Hết lòng vì học trò nghèo - Bài 1: Dạy tiếng Anh giữa rừng cao su

Suốt 16 năm qua, có một lớp học tiếng Anh miễn phí cho học sinh nghèo giữa rừng cao su Tây Ninh do cô Trần Thị Nhung - Phó Chủ tịch Công đoàn ngành nông nghiệp tỉnh tổ chức, giảng dạy.

Hết lòng vì học trò nghèo - Bài 1: Dạy tiếng Anh giữa rừng cao su ảnh 1

Cô Trần Thị Nhung đang dạy cho các em phát âm tiếng Anh.

Tự học… làm cô

Dạy học bằng câu chuyện, bài hát

“Tôi lên mạng, vào thư viện sưu tầm những từ, những câu Anh văn hay để các em dễ nhớ. Trong chương trình dạy của tôi có bài hát tiếng Anh, những câu chuyện đạo đức bằng tiếng Anh dễ hiểu, dễ nhớ và rất ý nghĩa. Mới tháng rồi, tôi mua được cuốn Những câu chuyện đạo đức bằng tiếng Anh. Lúc tôi đem những câu chuyện đó ra giảng, các em nhớ cốt truyện và nhớ từ vựng rất nhanh. Từ đó tôi mới nghiệm rằng giá như trong sách giáo khoa có nhiều câu chuyện, nhiều bài hát bằng tiếng Anh thì việc học sẽ vui vẻ và dễ giúp học sinh tiếp thu được bài vở.”

Là cán bộ đương chức bộn bề công việc nhưng mỗi ngày, đi làm về, cô dạy hai ca liền tới 10 giờ đêm mới nghỉ. Cô Nhung giải thích về nghiệp dạy học của mình rất đơn giản. “Năm 1994 thấy một học sinh nghèo không có tiền đóng học phí, bị đứng cột cờ suốt mấy tuần liền, tôi thương tình nên nhận làm con nuôi và đưa cháu về sống cùng. Từ đó, ngoài thời gian làm việc, tối về tôi thường hay kèm cặp cho cháu và vài cháu xung quanh nhà, riết rồi quen và lâu dần hình thành nên lớp học”. Được hỏi là bác sĩ thú y, tốt nghiệp thêm ĐH công đoàn, lấy đâu ra vốn tiếng Anh dạy các em, cô Nhung kể: “Kiến thức tôi dạy là nhờ tích lũy được từ hồi đi học và tự nghiên cứu thêm. Phương pháp sư phạm thì tôi học hỏi ở những thầy cô có chuyên môn, có kinh nghiệm giảng dạy nhiều năm. Tôi dạy theo giáo trình tiếng Anh hiện hành, vừa dạy vừa học, chủ yếu giúp các em hệ thống lại kiến thức căn bản mà các em không nắm kịp khi học ở trường”.

Bán vàng xây lớp

Những năm đầu mới dạy, cô chỉ kê một cái bàn bên hông nhà để dạy các em. Đến năm 2000, học sinh ngày càng đông, cô phải bán bốn chỉ vàng dành dụm để mua vật liệu xây mái che rộng rãi làm chỗ học quy củ. Mới đây, cô lại bỏ tiền để nối dài thêm mái che để đủ chỗ ngồi cho các em. Hiện nay, cô đang có 75 em theo học ở cả hai cấp hai và ba. Cô mua thêm bàn ghế, lắp đặt bóng đèn, quạt máy. Cô cho biết: “Sắp tới sẽ tích góp mua máy tính, máy chiếu dạy cho hiệu quả”.

“Năm đầu tiên mở lớp, có một nhóm học trò nghèo học lớp 7 đến xin học. Các em thấy nhà tôi trồng nhiều hoa cảnh, đã hứa với tôi: “Con hứa sẽ ngoan, không chơi game, đánh bài, chửi tục, đánh nhau và không hái hoa nhà cô đâu, con sẽ tưới hoa cho cô nữa”. Nhìn các em rất dễ thương, các em đã có hoài bão thì mình phải giúp các em. Giờ các em đã thành danh, tốt nghiệp ĐH Ngân hàng TP.HCM và đã có công ăn việc làm ổn định” - cô Nhung cho biết.

“Năm nào cũng thế, cứ mùng ba tết là học trò đến nhà đông nghịt. Các em đều nghèo nên có người mang đến con cá, bó rau, có em đèo sau xe cây mía, đòn bánh tét để chúc tết. Tôi không phải giáo viên dạy chính của các em mà được các em nhớ tới như thế là một điều hạnh phúc không phải ai cũng có” - cô Nhung kể.

Những con chữ tình thương

Hiện tại, món quà quý nhất của cô là những cuốn sổ ghi chép hồ sơ, danh sách học sinh và hàng ngàn lá thư, lá đơn xin vào học của các em. Mỗi em một hoàn cảnh, có em gia đình nghèo, cha mẹ là nông dân, hoặc bố mẹ mất sớm sống với ông bà,...

Cô kể: “Nhiều em như em Minh Châu, hằng ngày đạp 20 km từ huyện Châu Thành về đây học. Em Nguyễn Bá Khánh Trình, bố mất sớm, đi học nhà cô suốt hai năm nay. Nhà cách xa gần 10 km nhưng suốt mấy năm nay em gần như chưa bỏ học buổi nào. Rồi hai anh em song sinh học lớp 7 dưới xã Bình Minh, cách nhà cô gần 15 km mà ngày nào cũng đạp xe đến học đúng giờ”.

Ngoài học sinh nghèo, cô còn có một số học viên lớn tuổi cần học tiếng Anh để giao tiếp, xin việc làm. Cô Nhung chia sẻ: “Nhiều người còn đến xin học tiếng Anh để đi xuất khẩu lao động hay học thêm để làm ở các công ty nước ngoài. Tôi cũng phải cố gắng sắp xếp, kèm cặp dạy cho họ”.

Tiêu điểm

Bình đẳng trong học tập

Nhận thức về công bằng, dân chủ trong giáo dục ở nước ta còn quá hời hợt và thô sơ. Chỉ mới chú ý yêu cầu sơ đẳng bảo đảm quyền học tập (nói chính xác là quyền bình đẳng về cơ hội học tập), mà ngay việc này cũng chưa được hiểu đúng và làm tốt.

Trong khi đó, với chế độ học tập như hiện nay, buộc học sinh phải học thêm ngoài giờ rất nhiều (kể cả làm bài tập ở nhà và học thêm ngoài giờ có trả học phí) thì con em các gia đình nghèo làm sao có được cơ hội học tập thành công bình đẳng với con em các gia đình khá giả.

Cho nên được đi học mới chỉ là bình đẳng một phần. Bình đẳng về cơ hội học tập không thôi chưa đủ mà phải bình đẳng về cơ hội học tập thành công. Không phải không có lý do mà ở nhiều nước, để bảo đảm công bằng về cơ hội thành công trong học tập, để giúp con em nhà nghèo không bỏ học giữa chừng, học sinh tiểu học và trung học không phải làm bài tập ở nhà mà đều làm hết ở trường, trong những giờ tự học có thầy giám sát.

GS HOÀNG TỤY

HÀN GIANG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm