Chiều 23-4, TAND TP.HCM tiếp tục phiên xử sơ thẩm ông Trần Quí Thanh và hai con gái là Trần Uyên Phương và Trần Ngọc Bích về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.
Theo cáo buộc, ông Trần Quí Thanh và bà Trần Uyên Phương cho ông Nguyễn Huy Đông vay 80 tỉ đồng bằng hợp đồng giả cách chuyển nhượng hai thửa đất tại phường An Lạc, quận Bình Tân.
Khi ông Đông chuẩn bị đủ tiền để nhận lại hai thửa đất thì cha con ông Thanh yêu cầu phải trả thêm 15 tỉ đồng (tổng cộng 95 tỉ đồng), không cho chuộc lại tài sản.
Trình bày tại tòa, bị hại Nguyễn Huy Đông khẳng định các giao dịch là vay tiền, thế chấp bằng bất động sản. Ông Thanh đã đồng ý cho ông Đông vay 80 tỉ đồng với yêu cầu ông Đông phải ký chuyển nhượng cho bị cáo Trần Uyên Phương 2 thửa đất tại quận Bình Tân.
Sau khi ký chuyển nhượng, ông Đông nhận 67 tỉ đồng để tất toán khoản vay tại ngân hàng; số tiền còn lại dùng để trả lãi trước 3 tháng, phí môi giới, thuế... Khi ông Đông muốn thỏa thuận chuộc lại tài sản thì ông Thanh yêu cầu phải trả tổng 95 tỉ đồng.
Tại tòa, ông Đông mong muốn tòa tuyên hủy 2 hợp đồng mua bán; đối với 80 tỉ đồng tiền vay có 1,6 tỉ tiền thuế và ông Đông muốn được trừ 1,6 tỉ đồng này ra.
Theo HĐXX, các bị cáo khai chấp nhận kết luận cáo trạng. Tuy nhiên, HĐXX sẽ thông qua xét hỏi để làm rõ do có dấu hiệu trốn thuế, vì ông Đông vay 80 tỉ đồng nhưng ghi trong hợp đồng 67 tỉ đồng.
HĐXX cũng cho biết, các bị cáo trình bày mua bán tài sản rồi cho chuộc lại là khó tin, vì quá trình điều tra làm rõ bản chất là hợp đồng vay. Hợp đồng không trái pháp luật nhưng các bên đã giao dịch chuyển nhượng không đúng bản chất.
Nhiều trường hợp vay tài sản nhưng khi ra công chứng lại tiến hành giao dịch chuyển nhượng tài sản dẫn đến rủi ro người vay mất tài sản, không có chứng cứ sẽ không có pháp luật bảo vệ.
Bị hại khai tin tưởng ông Trần Quí Thanh và đồng ý vay là đã tự đưa mình vào quan hệ không được pháp luật công nhận, không bảo vệ.
Bị cáo Trần Uyên Phương khai chỉ nghĩ đây là hợp đồng mua bán tài sản không phải vay mượn. Sau khi nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, Phương đã chuyển 67 tỉ đồng nhưng chưa nhận đất để sử dụng.
Cũng theo cáo trạng, thông qua môi giới, ông Nguyễn Văn Chung đã vay 35 tỉ đồng của ông Thanh bằng việc ký hợp đồng giả cách chuyển nhượng 29 thửa đất tại quận Bình Tân.
Khi ông Chung chuẩn bị đủ tiền để nhận lại đất thì cha con ông Thanh yêu cầu phải trả thêm 14 tỉ, không cho chuộc lại tài sản. Trình bày tại tòa, ông Nguyễn Văn Chung đồng ý với nội dung cáo trạng.
Khi có nhu cầu vay 30 tỉ đồng, ông Chung đã thông qua Nguyễn Phi Long để vay tiền của ông Thanh. Ông Thanh đưa phương án vay tiền vay và trong 3 tháng đó có tiền thì lấy lại tài sản. Ông Chung nói không giao dịch với ông Thanh mà thông qua ông Long. Hợp đồng vay phía ông Thanh giao dịch với ông Long, chuyển nhượng tài sản ký với Trần Uyên Phương.
Tuy nhiên, ông Thanh phủ nhận và cho biết rằng ông không biết Nguyễn Văn Chung là ai. Cả Long và Chung đều trình bày không đúng. Ông Long đứng ra bán tài sản và đất được mua từ ông Lâm Hoàng, đã thanh toán một phần. Ông Thanh chuyển cho Long hơn 34 tỉ đồng và thanh toán cho ông Lâm Hoàng 11 tỉ đồng.
Bị cáo Trần Uyên Phương cũng trình bày, chưa nghe qua và không biết ông Nguyễn Văn Chung là ai cho đến khi ra tòa mới biết. Bị cáo Phương chỉ biết mua đất từ ông Lâm Hoàng.
Ngược lại, ông Long cho rằng ông Thanh nói không đúng vì đây là giao dịch vay mượn tiền. Việc thanh toán tiền cho ông Lâm Hoàng, ông Long làm theo yêu cầu của Nguyễn Văn Chung.
Tại phiên xét xử, HĐXX cũng cho rằng các bị hại đã chấp nhận rủi ro để vay tiền. Nếu không có các giao dịch chuyển tiền, nhận tiền mà chỉ giao nhận, thỏa thuận miệng thì rất khó buộc tội các bị cáo. Các bị hại đã tự đưa mình vào mối quan hệ không được pháp luật công nhận.