Hết sợ quá tải nhờ trạm cân tư nhân

Với quyết tâm trị xe quá tải, Sở GTVT tỉnh Đắk Lắk đã lắp đặt trạm cân lưu động trên các tuyến quốc lộ 14, 26 và 27. Điều này khiến nhiều chủ hàng và tài xế chở hàng nông sản lo âu, bởi lâu nay họ chỉ chở theo kiểu đếm bao tải hàng nông sản chất lên xe chứ không cân chính xác. Do vậy khi bị lực lượng chức năng kiểm tra, nhiều tài xế đành ngậm ngùi nộp phạt vì không thể thất hứa với bạn hàng.

Lo âu trên phần nào được gỡ bỏ kể từ khi nhiều cá nhân nhanh nhạy bỏ tiền lắp đặt các trạm cân tư nhân. Như gia đình ông Huỳnh Viết Bình ở thôn 2, xã Yang Reh, huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk đầu tư hơn 300 triệu đồng mua cân điện tử lắp đặt tại nhà để cân đo sản lượng nông sản thu mua.

“Việc sử dụng cân tại nhà rất tiện lợi khi mua bán hàng hóa cũng như giúp tôi nắm được tải trọng chính xác của các xe, ra đường không sợ mắc lỗi chở quá tải. Khi chưa có cân, chúng tôi phải cân từng bao hoặc xúc từng thúng bỏ lên cân bàn rồi cộng trừ nhân chia đủ thứ. Giờ có cân này rồi, xe chở hàng về chạy thẳng lên cân, tôi chỉ cần ngồi một chỗ vẫn biết tải trọng của từng xe. Hơn nữa khi biết chính xác lượng hàng chuyên chở, tài xế chỉ việc bon bon chạy, không lo tránh né, nằm chờ vượt lén trạm cân nên thời gian vận chuyển hàng cũng được rút ngắn” - ông Bình cho biết.

Trạm cân của ông Huỳnh Viết Bình ở thôn 2, xã Yang Reh, huyện Krông Bông (Đắk Lắk). Ảnh: PK

 Còn anh Lê Văn Năm, chủ doanh nghiệp thu mua nông sản ở xã Hòa Lễ, huyện Krông Bông, cho hay: “Nhà tôi làm nghề kinh doanh nên phải giữ uy tín với khách hàng, hứa lúc nào phải giao đúng hẹn. Trước đây tôi cứ cho chất hàng đầy xe, ra đường nhiều khi bị phạt vì chở quá tải trọng nhưng đành chịu. Giờ có các trạm cân tư nhân nên khỏe hơn nhiều. Mỗi lần chở hàng đi nhập, tôi cứ cho xe chạy đi cân trước, chỉ tốn vài giây là biết chính xác tải trọng. Chứ nếu cứ cắm đầu chạy ra đường như trước đây thì vừa mất tiền nộp phạt quá tải, vừa mất thời gian, uy tín với bạn hàng”.

Ông Y Kriăl Byă (Ama Dhen), Phó Chủ tịch UBND xã Yang Reh, huyện Krông Bông, cho biết thêm: Các trạm cân xe kể trên đều do người dân bỏ tiền túi ra trang bị nhằm phục vụ công việc mua bán hàng hóa của doanh nghiệp, kế đó là cân thuê cho các xe khác. Mức phí thu thường do họ thỏa thuận với nhau, dao động từ vài chục tới khoảng 100.000 đồng/xe tùy tải trọng.

“Từ khi có các trạm cân tư nhân đến nay, chưa một ai phàn nàn về vấn đề thu phí của các chủ cân. Các trạm cân tư nhân giúp ích rất nhiều cho người dân trong quá trình vận chuyển nông sản. Nếu mô hình này được nhân rộng, chắc chắn những vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng do xe chở quá tải sẽ giảm đi rất nhiều” - ông Y Kriăl Byă (Ama Dhen) nói.

Gần đây, nhiều chủ hàng, tài xế đã chủ động cân tải trọng trước tại các trạm cân tư nhân. Điều này giúp giảm chi phí cân đo cũng như rút ngắn thời gian xử lý cho lực lượng kiểm tra. Ngày 26-11, tỉnh sẽ cho các đơn vị là đầu mối hàng hóa ký cam kết không xếp hàng vượt quá trọng tải cho phép theo yêu cầu của Tổng cục Đường bộ Việt Nam. Khi đó, các trạm cân tư nhân sẽ phát huy hiệu quả nhiều hơn nữa.

Ông ĐỖ BÌNH CHÍNH, Phó Giám đốc Sở GTVT tỉnh Đắk Lắk

Tôi đã đầu tư hơn 600 triệu đồng lắp đặt trạm cân. Độ chính xác của cân rất cao, chỉ dao động 5-10 kg. Từ khi có trạm cân, các xe của tôi ra đường không còn nơm nớp lo bị phạt vì chở hàng quá tải. Thấy có lợi như vậy, gần đây nhiều xe tải khác cũng đến trạm của tôi cân trước để an tâm hơn khi ra đường.

Anh DƯƠNG VĂN TRƯỜNG LỘC, chủ doanh nghiệp thu mua nông sản ở TP Buôn Ma Thuột

Mỗi lần chở hàng gặp trạm cân lưu động là mình sợ lắm, lái xe lên cân mà tim đập loạn xạ, mắt chăm chăm vào đồng hồ báo số liệu. Giờ thì đỡ lo rồi bởi trước khi xuất hàng đi, mình cho xe chạy thẳng vào trạm cân tư nhân trước. Nếu quá tải thì mình nói ngay để chủ hàng hạ tải. Nhờ vậy mà lâu nay mình không bị phạt về lỗi chở hàng quá tải.

Anh TRẦN CHUNG, tài xế xe tải chở cà phê tuyến Krông Bông - Buôn Ma Thuột

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới