“ĐẠI CÔNG TRƯỜNG” KHAI THÁC TITAN Ở BÌNH ĐỊNH - BÀI 2:

Bờ biển mất rừng, nước ngọt cạn kiệt

Những cánh rừng dương phòng hộ dày đặc ven biển được trồng từ những năm đầu những năm 1980 nay đang bị các dự án khai thác titan triệt phá không thương tiếc.

Bức tử rừng ven biển

Ở xã Mỹ Thành, huyện Phù Mỹ, những cánh rừng dương ven biển dần dần bị đốn hạ. Bãi biển ở Mỹ Thành giờ trống trơn, chỉ còn những hố hầm có chu vi hàng trăm mét, sâu đến 20-30 m, chứa những bè hút cát, giàn lọc titan. Ông Lê Văn Thanh (thôn Vĩnh Lợi, xã Mỹ Thành) bức xúc: “Thôn Vĩnh Lợi như một bán đảo mà giờ không còn rừng phòng hộ. Họ ồ ạt đặt máy hút cát rất sâu khiến bờ biển như bị rỗng ruột. Nay mai nước biển xâm thực sâu vào, chúng tôi biết ở đâu?”.

Hàng loạt cánh rừng phòng hộ, rừng sản xuất ven biển tại các xã Mỹ Thành, Mỹ Thọ, Mỹ An, Mỹ Thắng (huyện Phù Mỹ), Cát Khánh, Cát Thành, Cát Hải, Cát Tiến (huyện Phù Cát) đã và đang bị khai tử. Ông Trần Văn Thông ở xã Cát Hải, huyện Phù Cát nói: “Khi những dự án khai thác titan đến đâu, rừng dương chắn cát lần lượt gục ngã đến đó. Nghe đâu nhiều doanh nghiệp đang xin mở rộng diện tích khai thác. Không biết bao nhiêu rừng sẽ bị triệt hạ khi bên dưới những cánh rừng này vẫn còn các mỏ titan”. Một cán bộ Phòng Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) huyện Phù Mỹ thừa nhận chưa thống kê hết diện tích rừng ven biển bị chặt để khai thác titan nhưng mỗi giấy phép khai thác titan có thể triệt hạ vài hecta rừng. 

Bờ biển mất rừng, nước ngọt cạn kiệt ảnh 1

Một giàn lọc titan ở xã Mỹ Thọ, huyện Phù Mỹ, Bình Định. Ảnh: TẤN LỘC

Ai phải trồng lại diện tích rừng bị triệt hạ nói trên? Ông Huỳnh Quang Vinh, Trưởng phòng Quản lý tài nguyên khoáng sản - Sở TN&MT Bình Định, cho biết: “Theo thỏa thuận, sau khi khai thác, doanh nghiệp phải trồng lại toàn bộ diện tích rừng bị chặt phá, trả lại nguyên trạng mặt bằng”. Thế nhưng ông Vinh cũng thừa nhận hiện tỉnh chưa kiểm soát được những vấn đề hậu khai thác titan. Nhiều doanh nghiệp chỉ lo khai thác mà không trồng lại rừng nên hầu hết diện tích đất sau khi khai thác trở nên hoang hóa với đầy hầm hố, núi cát.

Dân sống chung với cát bay

Do không còn rừng dương chặn cát nên gặp mùa nắng nóng, người dân càng khốn khổ hơn với nạn cát bay, cát tràn. Bà Nguyễn Thị Hai (thôn Hưng Tân, xã Mỹ Thành, huyện Phù Mỹ) kể: “Mỗi khi có gió biển, cát bay mịt mù. Nhiều khi đang ăn cơm, cát bay rào rào vào mâm, phải bỏ bữa. Nhiều nhà phải chui vào mùng ngồi ăn cơm, thảm lắm! Ngay cả giặt giũ quần áo cũng không biết phơi đâu vì chỗ nào cát cũng bay rát mặt”.

Xung quanh nhiều khu khai thác titan có những khu đất sản xuất bị bỏ hoang do cát tràn lấp dày. Người dân chỉ cho xem những khu đất sản xuất bị bỏ hoang do cát tràn, lấp dày, không cây gì sống nổi. Ông Đặng Văn Hợp, Chủ tịch UBND xã Mỹ Thành, xác nhận người dân nơi đây đang rất bức xúc trước nạn cát bay, cát tràn.

Đóng phạt rồi vi phạm

Song song đó, người dân ở xã Mỹ Thành đang rơi vào cảnh thiếu nước sinh hoạt trầm trọng. Hằng ngày, hàng trăm chiếc máy thi nhau khoan hút nước ngầm để lọc titan. Ông Phan Văn Thìn ngụ ở đây cho biết: “Trước đây giếng nhà tôi đủ cung cấp cho hàng chục gia đình nhưng gần năm nay đã trở nên cạn kiệt”.

Bờ biển mất rừng, nước ngọt cạn kiệt ảnh 2

Sau khi khai thác titan, các doanh nghiệp để lại những hầm hố cát khổng lồ ở xã Mỹ Thọ, huyện Phù Mỹ, Bình Định. Ảnh: TẤN LỘC

Theo ông Nguyễn Kim Phương, Giám đốc Sở Công thương Bình Định, các doanh nghiệp sử dụng rất nhiều nước ngọt để tách titan. Tuy nhiên, hiện nhà nước không quản lý được lượng nước cần dùng khi khai thác một tấn quặng là bao nhiêu để thu thuế tài nguyên. Phó Chủ tịch UBND huyện Phù Mỹ Hà Ngọc Tân cho biết: “Thực tế, sản lượng titan khai thác rất lớn nhưng hiện mức thuế tài nguyên còn thấp, chỉ 50.000 đồng/tấn. Trong khi đó, hạ tầng giao thông ở địa phương hư hỏng rất nhanh do lượng xe chở titan quá tải ra vào các mỏ”.

Ông Nguyễn Văn Lịch, Trưởng phòng TN&MT huyện Phù Mỹ, thừa nhận: “Trước khi tiến hành khai thác, các doanh nghiệp đều cam kết bảo vệ môi trường. Nhưng khi khai thác, họ không thực hiện đúng yêu cầu đề ra”. Ông Huỳnh Quang Vinh cho biết lần nào kiểm tra, các cơ quan chức năng cũng xử phạt các doanh nghiệp vi phạm nhưng đâu lại vào đó. Doanh nghiệp sẵn sàng đóng phạt rồi tiếp tục vi phạm.

Những dự án khai thác titan trong ba năm không phải đánh giá tác động môi trường, các doanh nghiệp chỉ làm cam kết bảo vệ môi trường, không có chế tài kèm theo. Điều này càng làm tăng tình trạng hủy hoại môi trường do khai thác titan.

Ông NGUYỄN KIM PHƯƠNG, Giám đốc Sở Công thương Bình Định

Chưa có kinh phí tái đầu tư vùng mỏ

Theo quy định, doanh nghiệp khai thác titan phải trích lợi nhuận 80-160 triệu đồng/ha để hỗ trợ các địa phương cải tạo, tu sửa đường giao thông, xây dựng cơ sở hạ tầng. Tuy nhiên, theo một số cán bộ lãnh đạo các huyện Phù Mỹ, Phù Cát, đến nay vẫn chưa thể thu nguồn kinh phí này do các dự án được cấp phép trước khi có quy định trên.

TẤN LỘC

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm