Những chủ quán có tư duy mới đã dụng công khiến căn phòng này trở thành một nơi đẹp đẽ, được trau chuốt từ gạch lát sàn, tre ốp tường, lối đi trải sỏi đến lựa chọn những chiếc bồn rửa tay kiểu cách, gương kèm vật trang trí thật đẹp. Đặc biệt phòng còn có cây xanh, hoa tươi, luôn thơm tho và rất khô ráo.
Thế hệ 7x, 8x hẳn là lớp người ấn tượng nhất với những phòng vệ sinh phong cách này bởi nó khác hẳn suy nghĩ từ trước tới nay về NVS. Ngay cả nhà riêng cũng ít khi có được như vậy.
Làm được như vậy là khó, song đây thực sự là cách tư duy đúng. Tiếng Anh NVS là “rest room”, nghĩa là căn phòng thư giãn, đem đến sự thoải mái cho con người. Nếu chưa thể đẹp thì chí ít nó phải sạch sẽ, tiện dụng bởi ra vào chốn này là nhu cầu rất quan trọng mỗi ngày của bất kỳ ai trong chúng ta.
Hình ảnh một nhà vệ sinh công cộng ở Nhât. Ảnh: Journeyinlife.net
Mới đây, Hiệp hội NVS Việt Nam đã ra đời với nhiệm vụ là tuyên truyền, nâng cao ý thức xây dựng NVS đạt chuẩn. Nói nôm na là thúc đẩy làm sao để các địa phương có thêm càng nhiều NVS đạt chuẩn càng tốt.
Đầu tiên, khi nghe tên hiệp hội này hẳn ai cũng phì cười. Ngay cả người lịch sự nhất cũng dễ thấy đây là chuyện… kỳ kỳ, rằng “có cái hiệp hội như vậy nữa hả?”. Thế nhưng ngẫm lại thì cái hiệp hội mà tên gọi của nó không được sang, không được mỹ miều, thơm tho cho lắm này lại là điều mà cả xã hội chúng ta đang rất cần.
Nhà chức trách của tỉnh Bình Dương từng nói xây dựng NVS sạch sẽ chính là mang đến phúc lợi cho người dân, là yếu tố quan trọng để đánh giá bộ mặt văn minh đô thị. Thật vậy, không quá lời khi nói rằng một địa phương, một khu phố… mà tạo ra, rồi giữ gìn được những NVS sạch sẽ cho người dân sử dụng là đã “tạo phúc” cho thiên hạ đấy.
Vệ sinh cá nhân là hoạt động sống mà ai ai cũng làm, ai ai cũng cần, thế nhưng nhìn lại chúng ta đến nay vẫn chưa quan tâm vấn đề này đúng mức. Nhắc đến NVS, nhất là ở trường học, chợ, bệnh viện… vẫn là nỗi ngại ngùng hoặc hãi hùng của dân ta. Bộ trưởng Bộ Y tế mới đây cũng đã phát biểu: “NVS của bệnh viện bẩn tức giám đốc ở bẩn”. Phát biểu của bà Tiến nhằm nhắc nhở các BV cần chú trọng hơn nữa để NVS được sạch sẽ, phục vụ bệnh nhân và thân nhân được tốt hơn.
Bình Dương bốn năm nay đều tổ chức một cuộc thi với tên gọi rất gợi hình, gợi cảm là “Chạy khẩn cấp”. Biểu tượng chương trình là hình ảnh một người cuống quýt chạy vừa ngộ nghĩnh vừa thực tế, thay lời muốn nói cho biết bao nhiêu người. Dù đang ở giữa trung tâm TP mà nỗi buồn ập đến thì biết chạy đi đâu. Dù may mắn tìm được điểm đến, chắc gì nơi chốn giải quyết ấy đã khiến ta an tâm, hài lòng, hay đành cắn răng chịu đựng cho xong. Nỗi buồn thầm kín này quả thật đôi lúc không có nơi để xả.
Ở một số trường học Việt Nam, học trò đến trường phải nhịn tiểu đến sinh bệnh vì không dám bước vào NVS. Ra nước ngoài, thấy người ta lấy nước từ vòi trong NVS cho vào bình nước để uống mà “ước gì”.
Có điều nói đi thì cũng phải nói lại, xây nên một NVS sạch, đẹp rồi thì cách người ta sử dụng nó cũng quan trọng không kém. Cái sạch, đẹp đó giữ được bao lâu là ở ý thức người dùng và đây là cả một câu chuyện dài. Dù vậy, nếu không bắt đầu thì con đường dài ấy sẽ chẳng bao giờ đến đích. Hiệp hội ra đời có thể xem là một trong những bước đi đầu trên chặng đường xây dựng nếp nghĩ, nếp sống văn minh về NVS. Vậy nên đừng cười mà hãy nghĩ đến lúc chạy khẩn cấp chúng ta cần gì.