Hay quên có phải bị sa sút trí tuệ?

(PLO)- Sa sút trí tuệ không phải quá trình lão hóa bình thường mà là bệnh lý cần được chẩn đoán và điều trị sớm.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ba tôi năm nay 73 tuổi, bắt đầu có dấu hiệu hay quên. Xin bác sĩ cho biết có phải ba tôi có nguy cơ bị sa sút trí tuệ không? (Đặng Hà Vy, 42 tuổi, ngụ TP.HCM).

Trả lời

Sa sút trí tuệ là một quá trình bệnh lý khi người bệnh bắt đầu hay quên. Tình trạng này tăng dần đến khi ảnh hưởng chất lượng công việc và cuộc sống nghiêm trọng, đây lúc người bệnh đã bước vào giai đoạn sa sút trí tuệ.

Các dấu hiệu cảnh báo chứng sa sút trí tuệ gồm: mất trí nhớ ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày, khó hoàn thành các công việc quen thuộc, mất định hướng về thời gian và không gian.

Ngoài ra, người bệnh còn bị suy giảm khả năng phán đoán, tư duy trừu tượng, đặt đồ vật sai vị trí, thay đổi tâm trạng và hành vi, thay đổi tính cách, trở nên thụ động.

Việc phát hiện sớm sa sút trí tuệ gặp nhiều khó khăn vì bệnh thường diễn biến âm thầm, phải đặc biệt chú ý mới có thể nhận ra. Đây là lý do 75% trường hợp sa sút trí tuệ không được chẩn đoán trên toàn cầu.

Tuy nhiên, có thể nắm bắt thời gian vàng trong phát hiện sớm sa sút trí tuệ thông qua việc phát hiện bệnh ở giai đoạn suy giảm nhận thức nhẹ - giai đoạn trung gian giữa người nhận thức bình thường và người sa sút trí tuệ.

Để phát hiện tình trạng này, người bệnh cần tầm soát sức khoẻ định kỳ. Khi đó các tế bào não chưa tổn thương lan rộng nên việc tác động làm chậm diễn tiến bệnh và kéo dài thời gian sống độc lập cho người bệnh là hoàn toàn khả thi.

sa sút trí tuệ - 1
Việc phát hiện sớm sa sút trí tuệ gặp nhiều khó khăn vì bệnh thường diễn biến âm thầm. Ảnh: Internet

Việc phát hiện và điều trị sớm sa sút trí tuệ vô cùng quan trọng. Khi phát hiện bệnh sớm, người bệnh sẽ được chỉ định điều trị bằng các phương pháp phù hợp như sử dụng thuốc làm tăng kết nối tế bào thần kinh, giảm các sản phẩm thoái hoá trong não, thực hiện phương pháp tập luyện nhận thức bằng cách viết nhật ký mỗi ngày, nói chuyện thường xuyên với người thân…

BS CKII Tống Mai Trang, khoa Thần kinh, Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm