Dạo quanh khu chợ tìm hiểu, tôi thấy hầu như tất cả mặt hàng, từ rau quả các loại cho tới thực phẩm là thịt, cá... giá đều tăng cao hơn rất nhiều so với dịp trong Tết.
Có những mặt hàng giá tăng cao gấp rưỡi, thậm chí gấp đôi như đậu phụ, cá, rau... Khi hỏi giá cá trắm loại con khoảng hơn 1 kg, tôi giật mình khi nghe bà chủ bán cá phát giá những 120.000 đồng/kg trong khi bình thường giá cá trắm cùng loại chỉ là 70.000 đồng/kg.
Ghé hàng bán đậu phụ, tôi hỏi mua năm miếng, sau khi gói ghém rồi cho vào túi nylon cẩn thận, hỏi giá thì người bán bảo: “Của em năm miếng là 15.000 đồng”.
Tôi thắc mắc là bình thường năm miếng đậu giá chỉ là 10.000 đồng thì người bán đậu cười thanh minh: “Em thông cảm, ngày Tết mà...”. Nghe vậy, tôi cũng chỉ còn cách cười trừ.
Không chỉ mặt hàng thực phẩm là đậu phụ, cá… tăng giá và giữ ở mức cao mà một số loại rau tiêu thụ mạnh, được người tiêu dùng ưa chuộng như rau xà lách, rau cần nước, rau muống... cũng có mức giá ở trên trời. Một bó rau cần nước khoảng 500 g ở trong Tết giá chỉ là 10.000 đồng, bây giờ bị đẩy lên tới 20.000 đồng/bó.
Ngoài rau xanh thì dịch vụ hàng ăn uống với các món đặc trưng như bún, phở, giá cũng tăng cao chóng mặt khi người ăn phải chấp nhận giá đắt hơn ngày thường rất nhiều.
Không chỉ riêng năm nay mà căn bệnh tăng và giữ giá cao trong và sau dịp Tết đã gần như trở thành mạn tính, khó có thuốc chữa ở hầu hết các nơi.
Những người kinh doanh, buôn bán cứ nhân cơ hội Tết và mùa lễ hội rồi tự ý nâng giá thành lên thật cao.
Chỉ có người tiêu dùng là chịu thiệt khi mọi người phải móc hầu bao mà trong lòng đầy ấm ức, miễn cưỡng chấp nhận vì không thể không ăn, không uống...
Biết rằng giá cả có thể tăng trong mùa này nhưng tăng một cách vô tội vạ như thế thì khổ cho người tiêu dùng quá.
Thiết nghĩ việc kinh doanh, buôn bán theo kiểu tát nước theo mưa, cứ nhân cơ hội Tết, mùa lễ hội là “chém” thì không thể chấp nhận được. Vấn đề này cần các cơ quan chức năng ở địa phương phải vào cuộc để kiểm soát mức giá của các mặt hàng, giữ cho thị trường giá luôn bình ổn.