Theo chân thầy Lê Xuân An về thôn Làng Xi, xã Ba Vì, huyện Ba Tơ để thăm một gia đình hiếu học, cứ qua mỗi bản nhỏ, người già, trẻ em thấy thầy An đều kính trọng: “Chào thầy giáo!”. Riêng già làng Phạm Văn Chảy cười, bắt tay thầy An thật chặt, rồi lắc lắc, nói: “Thằng thầy giáo hồi trước đây người ốm lắm. Bây giờ mập, khỏe nhiều. Năm mới mình chúc thầy An ở với bản làng của mình đến trăm mùa rẫy…”.
Thầy giáo Lê Xuân An cùng học sinh Trường THCS Ba Vì, huyện Ba Tơ (Quảng Ngãi). Ảnh: VÕ QUÝ
Trường học ở nương rẫy
Thầy An cười rồi đưa tay chỉ quốc lộ 24 nối Quảng Ngãi-Kon Tum giờ đã được thảm nhựa, kể: “Năm 1976, sau khi tốt nghiệp Trung học Sư phạm Nghĩa Bình, mình về miền tây huyện Ba Tơ trên chuyến xe chạy bằng than đá từ Bình Định ra ngã ba Thạch Trụ (huyện Mộ Đức, Quảng Ngãi). Từ đó, mình cuốc bộ lên Ba Tô, xã vùng cao của huyện Ba Tơ với đường dài non 100 km, mất bốn ngày liền”.
Xã “trắng” không có lấy một điểm trường học. Phòng Giáo dục huyện Ba Tơ đưa giáo viên lên “ra mắt” xã. Sau khi nhận người, cán bộ xã tính toán không thể để thầy giáo ở trụ sở UBND (cũng làm bằng tranh tre, đêm không có ánh đèn) nên đưa thầy An đến ở nhờ nhà mẹ Nhờ người H’Rê.
Thế là từ đó, thầy An bắt đầu một cuộc sống khác. Thầy hiểu muốn giao tiếp, muốn dạy học thì phải biết tiếng của đồng bào nên mang tiếng lên dạy học nhưng phải bắt đầu bằng cách học tiếng H’Rê, học phong tục tập quán của đồng bào. Con heo giờ phải gọi bằng con “chua”. Con “chua” không tính bằng kilôgam mà phải tính bằng nắm tay là “con chua hai nắm hoặc con chua ba nắm” (tức đo bụng con heo bằng vòng của hai bàn tay - PV).
Ngày ngày thầy An lên rẫy trồng lúa rẫy, trồng mì cùng mẹ Nhờ và các con. Rẫy trở thành trường học với cậu học sinh duy nhất học tiếng H’Rê là thầy An. Rồi cũng từ nương rẫy, thầy An tranh thủ dạy cho các con của mẹ Nhờ học tiếng Kinh, kể cho họ nghe những câu chuyện dưới đồng bằng rồi động viên họ đến trường. Mỗi ngày, từ nương rẫy về bản, tắm rửa qua quýt, thầy An lại rủ các con của mẹ Nhờ đi động viên các em học sinh trong bản đến lớp. Những đứa trẻ chỉ quen chân trần theo mẹ lên rẫy hoặc bắt cá dưới suối, không muốn tiếp xúc với người lạ nên việc vận động các em đến trường thật khó. Nhưng rồi người già trong bản thấy “thằng thầy giáo” thật lòng, còn lũ trẻ bị thầy An mê hoặc bằng những trò chơi, những bài hát. Thế là ở làng Tiết, thôn Mang Lùng, xã Ba Tô lần đầu tiên có một lớp học a, b, c bắt đầu từ 3 đến 5 giờ chiều mà học sinh đủ các lứa tuổi, có người tuổi bằng thầy giáo cũng tập đánh vần bi bô.
