triệu Vy ở quận Thủ Đức góp ý ngành giáo dục cần bỏ xếp hạng HS trong lớp học. Theo em, việc này khiến phụ huynh so bì thành tích con mình với người khác, đẩy chạy đua thành tích khiến áp lực của HS rất lớn.
Còn em Võ Ngọc Thủy Tiên, HS Trường Nguyễn Văn Luông, quận 6 lên tiếng “xin” các bác lãnh đạo hãy giảm áp lực cho giáo viên. Theo em, hiện giáo viên đang bị áp lực thi đua, xét lớp phải có nhiều HS giỏi, điểm cao... nên khi lên lớp thầy cô bị dồn nén, chạy đua về kiến thức làm cho HS rất khó để tiếp thu và gây sự mệt mỏi, căng thẳng cho thầy trò trong mỗi tiết học. Kiến nghị trên của các em đã được UBND TP.HCM giao Sở GD&ĐT TP.HCM nghiên cứu, xem xét, điều chuyển trong năm học mới 2019-2020.
Không chỉ riêng TP.HCM mà ở địa phương khác đã, đang tồn tại mục xếp hạng HS trong từng lớp học. Nhiều nhà trường cho rằng từ khi sử dụng phần mềm Smas (Viettel) trong xử lý, quản lý điểm, xếp loại các mặt của HS đã có sẵn mục xếp hạng HS. Muốn xóa bỏ mục đó, cần có sự hỗ trợ, cài đặt lại của đơn vị cung cấp sản phẩm cho các cơ sở giáo dục. HS, phụ huynh và giáo viên nhìn vào bảng điểm cá nhân HS và cả lớp có mục xếp hạng không khỏi so bì thành tích của mình, con em mình, HS mình với bạn bè, phụ huynh, tập thể khác. Lợi ích chẳng thấy đâu, chỉ làm gia tăng thêm áp lực về thành tích, điểm số lên HS, thầy cô.
Bệnh thành tích trong ngành giáo dục những năm gần đây đã đẩy điểm số, kết quả học tập của HS phổ thông trên phạm vi cả nước lên đến mức không tưởng. HS đạt danh hiệu HS tiên tiến, HS giỏi, HS xuất sắc… gần như hết cả lớp. HS yếu, HS trung bình… trở thành khan hiếm. Kết quả cuối năm học thì đẹp như mơ… nhưng trong quá trình giáo dục, dạy dỗ, nhiều nhà trường, thầy cô luôn kêu ca, than trách HS đủ thứ, nào lười học, nào học chậm, nào không tự học ở nhà, nào cá biệt… Đánh giá không đúng năng lực của người học kéo theo nhiều hệ lụy nguy hiểm cho xã hội, nước nhà, tạo nên một nền giáo dục giả dối, háo danh, tạo ra những thế hệ HS dễ ngộ nhận, ảo tưởng về năng lực bản thân, thiếu đi động lực phấn đấu học tập và lao động sau này.
Không ai khác, nhà trường, thầy cô là chủ thể chính cần lắng nghe tiếng nói của dư luận, của các HS, của các nhà giáo tâm huyết để tiến tới giảm dần và triệt để hoàn toàn bệnh thành tích.
Ngoài TP.HCM, tôi tự hỏi không biết có còn địa phương nào đã tổ chức cuộc gặp gỡ, đối thoại giữa lãnh đạo với các em thiếu nhi để lắng nghe và thực hiện những tâm tư, tình cảm, nguyện vọng, kiến nghị chính đáng của các em không. Là một người trong ngành giáo dục, tôi mong chính ngành hãy bỏ ngay xếp hạng HS trong lớp học, qua đó nhằm góp phần giảm bớt bệnh thành tích đang bị dư luận lên án mạnh mẽ.