Chiều 9-12, sau hai ngày rưỡi làm việc, kỳ họp thứ tư HĐND TP.HCM khóa X đã bế mạc.
Thí điểm dạy học tập trung khối 9, 12 theo kế hoạch
Phát biểu bế mạc, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Lệ cho biết năm 2021, đại dịch COVID-19 đã tác động nặng nề đến nhiều mặt. Kinh tế tăng trưởng âm, chuỗi cung ứng đứt gãy, thiếu hụt người lao động. Đại dịch cũng ảnh hưởng đến tính mạng và sức khỏe người dân. Ước tính thiệt hại kinh tế trong hai năm 2020 và 2021 của TP.HCM do đại dịch COVID-19 khoảng 273.000 tỉ đồng, tương đương 11,9 tỉ USD.
“Dù phải căng mình chống chọi với đại dịch nhưng qua đó, TP cũng đã rút ra được nhiều kinh nghiệm quý báu trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế - xã hội trong điều kiện khó khăn nhất chưa từng có” - bà Lệ nói.
Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Lệ phát biểu bế mạc kỳ họp chiều 9-12. Ảnh: HOÀNG GIANG
Theo bà Lệ, trong năm 2022, UBND TP cần tập trung nhiều giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, trong đó trọng tâm là cải cách hành chính; tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; gỡ vướng cho các dự án đầu tư mới, dự án tạo động lực quan trọng cho tăng trưởng...
Đối với an sinh xã hội, bà Lệ đề nghị UBND TP tiếp tục rà soát để kịp thời hỗ trợ các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, đảm bảo an sinh xã hội, ổn định đời sống của nhân dân, nhất là những người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng trực tiếp do dịch COVID-19. Cần chăm lo các đối tượng đặc biệt, nhất là các cháu mồ côi cha, mẹ, người già neo đơn, không nơi nương tựa, người nghèo, cận nghèo, gia đình chính sách.
Đối với giáo dục, bà Lệ yêu cầu phải chủ động có phương án mở cửa trường học cho các bậc học phù hợp với lộ trình tiêm vaccine. Trước mắt cần thí điểm dạy học tập trung trong điều kiện bình thường mới đối với lớp 9, lớp 12 theo kế hoạch đề ra.
Chủ tịch HĐND TP.HCM cũng đề nghị chính quyền TP bảo đảm quốc phòng - an ninh, trật tự an toàn xã hội. Chuẩn bị các phương án kiểm soát an toàn trước, trong và sau tết Dương lịch, tết cổ truyền dân tộc.
Đối với các đại biểu, các ban của HĐND TP, bà Lệ đề nghị tập trung giám sát chuyên đề về thực hiện chính quyền đô thị; giám sát việc củng cố hệ thống y tế cơ sở và việc đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất cho ngành y tế, cũng như công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp...
Các ban của HĐND TP quan tâm các nội dung thực hiện Nghị quyết 26 về tập trung đầu tư hoàn thành khu đô thị mới Thủ Thiêm trước năm 2030; tăng cường giám sát các vụ việc tồn tại, kéo dài để kịp thời đề xuất, kiến nghị Thành ủy lãnh đạo xử lý dứt điểm nhằm phát triển khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Giữ nguyên hệ số điều chỉnh giá đất Các đại biểu thông qua Nghị quyết về hệ số điều chỉnh giá đất (hệ số K) năm 2022. Theo đó, đại biểu đã thống nhất giữ nguyên hệ số điều chỉnh giá đất như năm 2021. |
Tập trung gỡ khó cho doanh nghiệp
Trước đó, HĐND TP.HCM đã thông qua 25 nghị quyết, đáng chú ý có nghị quyết về nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2022. Trong đó thống nhất chủ đề năm sau là năm “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, tiếp tục nâng cao chất lượng xây dựng chính quyền đô thị, cải thiện môi trường đầu tư, đồng hành cùng doanh nghiệp”. Các đại biểu thống nhất với 19 chỉ tiêu mà UBND TP đưa ra, trong đó có chỉ tiêu tốc độ tăng trưởng GRDP dự kiến 6%-6,5%.
Trong năm sau, các đại biểu HĐND TP yêu cầu UBND TP tập trung thực hiện linh hoạt, hiệu quả mục tiêu vừa phòng chống dịch COVID-19 vừa phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội. Rà soát xây dựng hoàn thiện các cơ chế, chính sách nhằm huy động tối đa mọi nguồn lực để cơ cấu lại kinh tế, trước mắt tập trung thực hiện các chính sách, giải pháp để tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất nhằm kéo giảm suy thoái kinh tế, khôi phục đà tăng trưởng.
Cùng với đó, đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư có ý nghĩa phục vụ công tác phòng chống dịch COVID-19, liên kết vùng, có sức lan tỏa phục vụ phát triển kinh tế - xã hội TP, phục vụ dân sinh.
Tại kỳ họp, các đại biểu HĐND TP cũng thông qua nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội TP.HCM giai đoạn 2021-2025.
Theo đó, mục tiêu cụ thể đến năm 2025 trở thành đô thị thông minh, TP dịch vụ, công nghiệp theo hướng hiện đại, giữ vững vai trò đầu tàu kinh tế, động lực tăng trưởng của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước. GRDP bình quân đầu người khoảng 8.500 USD.
Đến năm 2030 là TP dịch vụ, công nghiệp hiện đại, TP văn hóa, đầu tàu về kinh tế số, xã hội số, GRDP bình quân đầu người khoảng 13.000 USD, là trung tâm về kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học - công nghệ và văn hóa của khu vực Đông Nam Á.
Tầm nhìn đến năm 2045 trở thành trung tâm về kinh tế, tài chính của châu Á, phát triển bền vững, có chất lượng cuộc sống cao, GRDP bình quân đầu người khoảng 37.000 USD, là điểm đến hấp dẫn toàn cầu.
Các đại biểu HĐND TP cũng thông qua nghị quyết về dự toán thu ngân sách nhà nước, thu chi ngân sách TP năm 2022. Theo đó, TP.HCM đặt mục tiêu tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn năm sau là 386.568 tỉ đồng, tăng 5,9% so với dự toán năm 2021 và tăng 4,3% so ước thực hiện năm 2021. Tổng thu ngân sách địa phương là 89.739 tỉ đồng và tổng chi là 99.669 tỉ đồng.
Các đại biểu HĐND TP.HCM cũng thống nhất với phương án dự kiến bố trí nguồn vốn trung ương cho TP năm 2022 là 2.479 tỉ đồng, nguồn vốn ngân sách nhà nước của TP là 42.508 tỉ đồng; thống nhất giữ nguyên hệ số điều chỉnh giá đất năm 2022 giống như năm 2021.
Một số chỉ tiêu kinh tế - văn hóa - xã hội năm 2022 - GRDP dự kiến 6%-6,5% tùy tình hình cụ thể, duy trì tỉ trọng khu vực dịch vụ trong GRDP trên 60%. - Tổng vốn đầu tư xã hội chiếm bình quân khoảng 35% GRDP. - Chi đầu tư cho khoa học và công nghệ của xã hội đạt bình quân 0,75%/GRDP. - Tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân đạt 7%/năm. - Tỉ lệ lao động đang làm việc đã qua đào tạo nghề có chứng chỉ hoặc giấy chứng nhận đạt 86% trong tổng số lao động đang làm việc. - Giải quyết việc làm cho 300.000 người lao động. Tỉ lệ thất nghiệp đô thị dưới 4%. - Giảm 0,35% tỉ lệ hộ nghèo và 0,2% tỉ lệ hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo TP. - Phấn đấu đạt tỉ lệ 20,4 bác sĩ/vạn dân, 42 giường bệnh/vạn dân. - Tỉ lệ đất giao thông trên đất xây dựng đô thị đạt 13,32%, mật độ đường giao thông bình quân trên diện tích đất toàn TP đạt 2,32 km/km2. - Tổng diện tích nhà ở xây dựng mới đạt 6,6 triệu m2 và diện tích nhà ở bình quân đầu người đạt 21,2 m2/người. - Phấn đấu nằm trong nhóm năm địa phương dẫn đầu cả nước về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và nhóm 15 địa phương dẫn đầu cả nước về chỉ số cải cách hành chính (PAR-index). - Giữ vững an ninh chính trị, kéo giảm phạm pháp hình sự và tăng tỉ lệ điều tra khám phá án; giải quyết tin báo, tố giác tội phạm trên 90%... |