Món canh cá chí là thức ăn quen
Đợt tình nguyện lên vùng cao năm đó có 100 giáo viên. Sau một năm, ngành giáo dục Nghĩa Bình (cũ) quyết định giữ lại 12 thầy giáo nhiệt tình, biết cách động viên đồng bào đến trường học tập làm nòng cốt để phát triển giáo dục. Bàn giao lớp học cũ cho một giáo viên tình nguyện mới, thầy được điều động về xã Ba Vì, ở nhờ nhà già làng Khen ở thôn Mang Đen.
Già Khen cảm tình ngay cái “thằng thầy giáo” cùng ăn cơm lúa rẫy với muối, rau rừng và chẳng ngần ngại dùng món canh cá chí (nòng nọc nấu với rau), biết uống rượu cần, biết trả lời bập bẹ tiếng H’Rê nên sau vài tháng đã bắt con gà làm lễ cúng Giàng, lấy sợi chỉ màu buộc vào cổ tay rồi tuyên bố nhận thầy An làm con nuôi.
Ở bản, vai trò của già làng lớn lắm. Thấy “thằng thầy giáo” chật vật vận động học sinh ra lớp mà lũ trẻ cứ… trốn nên già tập hợp lũ làng bảo cha mẹ chúng đưa con đến lớp. Lúc đó có người chưa hiểu học để làm gì nhưng nghe già làng nói là theo ra lớp luôn…
Trong mùa đông đầu tiên ở Ba Vì, thầy An lên cơn sốt rét. Già Khen vác cái rựa cán dài lặn lội vào rừng sâu hái lá về sắc thuốc cho thầy uống nhưng chiều chiều thầy An vẫn lên cơn sốt, da vàng vọt, môi tím tái. Sợ bỏ xác nơi núi rừng, đồng nghiệp đã đưa thầy về quê rồi gia đình cấp tốc đưa vào BV Quy Nhơn điều trị.
“Sau những cơn sốt, đi dạo trong khuôn viên bệnh viện, nhìn những hàng cây mình lại thấy nhớ những đứa học trò quanh năm suốt tháng chỉ có chân trần và không hề biết đội mũ, nhớ cái bản khó trong những ngày mưa dầm bà con đói quay đói quắt phải ăn củ mì chấm muối thay cơm…” - thầy An kể. Để rồi ba tháng sau đó, cả thôn Mang Đen bất ngờ vì thấy thầy An trở lại bản cùng với cha của mình. Già Khen mừng ra mặt, ông chống gậy ra tận đầu bản để đón cha con thầy An...
Thấm thoát giờ đã 34 năm thầy gắn bó với vùng đất nằm dưới chân đèo Viôlắc, giờ thầy An là hiệu trưởng Trường THCS Ba Vì. Trong câu chuyện kể, thầy thường nói: “Ở đất này mình nhận được nhiều hơn là cho. Đó là một tình cảm chân thành của đồng bào đối với mình”.
Tiêu điểm Nhiều thế hệ học trò của thầy An ngày xưa đi học rồi có vợ, có chồng sinh con, rồi con cái lớn có gia đình, sinh ra cháu lại đi học trường của thầy An nên họ càng quý trọng thầy nhiều hơn. Những học trò của thầy ngày xưa giờ có người là cán bộ huyện, cán bộ tỉnh. Đi đâu, làm gì khi quay về bản vẫn luôn nhớ đến thầy. Thiếu tá Huyện đội phó Huyện đội Ba Tơ Phạm Văn Trường nói: “Không có thầy An dạy dỗ hồi đó, chắc mình cũng chỉ quanh quẩn ở nương rẫy thôi. Mình biết ơn thầy An lắm lắm”. Còn kỹ sư Phạm Văn Sư thì kể: “Nhà mình nghèo, anh em đông mà ba mẹ chỉ biết cái rẫy, cái nương thôi nên thầy An động viên mình cố gắng học hành. Bây giờ, mình ra trường công tác có quen với nhiều người dưới xuôi lên đây công tác một thời gian là tính chuyện quay về chứ không “bám trụ” như thầy An đâu. Nên càng nghĩ, mình càng thấy kính yêu thầy An”. |
VÕ QUÝ