Ngày 23-4, TAND TP.HCM mở phiên xét xử sơ thẩm ông Trần Quí Thanh và hai con gái là Trần Uyên Phương và Trần Ngọc Bích về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.
Sau khi đại diện VKS công bố cáo trạng, là người đầu tiên bước lên bục khai báo, ông Trần Quí Thanh nói mình đã lớn tuổi, sức khỏe yếu, mắt kém, trí nhớ suy giảm nên xin dùng tài liệu của mình để trả lời câu hỏi của HĐXX.
Về cáo buộc của VKS, bị cáo Thanh nói mình chấp nhận nhưng có một số nội dung cần được làm rõ thêm.
“Cáo trạng cáo buộc bị cáo lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản của 4 bị hại đúng không?” - HĐXX hỏi.
“Bị cáo có thực hiện một phần trong đó” - bị cáo Thanh khai và cho biết khi thực hiện các giao dịch dân sự không có ý thức chiếm đoạt tài sản, đến khi VKS giải thích, bị cáo đã nhận thức hành vi của mình là chưa đúng.
Cáo trạng quy buộc, ông Trần Quí Thanh cùng hai con gái cho vay lãi suất 3%/tháng, thông qua các hợp đồng giả cách để lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản của 4 bị hại với tổng số tiền 1.048 tỉ đồng.
Trong vụ thứ nhất, thông qua người môi giới Nguyễn Hoàng Phú, cha con ông Thanh cho ông Lâm Sơn Hoàng vay 115 tỉ đồng bằng việc ký hợp đồng giả cách chuyển nhượng bốn thửa đất, lãi suất 3%/tháng, lãi phạt chậm trả 4,5%. Khi ông Hoàng chuẩn bị đủ tiền để trả, phía ông Thanh lấy lý do ông Hoàng chậm trả, không cho chuộc lại tài sản.
Khai tại tòa, bị cáo Thanh cho biết, ông Hoàng thông qua môi giới đến gặp bị cáo vay tiền. Bị cáo nói với ông Hoàng muốn vay thì ra ngân hàng vay với lãi suất thấp, không có phí môi giới; còn bị cáo chỉ mua bán chứ không cho vay lãi suất cao.
Bị cáo Thanh không cho vay mà chỉ mua bán và cam kết sẵn sàng bán lại nếu người bán có nhu cầu mua lại. Ông Hoàng có quyền đặt cọc giữ để mua bán lại và nếu không đặt cọc thì khi nào mua lại sẽ phải thương lượng lại giá. Bị cáo đã rất có thiện chí vì là người mua bán nên sau 3 tháng ông Hoàng không có tiền mua lại và xin gia hạn đặt cọc tiếp 1 tháng, bị cáo vẫn hỗ trợ.
Theo HĐXX, hành vi của bị cáo là giao dịch dân sự cho vay nhưng lúc đó chưa cấu thành tội vì là giao dịch dân sự. Tới giai đoạn cuối cùng khi bị cáo tuyên bố ông Hoàng mất quyền đối với tài sản thì bị cáo mới phạm tội.
HĐXX sẽ xem xét thái độ của bị cáo đến đâu để cân nhắc mức án phù hợp. HĐXX khẳng định bị cáo khai báo lòng vòng, không thừa nhận tội.
Sau cùng, ông Trần Quí Thanh cho rằng mình nhận tội và sẽ chấp nhận mọi phán quyết của tòa.
Tại tòa ông Nguyễn Hoàng Phú (môi giới) trình bày, ông Hoàng có nhu cầu vay tiền và thế chấp 4 thửa đất. Ông Phú lên trình bày thì ông Thanh nói không cho vay và kêu Hoàng lên gặp để trao đổi.
Việc hai bên làm việc, trao đổi ra sao ông Phú không tham gia và không đọc hợp đồng. Sau khi ông Hoàng vay được tiền thì nói ông Phú biết và trả phí môi giới. Ông Phú có đi cùng ông Hoàng ra phòng công chứng để hỗ trợ ký hợp đồng chuyển nhượng 4 thửa đất.
Bị hại Lâm Sơn Hoàng cho biết cáo trạng nêu là đúng và đây là quan hệ cho vay được thế chấp bằng tài sản. Ông Hoàng được Phú cho biết là cháu của ông Thanh và sẽ giới thiệu vay bằng 4 tài sản thông qua hình thức ký chuyển nhượng.
Ban đầu, ông Hoàng không đồng ý và được Phú thuyết phục ông Thanh là người uy tín, ký để đảm bảo khoản tiền vay. Các bên lập hợp đồng trích thưởng hỗ trợ vay tiền 100 tỉ đồng. Khi biết phải đóng trước 3 tháng tiền vay nên bị hụt tiền, ông Hoàng gặp ông Thanh trao đổi thỏa thuận vay 115 tỉ đồng để trừ lãi, phí môi giới…
Sau đó, 4 thửa đất của ông Hoàng đã được chuyển nhượng cho bà Trần Uyên Phương đứng tên. Thỏa thuận vay 115 tỉ đồng nhưng ông Hoàng nhận 2 lần tổng cộng 103 tỉ đồng (đã trừ lãi trả trước 3 tháng và thuế phí và gồm cả thuế trước bạ mà bà Phương là người phải đóng). Ông Hoàng yêu cầu tòa huỷ bỏ hợp đồng mua bán giữa hai bên.
Khai tại tòa, bị cáo Trần Uyên Phương thừa nhận hành vi như cáo trạng. Đối với giao dịch của ông Hoàng, bị cáo Phương không tham gia bàn bạc, chỉ nhận được thông tin ông Hoàng có đất muốn bán, còn cha của bị cáo (ông Trần Quí Thanh - PV) muốn mua. Bị cáo chỉ ký hợp đồng sang tên và nhận chuyển nhượng, không trực tiếp đến văn phòng công chứng.