Hết nhiệm kỳ đầu 5 năm, thẩm phán sẽ được bổ nhiệm cho đến khi nghỉ hưu?

(PLO)- Sau nhiệm kỳ đầu 5 năm, thay vì quy định nhiệm kỳ thẩm phán 10 năm tiếp theo như hiện nay, dự thảo mới quy định thẩm phán có nhiệm kỳ đến khi nghỉ hưu hoặc chuyển công tác khác.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

TAND Tối cao vừa công bố dự thảo lần 3 để lấy ý kiến đối với Luật Tổ chức TAND (sửa đổi) với nhiều nội dung mới.

Thành lập TAND sơ thẩm chuyên biệt

Hiện nay theo quy định tại Điều 3 Luật Tổ chức TAND 2014 thì tổ chức TAND bao gồm: TAND Tối cao; TAND Cấp cao; TAND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; TAND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và tương đương; tòa án quân sự.

Tuy nhiên, cơ quan soạn thảo đề xuất sửa đổi về cơ cấu tổ chức, không còn theo địa giới hành chính như hiện nay. Cụ thể, TAND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương sẽ đổi thành TAND phúc thẩm (ví dụ TAND TP Hà Nội đổi thành TAND phúc thẩm Hà Nội). TAND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và tương đương đổi thành TAND sơ thẩm (ví dụ TAND quận Hoàn Kiếm đổi thành TAND sơ thẩm Hoàn Kiếm); đồng thời bổ sung TAND sơ thẩm chuyên biệt.

Theo TAND tối cao, mục tiêu của việc thay đổi này là để thể chế hóa nhiệm vụ "bảo đảm tính độc lập của tòa án theo thẩm quyền xét xử" được đề ra tại Nghị quyết số 27-NQ/TW. Cơ quan soạn thảo cũng nhận định, việc thay đổi không ảnh hưởng đến hoạt động và quan hệ phối hợp với các cơ quan tiến hành tố tụng cùng cấp nhưng sẽ góp phần thực hiện nguyên tắc độc lập xét xử và khẳng định địa vị pháp lý của toà án trong Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.

Về toà án sơ thẩm chuyên biệt, dự thảo bổ sung quy định trong hệ thống tòa án có các TAND sơ thẩm chuyên biệt để xét xử một số loại án đặc thù, Việc thành lập các tòa án sơ thẩm chuyên biệt sẽ do Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định trên cơ sở đề nghị của Chánh án TAND Tối cao, tùy thuộc vào tình hình thực tế. Việc thành lập các tòa án sơ thẩm chuyên biệt sẽ bảo đảm tính chuyên nghiệp trong tổ chức và hoạt động; phát huy trình độ chuyên môn sâu của Thẩm phán, Hội thẩm trong xét xử, từ đó nâng cao chất lượng, hiệu quả giải quyết các loại việc này.

Dự kiến, nhiệm kỳ thẩm phán sau khi bổ nhiệm lại sẽ đến khi nghỉ hưu hoặc chuyển công tác. Ảnh: HG

Dự kiến, nhiệm kỳ thẩm phán sau khi bổ nhiệm lại sẽ đến khi nghỉ hưu hoặc chuyển công tác. Ảnh: HG

Không còn nhiệm kỳ thẩm phán 10 năm

Hiện nay, Luật Tổ chức TAND 2014 quy định nhiệm kỳ đầu của các Thẩm phán là 5 năm; trường hợp được bổ nhiệm lại hoặc được bổ nhiệm vào ngạch Thẩm phán khác thì nhiệm kỳ tiếp theo là 10 năm.

Tuy nhiên, TAND Tối cao đề xuất, Thẩm phán TAND Tối cao làm việc đến khi nghỉ hưu hoặc chuyển công tác khác.

Thẩm phán được bổ nhiệm lần đầu có nhiệm kỳ 5 năm, thẩm phán được bổ nhiệm lại có nhiệm kỳ đến khi nghỉ hưu hoặc chuyển công tác khác.

Thẩm phán được điều động để làm nhiệm vụ khác trong hệ thống toà án, khi quay lại làm thẩm phán không phải trải qua kỳ thi thẩm phán quốc gia, và được xếp lương vào bậc tương ứng. Nhiệm kỳ của thẩm phán thuộc nhóm này là đến khi nghỉ hưu hoặc chuyển công tác.

Đối với thẩm phán không đủ điều kiện được bổ nhiệm lại, sau đó tham gia kỳ thi tuyển chọn thẩm phán quốc gia thì nhiệm kỳ được tính là nhiệm kỳ đầu.

Lý giải cho đề xuất trên, TAND Tối cao cho biết hiện nay các quy định ràng buộc trách nhiệm của thẩm phán đã đầy đủ và chặt chẽ, nếu có vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định. Việc thay đổi về nhiệm kỳ thẩm phán được đa số ý kiến đồng ý, quy định như vậy là để thể chế hoá Nghị quyết 27 về việc “đổi mới thời hạn bổ nhiệm đội ngũ cán bộ tư pháp, nhất là đối với đội ngũ thẩm phán”, tăng cường tính độc lập của thẩm phán.

Đề xuất thành lập TAND chuyên biệt về đất đai

Trước đây, khi lần đầu TAND Tối cao đề xuất thành lập toà án sơ thẩm chuyên biệt, Pháp luật TP.HCM đã giới thiệu đến bạn đọc đề xuất thành lập toà án chuyên biệt về đất đai của ThS Lưu Đức Quang, Trường ĐH Kinh tế - Luật, ĐH Quốc gia TP.HCM.

Hiện nay tranh chấp đất đai tuỳ trường hợp mà sẽ do toà án hoặc UBND cấp có thẩm quyền giải quyết. ThS Quang cho rằng như vậy là không thực sự cần thiết, tốn kém thời gian, công sức để giải quyết nhưng có thể không mang lại hiệu quả như mong muốn của đương sự.

Do đó, ThS Quang ủng hộ phương án trao toàn quyền giải quyết tranh chấp đất đai và tài sản gắn liền với đất cho tòa án bằng việc thành lập TAND chuyên biệt về đất đai.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm