Những ngày cận Tết, người dân từ TP.HCM bắt đầu ồ ạt về quê đón Tết. Lượng người quá đông khiến các bến cháy vé xe giường nằm, nhiều người đã tự chọn giải pháp kém an toàn là ra ngoài đường để bắt xe đi ngay, chấp nhận bị nhồi nhét, “chặt chém”... Trong khi đó, tại Ga Sài Gòn đông nghẹt người nằm chờ la liệt vì chậm tàu.
Bến cóc nhan nhản
Cầm trên tay ba tấm vé, anh Thái cùng vợ và con thở phào nhẹ nhõm. “Tôi đăng ký mua ba vé trước Tết về Phú Yên, lúc đó nhân viên bán vé chỉ đưa vé tạm, nói là sẽ xuất vé sau. Tiền thì trả hết rồi, nay ra thì nhân viên bán vé đã xuất vé” - anh Thái chia sẻ.
Theo anh Thái, anh mua với giá 450.000 đồng một vé nhưng nay nhà xe xuất vé và giá niêm yết trên vé là 430.000 đồng. “Tiền chênh lệch không quan trọng, giờ có vé đi là may rồi” - anh Thái nói.
Nhưng không phải hành khách nào cũng may mắn như anh Thái. Nhiều người do không đăng ký mua vé trước nên giờ không còn cơ hội có một tấm vé chính thức vì nhiều quầy dán thông báo hết vé. Họ đành chọn giải pháp không an toàn là ra đường bắt xe đi ngay.
Dọc quốc lộ 13 đoạn dưới cầu Bình Triệu 1, PV ghi nhận các lơ xe đứng ngay cửa xe chồm ra ngoài vẫy khách, giành giật khách đang tay xách nách mang hành lý tạo nên một khung cảnh hỗn loạn. Chỉ một đoạn ngắn khoảng 500 m nhưng có đến bốn, năm bến cóc (nơi tập trung những khách bắt xe dọc đường) mọc lên.
“Những ngày cuối năm khu vực này khách bắt xe dọc đường nhiều lắm. Bắt xe dọc đường vừa không có vé vừa dễ bị nhồi nhét, bỏ khách giữa đường” - chị Hồng, người bán nước trái cây ép trên đoạn quốc lộ 13 này cho biết.
Cũng theo chị Hồng, tình trạng nhồi nhét khách thường xảy ra vào dịp Tết vì khách đông. Không chỉ đối với các xe đò không có thương hiệu mà cả những xe giường nằm cũng nhét khách ở “luồng” (lối đi giữa các hàng ghế).
Một hành khách nam vừa tới cổng bến xe, dáo dác tìm quầy bán vé để mua vé về Hà Nội thì được một phụ nữ tiến lại “tư vấn”: “Em về Hà Nội hả, đợi chị chút, chị gọi bạn chị bán vé ra đây tư vấn em luôn”. Người phụ nữ lấy điện thoại ra gọi. Chỉ năm phút sau, một thanh niên chạy đến và ra giá cho chuyến xe về Hà Nội là 1,4 triệu đồng giường nằm. “Có nhét khách không chị, em sợ ngồi nhồi nhét lắm” - người thanh niên hỏi. Chị phụ nữ nói: “Tất nhiên họ sẽ nhét khách ở luồng giữa chứ em. Tết mà nhưng ra bến họ mới nhét chứ trong bến thì không dám nhưng em đi vé nằm một mình một giường không sao đâu”.
Cùng ngày, ghi nhận tại Bến xe Miền Tây, lượng hành khách đến đây đông hơn ngày bình thường. Do chưa phải là thời gian cao điểm nên người dân khá thoải mái mua vé. Tại đây, chưa xảy ra tình trạng cháy vé.
Nhà xe bắt khách trên quốc lộ 13 đoạn dưới cầu Bình Triệu 1, quận Bình Thạnh. Ảnh: K.CƯỜNG
Hành khách nằm ngồi la liệt nhiều giờ liền chờ tàu ở Ga Sài Gòn. Ảnh: H.LONG
Nằm ngồi la liệt chờ tàu
Chiều 28-1, tại Ga Sài Gòn rơi vào tình trạng quá tải hành khách do nhiều chuyến tàu bị dời giờ khởi hành. Trung bình mỗi chuyến phải dời lại năm, bảy giờ đồng hồ, trong khi lượng hành khách đổ về ngày một đông, họ trải chiếu ngồi, nằm chật kín sảnh đợi trong sân ga.
Ghi nhận của PV, hành khách tỏ ra mệt mỏi. Chị Lê Thị Lan, quê Nam Định, cho hay: “Chuyến tàu của tôi đáng lẽ đi lúc 13 giờ nhưng nay bị dời đến 19 giờ. Cả nhà đến từ lúc 11 giờ, phải mua chiếu trải ra bãi cỏ nằm nghỉ tạm”.
Anh Nguyễn Văn Vinh, quê Quảng Ngãi, đi chuyến tàu SE26 đáng lẽ khởi hành lúc 11 giờ 15 nhưng nay bị dời đến 17 giờ do sự cố tàu trật đường ray ở Bình Thuận ngày 27-1. “Gia đình tôi có con nhỏ nên rất cực. Đến từ lúc 11 giờ mà phải chờ thêm bảy, tám tiếng nữa, nhân viên nhà ga cho biết tàu của chúng tôi sẽ bắt đầu lúc 5 giờ chiều, tuy nhiên đó chỉ là dự kiến chứ chưa phải là giờ chính xác” - anh Huy chán nản nói.
