HĐND TP.HCM thông qua nhiều quyết sách thực hiện Nghị quyết 98

(PLO)- Năm tuyến đường chính, quan trọng của TP.HCM được xây dựng theo phương thức BOT.

Kỳ họp lần thứ 11 HĐND TP.HCM khóa X diễn ra cả ngày hôm qua (19-9) đã xem xét, thảo luận nhiều nội dung quan trọng ở tất cả lĩnh vực có tác động đến đời sống, xã hội trên địa bàn. Trong đó có chín nội dung nhằm cụ thể hóa những cơ chế, chính sách đặc thù được quy định trong Nghị quyết 98.

Mở rộng đối tượng hưởng thu nhập tăng thêm

Một trong những nội dung được quan tâm, thảo luận của các đại biểu (ĐB) là quy định mức chi thu nhập tăng thêm (TNTT) theo Nghị quyết 98, được thực hiện từ ngày 1-8-2023 đến hết thời gian thực hiện thí điểm Nghị quyết 98.

Nghị quyết lần này của HĐND TP.HCM đã mở rộng đối tượng được hưởng chi TNTT so với Nghị quyết 03/2018 của HĐND TP.HCM, ở thời điểm TP.HCM thực hiện Nghị quyết 54.

Nghị quyết trước đó áp dụng cho cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) thuộc các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị sự nghiệp công lập do TP quản lý; người hoạt động không chuyên trách ở cấp phường, xã, thị trấn trên địa bàn.

Lần này, TP.HCM mở rộng bốn nhóm đối tượng được hưởng TNTT gồm: ĐB Quốc hội (QH) hoạt động chuyên trách thuộc Đoàn ĐBQH TP.HCM; người làm việc theo chế độ hợp đồng lao động do cơ quan, tổ chức, đơn vị trực tiếp ký hợp đồng lao động thực hiện công tác hỗ trợ, phục vụ theo quy định của pháp luật thuộc khu vực quản lý nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị sự nghiệp công lập, một số hội có tính chất đặc thù do TP quản lý và một số cơ quan trung ương trên địa bàn TP; cuối cùng là nhóm công chức đang làm việc tại các cơ quan trung ương trên địa bàn TP.HCM...

Theo đó, mức chi TNTT tối đa là 1,8 lần mức lương ngạch, bậc, chức vụ và chi TNTT không vượt quá 0,8 lần quỹ lương cơ bản của CBCCVC, người lao động thuộc phạm vi quản lý của TP.

Theo đó, trong năm tháng cuối năm 2023, hệ số chi TNTT tối đa là 0,8 lần đối với cán bộ được chi TNTT theo ngạch, bậc, chức vụ; mức chi tối đa 3 triệu đồng/người/tháng.

Từ năm 2024 đến hết thời gian thí điểm của Nghị quyết 98, UBND TP trình HĐND TP quyết định mức chi TNTT theo hệ số và theo mức tiền cụ thể đối với các đối tượng.

Theo ĐB Phạm Hồng Sơn, với mức tăng thêm 0,8 lần thì tối đa cán bộ chỉ nhận được 2,6 triệu đồng, chưa bằng mức 3 triệu đồng đối với người được chi TNTT theo mức tiền cụ thể.

“Anh em hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, với mức tăng thêm đó thì vẫn còn thiệt thòi, nhất là anh em ở cơ sở” - ĐB Sơn nói và đề nghị nếu số cán bộ hưởng mức tăng 0,8 lần mà số tiền thấp hơn 3 triệu đồng thì nên được hưởng luôn 3 triệu đồng. Ông cũng đề nghị cộng tác viên quản lý đô thị cũng nên được hưởng chế độ này.

ĐB Huỳnh Khắc Điệp chia sẻ lần này mở rộng số đối tượng nên mức chi lớn, các quy định mức chi đã được nêu rõ trong Nghị quyết 98. Dù vậy, TP cần tiếp cận ở việc chi TNTT là tạo động lực để cán bộ phấn đấu tốt hơn, từ đó cần nâng mức chi TNTT cao hơn.

Các đại biểu HĐND TP.HCM biểu quyết thông qua nhiều quyết sách quan trọng tại kỳ họp thứ 11 ngày 19-9. Ảnh: LÊ THOA

Giải thích thêm, Phó Giám đốc Sở Tài chính Trần Mai Phương cho biết dựa trên cơ sở đối tượng mà Sở Nội vụ rà soát, Sở Tài chính đã cân đối nguồn tài chính ngân sách của TP, nguồn cải cách tiền lương để cân đối hệ số chi TNTT năm 2023 và các năm tiếp theo.

