Hiểm họa từ “cơn lốc vàng đen”

LTS. Trên các số báo trước chúng tôi đã phản ánh chuyện khai thác titan vô tội vạ, xuất khẩu lậu quặng thô làm phá vỡ quy hoạch, ô nhiễm môi trường ở Bình Định, Bình Thuận.

Tình trạng này còn xảy ra ở Quảng Trị và nó còn gây ra những cái chết thương tâm vì những cái bẫy của công trường khai thác titan để lại...

Những cánh rừng phi lao hàng chục năm tuổi ở vùng cát ven biển các huyện Vĩnh Linh, Gio Linh và Hải Lăng đã bị nạn khai thác titan hủy diệt, nguồn nước cạn kiệt, cát bụi bay mịt trời cùng những cái chết thương tâm...

“Người dân tiếp tục đói nghèo...”

Mới đây, Quảng Trị tiếp tục cấp phép cho Công ty Cổ phần Khoáng sản Hiếu Giang khai thác titan trên 12,8 ha đất tại thôn Cam Phổ, xã Gio Mỹ, huyện Gio Linh. Anh Nguyễn Văn Minh, người dân thôn Cam Phổ, lo lắng: “Đây là vùng trồng rừng phi lao chắn cát ven biển, trong đó có cả phần mộ của người dân. Việc đào xới, hút cát làm vùng này trơ trọi, khát cháy như một sa mạc...”.

Ông Lê Văn Dũng - Chủ nhiệm HTX Cam Phổ nói: “Ở đây có một cái hồ nước tưới cho hơn 15 ha ruộng lúa của thôn và chưa khi nào cạn nước. Thế nhưng từ khi công ty khai thác titan về đào xới, hút cát, hồ đã cạn kiệt!”. Chính quyền xã Gio Mỹ và người dân đã nhiều lần kiến nghị lên các cấp, các ngành liên quan ngưng khai thác titan để bảo vệ vùng rừng chắn cát duy nhất trên địa bàn nhưng bị phớt lờ.

Hiểm họa từ “cơn lốc vàng đen” ảnh 1

Sau khi khai thác titan, nhiều công ty đã không hoàn trả mặt bằng mà để lại những hố sấu hoắm bẫy người dân. Ảnh: HÀ LINH

Tại xã Trung Giang, huyện Gio Linh, người dân phản đối kịch liệt việc cấp phép khai thác titan tại vùng đất này. Người dân đã kéo ra ngăn không cho xe vận chuyển lắp đặt giàn máy khai thác trên đất vì lo sợ sẽ phá tan rừng chắn cát, chắn bão nhưng bất lực. Hậu quả là rừng mất dẫn đến nạn cát bay, cát nhảy và mạch nước ngầm cạn kiệt khiến cuộc sống của người dân trong thôn đảo lộn... Ông Dương Đức Chúng - một cựu chiến binh thở dài: “Cây rừng bị chặt phá hết, gió Lào khiến cát bay lên phủ lấp hết vườn tược, nguồn nước ngầm thì cạn kiệt, đất trồng hoa màu bỏ hoang. Cứ đà này, người dân tiếp tục nghèo đói!”. Tại vùng khai thác titan ở thôn Cang Gián như một hoang mạc, cát bay mịt mù xâm lấn đất nông nghiệp, phủ kín nhà dân, đồng trống trơ vì thiếu nước.

Chạy dọc theo mép biển tại các điểm mỏ ở xã Vĩnh Thái, huyện Vĩnh Linh là cả chục giàn khai thác titan của Công ty Cổ phần Khai thác khoáng sản Quảng Trị đang hoạt động. Cát từ những “núi cát” cao hơn 30 m bay mịt trời vì hàng ngàn cây phi lao của rừng chống bão có tuổi đời hàng chục năm trên những đồi cát làm bình phong che chắn cho làng biển đã bị chặt trụi để phục vụ khai thác titan. Mưa bão thì không đợi cây phi lao lớn thành rừng mới ập vào...

Chết vì các hố khai thác titan

Theo quy định, sau khi khai thác đơn vị phải có trách nhiệm hoàn thổ, san lấp mặt bằng, trồng cây phục hồi môi trường... Tuy nhiên, trên thực tế việc này không được thực hiện. Vì thế, ngoài những núi cát còn có những cái hố sâu hoắm như những cái bẫy hại người và đã xảy ra những cái chết thương tâm vì sụt cát, sụp hồ nước ở các điểm khai thác titan...

Có bảy cựu chiến binh ở xã Trung Giang, huyện Gio Linh bị xóa tên vì lý do tham gia khiếu kiện vượt cấp. Ngoài ra, tám cựu chiến binh bị phê bình trước hội nghị và ba cựu chiến binh bị kỷ luật cảnh cáo cũng vì lý do tham gia khiếu kiện vượt cấp chống lại việc Công ty TNHH Thống Nhất khai thác titan trên địa bàn.

Cuối năm 2008, em Nguyễn Văn Thẩm, học sinh lớp 9 (ở thôn Cang Gián, xã Trung Giang, Gio Linh), đã bị cát vùi và chết khi đi qua vùng mỏ khai thác titan của Công ty TNHH Thống Nhất. Dù em bị cát vùi nhưng công ty vẫn khai thác bình thường vì “không làm hết thời gian của ca sẽ không đạt năng suất”. Công ty buộc phải ngừng khai thác khi lực lượng chức năng có mặt cùng với đông đảo người dân địa phương...

Mới đây, ông Nguyễn Văn Nông, 75 tuổi, ở thôn Cam Phổ, huyện Gio Linh lại rơi xuống hố khai thác titan của Công ty TNHH Hiếu Giang khi ông đi ngang qua hố này và bị cát bất ngờ tụt. Nơi ông Nông chết là địa điểm đã ngưng khai thác titan từ lâu nhưng công ty không lấp, không hoàn trả mặt bằng theo quy định.

Trong những ngày đi thực tế, chúng tôi ghi nhận có đến hơn nửa diện tích đất đã khai thác titan chưa san trả mặt bằng đúng quy định tạo thành những núi cát... Ông Võ Trực Linh,Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Trị, cho biết trữ lượng titan trong tỉnh không cao (khoảng 1,5 triệu tấn) nhưng khai thác nó có lợi nhuận cao, vốn đầu tư thấp nên nhiều công ty tham gia. Trước đây việc cấp phép, khai thác ồ ạt và chưa có kinh nghiệm quản lý môi trường nên gây ra nhiều hệ quả xấu... Hiện việc khai thác titan vẫn chưa khắc phục tình trạng cát bay, cát nhảy vào mùa khô.

NGUYÊN LINH - VIẾT LONG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm