“Đây là cơ hội để đa phương hóa các quan hệ kinh tế quốc tế, đưa nền kinh tế Việt Nam thoát khỏi tình trạng phụ thuộc quá lớn vào một vài thị trường, bảo đảm sự phát triển tự chủ và bền vững…”. ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), phát biểu tại phiên thảo luận tại hội trường về Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) ngày 5-11.
Phê chuẩn đồng thời có chương trình hành động
Ông Lộc cũng bày tỏ sự lo lắng bằng dẫn chứng: Thực hiện 10 FTA (hiệp định thương mại tự do) mà chúng ta đã ký kết, phần lợi ích thực sự chúng ta đạt được còn khiêm tốn. Riêng các lợi ích từ ưu đãi thuế quan, trung bình chúng ta mới chỉ tận dụng được chưa đầy 40% (và chủ yếu thuộc về các FDI). Hơn 60% còn lại vì nhiều lý do khác nhau đã tuột khỏi tay doanh nghiệp (DN) Việt.
“Việc ký kết và phê chuẩn CPTPP là một quyết định chính trị quan trọng. Nhưng việc quan trọng hơn là phải xây dựng được các cơ chế bảo đảm nâng cao năng lực của cả chính quyền và DN để có thể hiện thực hóa thành công các cơ hội được mở ra” - ông nói.
Ông đề nghị cùng với việc phê chuẩn, Quốc hội giao nhiệm vụ cho Chính phủ xây dựng và triển khai chương trình hành động bảo đảm thực thi hiệp định có hiệu quả, không chỉ để tuân thủ các cam kết trong hiệp định mà còn để ứng phó với các thách thức và tận dụng được các cơ hội mở ra.
Theo ông Vũ Tiến Lộc, Việt Nam chưa có được dự kiến nào về các chính sách để cân đối, bù đắp phần thu ngân sách bị thiếu hụt từ việc loại bỏ thuế theo cam kết: “Tôi e rằng nếu chúng ta không có ngay những dự kiến về việc này thì khi nguồn thu thiếu hụt, Quốc hội và Chính phủ sẽ phải hành xử ra sao? Liệu chúng ta có phải dùng đến các biện pháp tăng thuế, tăng phí, tận thu… khiến DN và người dân bức xúc…” - vị đại biểu dẫn chứng thêm.
Đối với DN, từ kinh nghiệm của thực thi WTO và các FTA, vị đại biểu cũng đề nghị Chính phủ và đoàn đàm phán cần có đầu mối chính thức để hướng dẫn và tư vấn cho DN về nội dung của các cam kết.
Đại biểu Quốc hội TP.HCM Trần Hoàng Ngân phát biểu. Ảnh: TTXVN
Sức cạnh tranh hàng hóa Việt Nam thấp trong khối
Nhận định sự cạnh tranh gay gắt từ các DN nước ngoài sẽ diễn ra quyết liệt, đại biểu (ĐB) Thạch Phước Bình (Trà Vinh) khẳng định điều này sẽ gây lên không ít áp lực cho hàng hóa Việt Nam trong việc cạnh tranh với các quốc gia khác ngay tại thị trường trong nước. Hơn nữa, khả năng thích nghi của các DN Việt với kinh tế thị trường còn kém nên nguy cơ thất bại của các DN ngay trên thị trường nội địa cũng vì thế mà tăng. Ông đề nghị Chính phủ đánh giá thêm tác động về lợi ích, thách thức của việc tham gia Hiệp định CPTPP.
Nhìn thẳng vào thực tế sức cạnh tranh của các mặt hàng của Việt Nam so với các nước trong khối này, ĐB Hoàng Văn Cường (ĐB Hà Nội) cho rằng “10 mặt hàng chính thì Việt Nam xếp vào nhóm cuối cùng, thấp nhất”. Mặt hàng nước ta được đánh giá là có lợi thế lớn nhất là dệt may, giày da, đồ gỗ thì cũng chỉ hạng thứ ba. Còn các mặt hàng như thịt các loại, mỹ phẩm, văn phòng phẩm, phim ảnh… đứng từ thứ bảy đến thứ 11 trong khối, “tức là sức cạnh tranh rất kém” - ông nói.