Trao đổi với PV, ông Đỗ Quang Văn, Giám đốc Chi nhánh Vận tải đường sắt Sài Gòn, cho biết nguyên nhân chính dẫn đến việc nhiều chuyến tàu bị tạm ngừng và trễ nhiều giờ liền là do sự cố tàu trật đường ray ở Bình Thuận. “Hiện chúng tôi đang sắp xếp lại lịch trình để đảm bảo cho người dân sớm lên tàu. Còn tình trạng người dân trễ tàu phải nghỉ lại ở nhà ga, chúng tôi sẽ ghi nhận tình hình và có phương án hỗ trợ, sắp xếp để người dân được thoải mái hơn” - ông Văn nói.
Bến xe nói đảm bảo đủ xe
Trao đổi với PV, ông Trần Thanh Việt, Phó Trưởng phòng Vận tải Bến xe Miền Đông, cho biết hôm nay khách bắt đầu tăng cao hơn so với những ngày trước. “Khách đã tăng 30% so với ngày thường, có những ngày lượng khách tăng đến 60%. Hiện vé xe Tết vẫn còn nhưng đó là vé ngồi, còn những xe giường nằm thì hiện đã hết vé” - ông Việt nói.
Về phương án đảm bảo an toàn giao thông, Trung tá Nguyễn Văn Bình, Đội trưởng Đội Tham mưu Phòng CSGT Đường bộ - Đường sắt (PC08), Công an TP.HCM, khẳng định: Nhằm chủ động trong công tác đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông vào dịp Tết nguyên đán, phòng đã tăng cường lực lượng tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các lỗi vi phạm an ninh trật tự, an toàn giao thông. |
Theo ông Việt, hiện bến xe chưa phát hiện tình trạng bán quá giá vé so với giá niêm yết của các hãng xe. Bến xe cũng liên tục phát loa cảnh báo hành khách không mua vé của “phe vé’’, không mua vé chợ đen mà vào bến mua để tránh bị lừa.
Ông Kiều Nam Thành, Tổng Giám đốc Bến xe Miền Đông, khẳng định đã lên các kế hoạch để đảm bảo cho người dân ai cũng có vé về quê dịp Tết, đảm bảo an toàn. “Còn với các bến cóc ngoài bến xe thì trách nhiệm đó sẽ do cơ quan chức năng xử lý” - ông Thành nói.
Phía Bến xe Miền Tây, ông Đặng Nguyễn Nguyên Huân, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Bến xe Miền Tây, cho biết thời điểm người dân đi lại nhiều nhất trong dịp Tết thường là ngày 28 âm lịch. Đối với những tuyến đường ít người đi, chuyến xe không có nhiều trong ngày thì phía bến xe có bố trí lực lượng bảo vệ hướng dẫn người dân đi xe nào là đúng tuyến để tránh tình trạng sang, bán khách dọc đường. “Nếu có trường hợp hành khách bị bến xe làm khó, thu thêm tiền, đưa khách không đúng địa điểm, nhồi nhét… thì hành khách có thể báo ngay cho bộ phận tiếp nhận của bến xe hoặc gọi đường dây nóng của Bến xe Miền Tây sẽ được giải quyết ngay” - ông Huân chia sẻ.
Ông Trần Quốc Khánh, Chánh Thanh tra Sở GTVT TP, cho biết vừa qua thanh tra đã kiểm tra việc niêm yết giá, các điều kiện an toàn xe khi xuất bến tại Bến xe Miền Đông, Miền Tây… “Về bến cóc hay bến tự hình thành bên ngoài bến thì sẽ do quận/huyện xử lý. Chúng tôi sẽ xử lý việc dừng, đón trả khách không đúng nơi quy định” - ông Khánh thông tin thêm.
Máy bay chậm chuyến, khách hàng phàn nàn Theo ghi nhận của PV, từ sáng đến 15 giờ ngày 28-1, lượng hành khách đổ về Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất để về quê đón Tết tăng cao. Tại ga quốc nội, khu vực làm thủ tục lên máy bay của các hãng, hành khách xếp hàng chờ làm thủ tục tại các quầy gần như không còn chỗ trống. Tương tự, tại khu vực ga quốc tế, lượng khách Việt kiều, du học sinh, lao động về quê đón Tết đông nên khu vực sảnh luôn có “biển người” đi đón người thân nên khung cảnh vô cùng náo nhiệt. Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, đại diện các hãng hàng không thừa nhận có tình trạng chậm chuyến khiến khách hàng phàn nàn. Việc chậm chuyến có nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân do ảnh hưởng sương mù ở các tỉnh phía Bắc và Bắc Trung bộ nên tác động dây chuyền các chuyến bay tiếp theo. Đáng chú ý, lực lượng an ninh hàng không liên tục đi tuần, có mặt tại các điểm nóng hướng dẫn phương tiện đưa khách vào ra sân bay nên hạn chế được tình trạng ùn tắc. Cùng đó tình trạng chèo kéo khách cũng giảm đáng kể. |