Đồ dùng được làm từ vật liệu tái chế do các em học sinh thực hiện. Ảnh: MT
Hàng ngày trên các phương tiện thông tin, chúng ta được nghe nhiều lời kêu tái chế rác thải. Thậm chí trong các chương trình hành động về bảo vệ môi trường, tái chế luôn là nội dung rất quan trọng. Nhiều khi lười biếng, chúng ta thường ném tất cả rác thải vào thùng rác, từ chai lọ, bao nylon, giấy, thức ăn thừa... cho tới từng ống hút nhỏ. Điều này rõ ràng là tiện lợi nhưng đồng nghĩa bãi rác phải tiếp nhận thêm một lượng chất thải để chôn lấp.
Chúng ta đang hướng đến việc giảm chôn lấp chất thải, tăng cường tái chế, phân loại chất thải rắn (CTR) sinh hoạt tại nguồn, bảo vệ môi trường.
Vậy bằng một vài lý do dưới đây, bạn hãy xem thử tái chế có quan trọng hay không.
Giảm lượng chất thải đến bãi chôn lấp
Theo Báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia 2016 của Bộ TN&MT, CTR sinh hoạt phát sinh ở các đô thị chiếm đến hơn 50% tổng lượng CTR sinh hoạt của cả nước mỗi năm.
Đến năm 2015, tổng khối lượng CTR sinh hoạt phát sinh tại các đô thị khoảng 38.000 tấn/ngày. Trong khi năm 2014, con số này chỉ khoảng 32.000 tấn/ngày. Theo tính toán mức gia tăng trung bình hàng năm, tốc độ phát sinh CTR sinh hoạt đô thị tiếp tục tăng trong thời gian tới.
Hiện nay công nghệ xử lý phổ biến là chôn lấp, ủ phân hữu cơ và đốt. Đồng thời chúng ta đang cố gắng giảm lượng rác đi tới bãi chôn lấp, tìm kiếm, áp dụng công nghệ xử lý rác theo hướng hiện đại, an toàn, có lợi hơn cho môi trường. Do vậy nếu bạn bỏ tất cả các loại rác vào thùng thì chúng sẽ kết thúc vòng đời tại bãi chôn lấp. Trải qua rất nhiều năm số rác này mới có thể phân hủy. Và trong quá trình phân hủy sẽ xuất hiện những nguy cơ không mong muốn, ảnh hưởng đến chất lượng môi trường và cuộc sống người dân xung quanh.
Tiết kiệm chi phí, năng lượng
Tái chế là một phần quan trọng của cuộc sống. Các doanh nghiệp không áp dụng tái chế trong các hoạt động của mình thường khó nhận được sự ủng hộ từ cộng đồng. Do đó lợi ích lớn cho doanh nghiệp khi họ được nhìn nhận là đơn vị có trách nhiệm với môi trường. Khi mọi người ngày càng nhận thức được những thiệt hại do chôn lấp chất thải thì việc tái chế ngày càng được áp dụng nhiều hơn.
Thống kê không đầy đủ cho thấy Hoa Kỳ tái chế 52% các loại hộp, lon... Con số này ở Đức là 89%, Nhật Bản là 90,9% và Brazil là 94,4%. G.Wittbecker, giám đốc một công ty tái chế kim loại tại Hoa Kỳ, cho biết nếu chúng ta có thể thu hồi, tái chế 75% lon nhôm đang được đưa vào các bãi chôn lấp (khoảng 600.000 tấn nhôm) thì có thể tiết kiệm 1286 megawatts điện phát sinh. Vì vậy, tăng cường sử dụng vật liệu tái chế, các công ty sản xuất có thể tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, năng lượng, chi phí cho việc sản xuất sản phẩm từ vật liệu thô ban đầu. Cách này sẽ hạn chế CO2 phát thải vào khí quyển, giảm lượng thủy ngân do đốt than... Điều đó cũng đúng ngay tại hộ gia đình. Trước khi mua đồ dùng mới, bạn hãy xem thử mình có thể tận dụng đồ dùng sẵn có tại nhà hay không. Nếu có thể, hãy tăng cường tái chế để tiết kiệm ngân sách cho gia đình.
Mang cộng đồng đến gần nhau hơn
Trong xã hội hiện đại, con người cần có sự liên kết trách nhiệm giữa mọi người với nhau. Khi nhận thức đầy đủ những nguy cơ ảnh hưởng đến môi trường, chúng ta có thể thực tế hóa bằng hành động cụ thể. Điều đó rất có ý nghĩa khi mọi người cùng nhau tạo thành cộng đồng gần gũi, trách nhiệm và tương tác cao.
Tại TP.HCM, nhiều sự kiện cộng đồng diễn ra thường xuyên nhằm bảo vệ môi trường như Ngày hội tái chế chất thải hàng năm do Sở TN&MT TP.HCM tổ chức, Công viên không rác, ngày Chủ nhật xanh, trồng cây xanh, 30 phút vì TP văn minh, sạch đẹp, an toàn...
Không phân biệt đối tượng, tuổi tác, bạn hãy hành động để môi trường sống ngày càng đẹp hơn.