Vì vậy, theo đB Cường, trong thỏa thuận của Hiệp định CPTPP có một điều kiện quy tắc xuất xứ hàng hóa có tính hàm lượng giá trị khu vực. Vì vậy, một vấn đề đặt ra hết sức cấp bách là phải có lộ trình nhanh chóng, sớm chuyển đổi các nguồn nguyên liệu đang nhập từ ngoài CPTPP để chuyển thành sản xuất nguyên liệu ngay trong nước hoặc nhập của các quốc gia trong khối này. Khi đó hàng hóa Việt Nam mới đảm bảo đủ điều kiện về quy tắc xuất xứ…
“Đồng thời đây cũng là cơ hội rất tốt để thu hút các nhà đầu tư vào sản xuất những yếu tố nguyên liệu, tạo ra một chuỗi giá trị khép kín cho sản xuất trong nước, giảm gia công…” - ông Cường nói.
Thách thức cho tổ chức công đoàn
Về việc khi gia nhập Hiệp định CPTPP sẽ có tổ chức đại diện người lao động tại DN bên cạnh tổ chức công đoàn hiện hữu, ĐB Bùi Sỹ Lợi (Thanh Hóa) cho rằng dự thảo Luật Lao động Chính phủ cũng đang dự kiến cho thành lập tổ chức đại diện người lao động cạnh tổ chức công đoàn. Đây là một tổ chức không mang màu sắc chính trị, chủ yếu bảo vệ quyền lợi hợp pháp về quan hệ lao động và không có các hành động khác liên quan đến chính trị.
“Tôi nghĩ rằng đây cũng là cơ hội và thách thức nhưng cơ hội đối với tổ chức công đoàn cao hơn cho nên dự thảo Bộ luật Lao động cũng cần được xem xét để nghiên cứu… Tuy nhiên, đây là vấn đề khó, chưa có tiền lệ ở Việt Nam...” - ông Lợi nói.
ĐB Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, thừa nhận sự ra đời của đại diện người lao động bên cạnh tổ chức công đoàn khiến Công đoàn Việt Nam sẽ phải đối mặt với những thách thức lớn, chưa có tiền lệ. Trong khi tổ chức Công đoàn Việt Nam đồng thời phải thực hiện chức năng của đoàn thể chính trị trong hệ thống chính trị Việt Nam thì tổ chức khác chỉ thực hiện nhiệm vụ bảo vệ, chăm lo quyền và lợi ích của người lao động. Bên cạnh đó sẽ phát sinh không ít những khó khăn trong việc triển khai các quy định của pháp luật về đối thoại, thương lượng tập thể, ký kết thỏa ước lao động tập thể, lãnh đạo và tổ chức đình công…
“Thách thức là vậy nhưng vì lợi ích quốc gia, dân tộc là trên hết, Công đoàn Việt Nam sẵn sàng chấp nhận, vượt qua thách thức, coi đây là cơ hội đổi mới mạnh mẽ tổ chức và hoạt động của tổ chức mình…” - ông Hiểu nói.
Trong việc sửa đổi Bộ luật Lao động, ông Hiểu đề nghị cần thiết lập những quy định thông minh, vừa đảm bảo cam kết của Việt Nam với các đối tác nhưng vừa linh hoạt trong việc thực thi, tổ chức thực hiện…
Nhấn mạnh đến cơ hội của Việt Nam nhưng ĐB Trần Hoàng Ngân (TP.HCM) đặt câu hỏi: Tại sao các nước mời Việt Nam tham gia vào hiệp định này dù GDP bình quân đầu người chúng ta chỉ có 2.380 USD trong khi bình quân của họ là 30.000 USD? Ông lý giải: Tôi nghĩ điểm quan trọng các nước nhìn thấy đó là thị trường 95 triệu dân. Trong 500 triệu dân của khu vực này, tổng số dân số của ba nước Nhật Bản, Mexico và Việt Nam là 350 triệu dân nên các nước nhìn thấy cơ hội đầu tư vào Việt Nam, xuất khẩu hàng sang Việt Nam vì đó là thị trường tiêu thụ lớn. Vì vậy, tôi nghĩ thách thức đối với hiệp định này không nhỏ… |