Theo bà Phương, từ ngày 1-7, mức lương cơ bản của CBCCVC lên 1,8 triệu đồng. Với mức lương cơ sở mới này, Sở Tài chính đã rà soát, cân đối, xác định mức chi TNTT cho năm tháng cuối năm 2023 là 0,8 lần.

Từ năm 2024 trở đi, sở này sẽ tiếp tục căn cứ dự toán ngân sách hằng năm và nguồn cải cách tiền lương để tham mưu UBND TP trình HĐND TP hệ số lương phù hợp với nhu cầu thực tế.

Giám đốc Sở Nội vụ TP.HCM Huỳnh Thanh Nhân cho biết Nghị quyết 98 đã mở rộng đối tượng được chi TNTT cho các hội, đoàn thể đặc thù và 11 cơ quan trung ương trên địa bàn TP gắn với việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Do đó, như Sở Tài chính đã thông tin, hằng năm TP sẽ cân đối, tính toán mức chi TNTT tối đa 1,8 lần.

Sau khi làm rõ các nội dung còn băn khoăn, HĐND TP.HCM đã thông qua nghị quyết này.

Thông qua năm dự án BOT tổng mức đầu tư 40.000 tỉ đồng

Tại kỳ họp, UBND TP.HCM cũng trình lên HĐND TP.HCM danh mục dự án đầu tư xây dựng, nâng cấp, mở rộng, hiện đại hóa công trình đường bộ hiện hữu được áp dụng loại hợp đồng xây dựng - vận hành - chuyển giao (BOT).

Có năm dự án được tập trung thực hiện trong giai đoạn 2023-2028 với tổng mức đầu tư hơn 40.000 tỉ đồng. Cụ thể, dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 13 (từ cầu Bình Triệu đến ranh tỉnh Bình Dương); dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1 (từ đường Kinh Dương Vương đến ranh tỉnh Long An); dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 22 (từ nút giao An Sương đến đường vành đai 3); dự án nâng cấp đường trục Bắc - Nam, đoạn từ đường Nguyễn Văn Linh đến cao tốc Bến Lức - Long Thành và dự án xây dựng cầu, đường Bình Tiên (từ đường Phạm Văn Chí đến đường Nguyễn Văn Linh).

Để thực hiện năm dự án này, UBND TP đề xuất bố trí bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025 (dự kiến 8.360 tỉ đồng), kế hoạch đầu tư công năm 2023 để thực hiện chuẩn bị đầu tư (dự kiến 5 tỉ đồng).

Thảo luận về nội dung này, ĐB Nguyễn Thị Hồng Nhung (TP Thủ Đức) cho rằng khi áp dụng hình thức BOT sẽ làm tăng chi phí logistics của các doanh nghiệp. Do đó, theo ĐB này, cần có phương thức, tính toán hợp lý, đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.

Trả lời, Giám đốc Sở GTVT TP.HCM Trần Quang Lâm cho biết TP.HCM có 107 tuyến đường trục chính được quy hoạch có thể triển khai theo cơ chế mới. Tuy nhiên, Nghị quyết 98 chỉ áp dụng trong năm năm nên các dự án thực sự quan trọng, cấp bách, có tính tác động lớn được đề xuất ưu tiên triển khai trước. Sở GTVT đã nghiên cứu, rà soát tính cấp bách, xem xét lựa chọn các tuyến đường chính của TP để đề xuất áp dụng phương thức BOT.

Các dự án này được sở chọn lựa ưu tiên đầu tư dựa theo năm tiêu chí là tính chất và vai trò của các tuyến đường; giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông; đánh giá sơ bộ tính khả thi về phương án tài chính của dự án; khả năng huy động vốn đầu tư từ các nhà đầu tư vào dự án; khả năng cân đối vốn ngân sách tham gia dự án.

Bí thư Nguyễn Văn Nên: “Con tàu 98” cần vận hành với tâm thế mới

Phát biểu chỉ đạo tại kỳ họp, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên đánh giá kể từ khi QH thông qua Nghị quyết 98 đến nay đã tròn ba tháng. TP.HCM đã triển khai rất nhanh các bước để bắt tay thực hiện nghị quyết.

Nghị quyết 98 đã trao cho TP.HCM nhiều cơ chế để phát triển, đi cùng đó là một khối lượng công việc rất lớn. Bí thư Nguyễn Văn Nên nói TP.HCM vẫn đang vừa làm vừa rút kinh nghiệm, tiếp tục chuẩn bị cho những vấn đề mới phát sinh, tính toán đưa ra các giải pháp tối ưu để thực hiện khả thi. Kỳ họp chuyên đề lần này cũng nhằm xem xét các chủ trương mà TP cần thực hiện.

“Sau ba tháng vừa chuẩn bị vừa khởi hành, “con tàu 98” đã đi được một đoạn đường” - ông Nên nói.

Bí thư Nguyễn Văn Nên phát biểu tại kỳ họp. Ảnh: LT

Người đứng đầu Thành ủy TP.HCM yêu cầu các ĐB cần xem xét kỹ lưỡng các vấn đề, đặt trong không gian mở của các nghị quyết, thậm chí phải linh hoạt, mạnh dạn mở ra một không gian mới hơn, rộng hơn để thực hiện. Không gian mới, theo Bí thư Nguyễn Văn Nên là phải tạo được cơ chế, động lực, khuyến khích cán bộ, đội ngũ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm.

Bí thư Nguyễn Văn Nên chia sẻ “con tàu 98” cần vận hành với tâm thế mới, tổ lái mới, từng ĐB HĐND TP phải thể hiện quyết tâm chính trị cao nhất, có sự thẩm định kỹ càng các nội dung tờ trình.

Khẳng định Nghị quyết 98 là nghị quyết mở, Bí thư Nguyễn Văn Nên yêu cầu HĐND TP phải linh hoạt, chủ động để mở được không gian đó ra trong tất cả lĩnh vực giáo dục đào tạo, giao thông, đầu tư…

....................................................

Hoàn thiện bộ máy TP Thủ Đức

Tại kỳ họp, HĐND TP đã thông qua hai nghị quyết quan trọng liên quan đến TP Thủ Đức.

Cụ thể là nghị quyết về chức năng, nhiệm vụ các tổ chức hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc UBND TP Thủ Đức; nghị quyết về cơ cấu tổ chức bộ máy các tổ chức hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc UBND TP Thủ Đức.

Theo đó, TP Thủ Đức sẽ có 16 phòng chuyên môn thực hiện chức năng quản lý nhà nước, nhiều hơn sáu phòng so với quy định chung của UBND cấp huyện.

Cơ cấu tổ chức các cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính trực thuộc UBND TP Thủ Đức giữ nguyên tám cơ quan chuyên môn gồm: Văn phòng HĐND và UBND, Phòng Nội vụ, Phòng Tư pháp, Thanh tra, Phòng LĐ-TB&XH, Phòng GD&ĐT, Phòng Y tế, Phòng TN&MT.

Cùng đó có năm cơ quan chuyên môn khác được đổi tên do chuyển chức năng, nhiệm vụ qua lại với nhau gồm: Phòng Tài chính, Phòng Kinh tế - KH&ĐT có tên theo quy định là Phòng Kinh tế, Phòng VH-TT&DL, Phòng Khoa học - Công nghệ và Thông tin, Phòng Quy hoạch - Xây dựng.

TP Thủ Đức cũng có thêm ba tổ chức hành chính mới là Phòng Giao thông công chính tiếp nhận chức năng giao thông vận tải, quản lý hạ tầng từ Phòng Quản lý đô thị.

Thanh tra xây dựng được hình thành trên cơ sở tiếp nhận chức năng từ Đội Thanh tra địa bàn TP Thủ Đức trực thuộc Thanh tra Sở Xây dựng và Đội Quản lý trật tự đô thị từ Phòng Quản lý đô thị.

Trung tâm Phục vụ hành chính công thực hiện chức năng tiếp nhận và trả kết quả, trực tiếp tiếp nhận và giải quyết một số thủ tục hành chính.

Theo dự kiến, Trung tâm Phục vụ hành chính công có ba bộ phận tiếp nhận là tiếp nhận, giải quyết và trả kết quả hồ sơ thủ tục hành chính; bộ phận kiểm tra, giám sát; bộ phận hành chính - tổng hợp.

Như vậy, TP Thủ Đức là địa phương cấp huyện đầu tiên tại TP.HCM có mô hình trung tâm hành chính công. TP Thủ Đức sẽ có 16 phòng chuyên môn thực hiện chức năng quản lý nhà nước.

Về cơ cấu tổ chức các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc UBND TP Thủ Đức, giữ nguyên các đơn vị như hiện nay. Cụ thể là cơ sở giáo dục phổ thông cấp mầm non, tiểu học, THCS, cơ sở giáo dục chuyên biệt Thảo Điền; Trường Trung cấp Đông Sài Gòn; Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên; trung tâm y tế; ban quản lý dự án đầu tư xây dựng khu vực...

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới