HẾT LÒNG VÌ HỌC SINH NGHÈO - BÀI 4:

Lớp tình thương giữa rừng Trường Sơn

Thầy Dũng nổi tiếng không chỉ ở tấm lòng với học sinh nghèo mà còn ở khả năng đặc biệt vừa luyện toán, lý, hóa cho học sinh giỏi vừa chuyên “trị” các học sinh yếu, kém. Nhiều học sinh thi rớt cấp III hoặc học lực yếu chỉ sau thời gian được thầy rèn luyện đã thành khá giỏi, thi đậu cấp III, thậm chí đậu đại học.

Lớp tình thương giữa rừng Trường Sơn ảnh 1

Thầy Dũng đang dạy học. Tính đến nay thầy đã có 17 năm đứng lớp và có hàng trăm học sinh đậu đại học, cao đẳng.

Lên lớp theo con

Con đường tự học để thành thầy giáo của thầy Dũng cũng thật bất ngờ, thú vị là học theo con để dạy cho con mình. Thầy kể: “Gia đình tui nghèo, không có tiền cho con đi học thêm nên tui phải cố gắng học theo con và phải học giỏi hơn để dạy lại cho chúng. Chừng nào con còn thức thì cha cũng thức, có nhiều đêm đến 1, 2 giờ sáng mới ngủ. Con tui lên một lớp thì tui cũng lên một lớp. Sau khi con cái trưởng thành, vào đại học hết, tui đủ kiến thức, kinh nghiệm dạy cho học trò”.

“Mỗi lần con đậu học sinh giỏi huyện, được ra trường chuyên học bồi dưỡng. Buổi sáng con học trường nhà, buổi chiều đi hơn 20 km ra trường huyện để ôn thi. Con còn nhỏ không đèo được cha, cha cũng bệnh tật không đèo được con. Thế là hai cha con hai xe đạp đi học cùng nhau đến khi con thi xong mới thôi”.

Các con cái của thầy học rất giỏi, đều đạt học sinh giỏi các cấp từ sự dạy dỗ của thầy. Lúc đầu, một số học sinh là bạn của con thầy đến nhờ kèm cặp, sau đó tiếng lành đồn xa, học sinh kéo đến nhà thầy học rất đông. Thầy mở lớp không chỉ một mà có nhiều lớp ở hai chỗ khác nhau.

Một điểm ở gần Trường Tiểu học xã Phúc Đồng, cách nhà thầy 10 km dành cho học sinh các xã rốn lũ huyện Hương Khê, một lớp tại nhà, cho con em vùng núi lân cận. Thầy không thu học phí, nhà làm hơn 1 mẫu ruộng, học sinh, phụ huynh có muốn trả ơn thầy thì đi gặt, đi cấy, đi cày hộ cho thầy trên phần ruộng này.

Hiện tại, mỗi ngày thầy dạy ba ca, từ 7 giờ đến 10 giờ sáng dạy cho các em rớt cấp 3, buổi chiều dạy cho học sinh có học lực trung bình và buổi tối chỉ chuyên dạy cho học sinh giỏi và luyện thi đại học. Bình quân mỗi lớp khoảng 30 học sinh.

Đất nghèo hiếu học

Thầy nhớ một kỷ niệm “Mới năm ngoái, tui đang ngồi dạy học thì có một bà cụ hơn 80 tuổi từ xã Hòa Hải cách nhà tui 15 km chống gậy đến xin cho cháu Phan Khắc Dũng vào học. Bà bảo tui cháu học yếu, thi rớt cấp III, bố cháu mới tai nạn chết, còn mẹ bị thần kinh. Cháu ở với bà nội nghèo khó nên mong thầy nhận lời giúp đỡ. Tui cảm động rơi nước mắt, cho các em nghỉ giải lao và đèo bà về tận nhà, đồng thời hứa với bà sẽ dạy cháu. Sau một năm kèm cặp, em Dũng đã đỗ vào cấp III và tiếp tục học lớp của tui”.

Nhiều em học sinh ở xa cũng tìm đến thầy. Đặc biệt có một em cách hơn 50 km đã tìm đến nhà thầy thuê trọ và học suốt thời gian hè ba năm liên tiếp. Một học sinh khác có anh chị đều học giỏi và đậu đại học, riêng em lại rớt cấp III. Em đạp xe lên nhà thầy xin học thêm, sau một năm đậu cấp III và hiện tại học lớp 11 rất khá.

Kỷ luật thép

Kết quả dạy tốt một phần là nhờ thầy đưa ra kỷ luật cứng rắn. Thầy kể: “Để nhận vào học, bố mẹ phải đến xin phép, có cam kết, nội quy đàng hoàng. Nếu bố mẹ không trực tiếp xin phép thì coi như nghỉ học không có lý do. Một buổi viết kiểm điểm phụ huynh ký, hai buổi đứng trước lớp xin lỗi, còn ba buổi thì gọi phụ huynh đến và đuổi học. Các trường hợp đánh nhau là tui đuổi ngay. Có lần một em học sinh đánh nhau nên tui đuổi học, bố mẹ mới đến nhà xin: “Nếu không học thầy, con tui thi không đậu”. Tui bắt bố mẹ làm bản kiểm điểm, cùng con đọc trước cả lớp để làm gương. Cốt làm thế để họ tìm thầy khác cho con, ai dè cả hai ông bà về làm bản kiểm điểm và xin đọc trước lớp thật”.

Sau mỗi buổi học, thầy đều làm bài kiểm tra 15 phút, sau mỗi tuần học thì kiểm tra một tiết rất quy củ. Tất cả bài kiểm tra thầy chấm chu đáo và gửi về cho phụ huynh. Vài tháng một lần, thầy họp các phụ huynh, yêu cầu mang hết bài kiểm tra của con đến để so sánh, đối chiếu với nhau nhằm đánh giá sự tiến bộ của từng học sinh. Chính nhờ thái độ dạy thật, học thật và những kỷ luật thép đó nên hàng chục em học sinh đang ngồi trên các giảng đường đại học. Riêng hai cô con gái của thầy đều học ĐH Vinh. Hằng năm, cứ dịp lễ tết, các em lại tụ tập đến thăm người thầy giáo tật nguyền - ông giáo bên mé đồi Đặng Đức Dũng.

Từ những thành tích kiên trì khai hóa cho học sinh yếu kém, thầy Đặng Đình Dũng đã được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tặng bằng khen về rèn luyện, học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Nói về phương pháp dạy học sinh dạng yếu kém, thầy cho biết điều quan trọng nhất là phải nắm bắt tâm lý của học sinh, không được chê các em dốt, các em ngu mà phải tìm ra lỗ hổng kiến thức của từng em để hệ thống lại kiến thức cho các em nhớ, hiểu. Thậm chí có những bài toán khó, thầy không vẽ lên bảng mà kêu các em ra giữa sân, cầm phấn vẽ lớn để các em dễ hình dung và nhớ lâu.

HÀN GIANG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm