Từ 1-7, theo Thông tư 78/2021 quy định về hóa đơn điện tử áp dụng đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh chính thức được áp dụng.
Trong đó, đối tượng áp dụng là tổ chức, cá nhân bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ bao gồm: Doanh nghiệp (DN) được thành lập và hoạt động theo pháp luật Việt Nam; chi nhánh, văn phòng đại diện của doanh nghiệp nước ngoài hoạt động tại Việt Nam; Hợp tác xã (HTX), liên hiệp HTX; hộ, cá nhân kinh doanh, tổ hợp tác; đơn vị sự nghiệp công lập có bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ; tổ chức không phải là doanh nghiệp nhưng có hoạt động kinh doanh.
Đứng trước những khó khăn hiện nay của khối vận tải, việc trang bị hoá đơn điện tử càng làm cho các DN gặp khó hơn. Ảnh: TN |
Do đó, các DN, HTX trong khối vận tải cũng chính thức phải áp dụng hoá đơn điện tử từ ngày mai. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, các đơn vị này đã gặp một số khó khăn nhất định.
Theo phản ánh của đơn vị HTX xe buýt Quyết thắng, đơn vị này hiện thiếu kinh phí đầu tư cho công nghệ hoá đơn điện tử. Kinh phí cho tất cả hệ thống xe các đơn vị này lên tới hàng trăm triệu và có thể đến hàng tỉ đồng nếu đầu tư hoàn chỉnh hệ thống, trong khi việc tái hoạt động sau ngày 1-10-2021 của khối DN, HTX này chỉ ở mức loay hoay trả nợ.
Theo ông Lê Trung Tính, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô TP.HCM, ngày 27-6 vừa qua, Sở GTVT TP.HCM đã tổ chức cuộc họp nhằm tháo gỡ khó khăn cho khối DN, HTX xe khách khi phải thực hiện Nghị định số 123/2020 và Thông tư số 78/202 của bộ Tài chính về việc áp dụng hóa đơn điện tử.
“Khó khăn thứ 2 là công nghệ ứng dụng khi hiện tại chưa có các quy chuẩn hoặc danh sách các nhà đầu tư hợp quy, hợp chuẩn để các đơn vị đầu tư. Như vậy có thể dẫn đến lãng phí khi thiếu sự đồng bộ”- một đơn vị vận tải cho hay.
Cũng theo các đơn vị vận tải, khó khăn thứ 3 là chứng từ để kiểm soát vé tại bến và trên đường di chuyển. “Xử lý thế nào khi trường hợp mất vé? Việc xuất vé và xuất hóa đơn trong ngày là việc bất khả thi, đặc biệt với khối lượng vé lớn như xe buýt? Xử lý thế nào đối với các trường hợp hủy vé/huỷ hóa đơn?”- DN đặt vấn đề.
Các đơn vị vận tải đề xuất gia hạn thời gian áp dụng hoá đơn điện tử cho ngành này. Ảnh: TN |
Trao đổi với PLO, ông Lê Trung Tính, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô TP.HCM, cho biết áp dụng khoa học công nghệ tiên tiến vào lĩnh vực vận tải là điều ai cũng mong muốn, nhưng hiện nay các đơn vị vận tải vẫn đang trước những khó khăn chồng chất.
“Với những đặc điểm chung là 80% DN, HTX vận tải ở TP.HCM là những hộ kinh doanh hoặc DN, HTX nhỏ lẻ, tức là những đối tượng chưa đủ điều kiện sẵn sàng cho việc áp dụng vé điện tử”- ông Tính nhấn mạnh.
Do đó, theo vị Chủ tịch Hiệp hội đề xuất Bộ Tài chính và Cục thuế nên gia hạn thêm ít nhất sáu tháng đối với các đơn vị vận tải liên tỉnh và một năm đối với đơn vị xe buýt để các đơn vị có đủ thời gian và nguồn lực tổ chức mua sắm và lắp đặt thiết bị.
“Sở Tài chính, Sở GTVT và Cục Thuế TP nên có văn bản hướng dẫn thực hiện các vướng mắc trở ngại cụ thể mà các đơn vị đã nêu. Đồng thời, cần có bộ quy chuẩn, danh mục các DN đủ điều kiện cung ứng hoá đơn điện tử để các đơn vị vận tải chủ động, tránh lãng phí”- ông Tính đề xuất.